Bạn đang ở đây

 

HÀ NỘI, ngày 29 tháng 4 năm 2022 - Trong khuôn khổ chương trình Quốc gia lần thứ 10 của Quỹ Dân số Liên hợp quốc giai đoạn 2022 - 2026, Dự án VNM10P01 đã được phê duyệt nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện và giám sát thực hiện luật, chính sách phát triển thanh niên toàn diện; đồng thời, thúc đẩy sự tham gia của thanh niên, bao gồm cả trong tình trạng ứng phó với thiên tai và dịch bệnh. Buổi Lễ khởi động Dự án chính thức được tổ chức tại Bộ Nội vụ với sự tham gia của đại biểu đại diện các cơ quan, gồm: Bộ Nội vụ; Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Bộ Giáo dục và Đào tạo; các bộ, ngành trung ương có liên quan; các cơ quan Liên hợp quốc và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam.

 

Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu học, theo Điều tra dân số và nhà ở 2019, vị thành niên và thanh niên độ tuổi từ 10 đến 24 tuổi chiếm 21% tổng dân số. Cơ hội về nhân khẩu học, được bắt đầu năm 2017 và sẽ kéo dài đến năm 2041, cho thấy Việt Nam có cơ hội đặc biệt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; để phát triển toàn diện thanh niên cần chú trọng vào các lĩnh vực: giáo dục đạo đức, lối sống; đào tạo nghề, tạo việc làm; nâng cao trình độ văn hóa, sức khỏe và kỹ năng sống nhằm phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đồng thời thúc đẩy và phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đầu tư phát triển thanh niên toàn diện trong những năm tới sẽ mở ra những cơ hội cho Việt Nam tận dụng thời kỳ dân số vàng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại Lễ khởi động Dự án VNM10P01, Bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh: "Mục tiêu của Dự án nhằm tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ phát triển thanh niên, trong đó tập trung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính; đồng thời xây dựng cơ chế thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong các chính sách và chương trình ứng phó các tình trạng khẩn cấp, khủng hoảng về thiên tai và dịch bệnh... Các hoạt động của Dự án phù hợp với định hướng ưu tiên của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam; đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng, nhu cầu về phát triển thanh niên của Việt Nam trong những năm tới".

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định về kinh tế - xã hội trong thập kỷ qua, song trong quá trình phát triển đất nước, vẫn còn những khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, cơ hội việc làm và sự tham gia của thanh niên trong phát triển chính sách cần được tiếp tục quan tâm để không ai bị bỏ lại phía sau, trong đó có trẻ em gái ở vùng dân tộc thiểu số, và thanh niên dễ bị tổn thương như thanh niên di cư, thanh niên khuyết tật, thanh niên có HIV/AIDS.

Với tổng kinh phí 3,1 triệu đô la Mỹ, Dự án này hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện và giám sát thực hiện các chính sách về phát triển thanh niên toàn diện. Dự án sẽ được triển khai trong 5 năm, từ năm 2022 đến năm 2026. Thời gian thực hiện Dự án phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như các chiến lược, kế hoạch phát triển thanh niên của Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan. Trong quá trình triển khai Dự án, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam sẽ hỗ trợ Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan triển khai, giám sát hiệu quả việc thực hiện Luật Thanh niên và các chính sách, pháp luật về thanh niên; triển khai các chương trình nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện thanh niên Việt Nam, đặc biệt là các thanh niên dễ bị tổn thương.

 

Dự án tái khẳng định cam kết của Quỹ Dân số Liên hợp quốc trong việc hỗ trợ Bộ Nội vụ và các đối tác thực hiện nhằm góp phần phát triển thanh niên toàn diện, đặc biệt trong các lĩnh vực tiếp cận giáo dục kỹ năng sống và giáo dục giới tính, tình dục toàn diện. Thông qua Dự án này, Quỹ Dân số Liên hợp quốc phối hợp với Bộ Nội vụ và các đối tác liên quan khác hướng đến trao quyền và hỗ trợ thanh niên, đặc biệt thanh niên dễ bị tổn thương, tham gia có ý nghĩa trong xây dựng và thực thi chính sách, từ đó đóng góp vào các nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030,” Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ.

 

Dự án tập trung vào các lĩnh vực sau:

  • Thực hiện Luật Thanh niên, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và các chính sách, chương trình liên quan đến thanh niên;
  • Tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Thanh niên, các chính sách, chương trình phát triển thanh niên, bao gồm cả trong tình trạng ứng phó với thiên tai và dịch bệnh;
  • Phát triển cơ chế và chính sách nhằm thúc đẩy sự tham gia chủ động của thanh niên, đặc biệt là thanh niên dễ bị tổn thương, trong việc xây dựng và giám sát việc thực hiện luật, chương trình và các chính sách liên quan đến thanh niên; và
  • Phát triển kỹ năng sống, giáo dục giới tính và tình dục toàn diện cho vị thành niên và thanh niên trong cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thanh niên ngoài trường học.

Dự án được đồng triển khai bởi các đơn vị: Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ; Vụ Văn hóa, Giáo dục, Văn phòng Quốc hội; Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Vụ Công tác học sinh sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. 

Chương trình Quốc gia lần thứ 10 hợp tác giữa Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam sẽ hướng đến những kết quả mang tính chuyển đổi trong chiến lược, kế hoạch của các tổ chức, hướng đến Việt Nam không còn ca tử vong mẹ mà có thể phòng ngừa được, không còn nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình không được đáp ứng và không còn bạo lực trên cơ sở giới và những thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chương trình trong 5 năm tới cũng phù hợp với Khung Hợp tác Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc để Việt Nam đạt được mục tiêu vào năm 2030 “Không ai bị bỏ lại phía sau”./.

 

Lưu ý cho biên tập viên:                                                                                             

 

Chương trình Quốc gia lần thứ 10 của UNFPA 2022 - 2026, với tổng nguồn lực là 26,5 triệu đô la Mỹ, tập trung vào các lĩnh vực:

  • Vị thành niên và Thanh niên;
  • Già hóa dân số và Bảo trợ xã hội;
  • Tiếp cận công bằng với Sức khỏe sinh sản, Sức khỏe tình dục;
  • Dữ liệu và bằng chứng cho việc xây dựng chương trình và chính sách;
  • Bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại; và
  • Đáp ứng liên ngành đối với Bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại.

 

Thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Thanh

Cán bộ Truyền thông, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam

Email:  tnguyen@unfpa.org

SĐT: 0913093363

 

 

Bà Vũ Hương Ngát

Chuyên viên chính, Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ; Điều phối viên Dự án VNM10P01

Email: vuhuongngat@moha.gov.vn

SĐT: 0918228066