Go Back Go Back
Go Back Go Back

Đã đến lúc phải đầu tư nhân rộng toàn quốc tiêm chủng HPV, sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung

Đã đến lúc phải đầu tư nhân rộng toàn quốc tiêm chủng HPV, sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung

Thông cáo báo chí

Đã đến lúc phải đầu tư nhân rộng toàn quốc tiêm chủng HPV, sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung

calendar_today 10 Tháng 5 2023

Lễ công bố kết quả nghiên cứu về hiểu quả đầu tư tiêm chủng HPV tại Việt Nam
Lễ công bố kết quả nghiên cứu về hiểu quả đầu tư tiêm chủng HPV tại Việt Nam

Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2023: Việc đầu tư toàn diện vào chương trình tiêm chủng HPV, sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung có thể mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế và xã hội, đồng thời góp phần loại bỏ căn bệnh này khỏi xã hội Việt Nam.

 

Đây là kết luận từ Nghiên cứu về hiệu quả đầu tư tiêm chủng HPV tại Việt Nam do UNFPA phối hợp thực hiện cùng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đại học Victoria và Viện Daffodil (Úc). Nghiên cứu đã trình bày những phân tích toàn diện các kịch bản khác nhau về tiêm chủng HPV, sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung dựa trên các dữ liệu được xác thực, phân tích về hiệu quả chi phí, lợi ích kinh tế xã hội từ tiêm vắc-xin và tiến độ thanh toán căn bệnh này. 

 

Các phát hiện chính của nghiên cứu đã được UNFPA Việt Nam và các đối tác trình bày hôm nay tại Hà Nội. Những phát hiện này cung cấp bằng chứng vững chắc hỗ trợ nỗ lực của Bộ Y tế Việt Nam và các cơ quan trong việc nhân rộng chương trình tiêm chủng HPV, khám sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung tại Việt Nam. Nghiên cứu cũng tạo tiền đề xây dựng các chính sách cấp quốc gia và địa phương nhằm triển khai hiệu quả các biện pháp can thiệp toàn diện hướng đến loại bỏ hoàn toàn căn bệnh này ở phụ nữ Việt Nam.

 

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là do nhiễm vi-rút HPV (một loại vi-rút gây u nhú ở người – Human Papillomavirus). Căn bệnh này hiện đang là mối quan tâm lớn cho sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Năm 2018, ung thư cổ tử cung xếp thứ sáu trong danh sách các loại ung thư phổ biến nhất với phụ nữ Việt Nam, với 4.200 ca mắc mới và 2.420 ca tử vong.

 

Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Với mục tiêu thanh toán căn bệnh này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới có các biện pháp cụ thể để đảm bảo 90% trẻ em gái trước 15 tuổi được tiêm chủng HPV, 70% phụ nữ trước 35 tuổi được khám sàng lọc ung thư cổ tử cung sử dụng các hình thức xét nghiệm với độ chính xác cao, và họ được tái xét nghiệm trước 45 tuổi, đồng thời đảm bảo chữa trị cho 90% phụ nữ được phát hiện tiền ung thư và 90% phụ nữ đã bị ung thư xâm lấn cho đến năm 2030.

 

Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng HPV và sàng lọc ung thư cổ tử cung vẫn còn thấp. Theo Điều tra các chỉ tiêu Mục tiêu Phát triển Bền Vững (SDGs) về Phụ nữ và Trẻ em do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2021 với sự hỗ trợ của UNFPA và UNICEF, chỉ 12% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15-29 đã được tiêm vắc-xin, và chỉ 28% phụ nữ từ 30-49 tuổi đã được khám sàng lọc ung thư.

 

Nghiên cứu cũng cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể thanh toán ung thư cổ tử cung trong 30 năm tới nếu việc tiêm chủng HPV được triển khai cho 90% trẻ em gái vị thành niên; 70% phụ nữ được khám sàng lọc ung thư cổ tử cung; và 90% phụ nữ bị tiền ung thư hoặc đang bị ung thư cổ tử cung được sự điều trị đầy đủ. Nếu kết hợp tiêm chủng HPV với sàng lọc và điều trị thì Việt Nam có thể thanh toán ung thư cổ tử cung chỉ trong vòng 29 năm, sớm hơn nếu chỉ thúc đẩy tiêm chủng HPV. Nghiên cứu cũng ước tính rằng một đô-la đầu tư vào các chương trình ngăn ngừa ung thư cổ tử cung có thể mang lại lợi ích kinh tế tương đương từ 5 đến 11 đô-la, và số tiền này tăng lên vào khoảng từ 8 đến 20 đô-la nếu kết hợp lợi ích kinh tế và xã hội.  

 

Trong bài phát biểu khai mạc tại hội nghị công bố kết quả nghiên cứu, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam đã nêu bật những phát hiện quan trọng của Nghiên cứu. Theo đó bà nhấn mạnh rằng: Chúng tôi tin rằng các bằng chứng xác thực được đưa ra trong sự kiện hôm nay sẽ là tín hiệu cho các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia y tế, tổ chức xã hội dân sự, những nhà nghiên cứu và đối tác phát triển ủng hộ và triển khai thực hiện các kế hoạch phòng chống ung thư cổ tử cung, đồng thời thúc đẩy nỗ lực hướng tới một tương lai không còn căn bệnh ung thư cổ tử cung tại Việt Nam. UNFPA cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các đối tác triển khai thực hiện tiêm chủng HPV tại Việt Nam.”

 

Về phần mình, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế cũng chia sẻ về quá trình thực hiện nghiên cứu: “Nghiên cứu đã cho thấy những bằng chứng mạnh mẽ về hiệu quả chi phí và lợi ích từ việc đầu tư, đồng thời đưa ra tiến độ thanh toán ung thư cổ tử cung ở Việt Nam. Những bằng chứng khoa học này đáng để Chính phủ cân nhắc nhằm bố trí nguồn lực cần thiết cho việc xây dựng các chiến lược tối ưu về phòng chống ung thư cổ tử cung ở Việt Nam.”

 

Chúng ta phải hành động ngay bây giờ và không được để một ai bị bỏ lại phía sau, ngay cả những phụ nữ đã mắc ung thư cổ tử cung hay có nguy cơ mắc. Chúng ta có thể thanh toán ung thư cổ tử cung, một vấn đề của sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam, và cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của người dân.

 

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

Bà Đinh Thu Hương | Cán bộ truyền thông của UNFPA

SĐT: 0913 301 539 | Email: dhuong@unfpa.org