Go Back Go Back
Go Back Go Back

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên thời đại 4.0 hỗ trợ người cao tuổi và người khuyết tật tại Việt Nam.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên thời đại 4.0 hỗ trợ người cao tuổi và người khuyết tật tại Việt Nam.

Thông cáo báo chí

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên thời đại 4.0 hỗ trợ người cao tuổi và người khuyết tật tại Việt Nam.

calendar_today 18 June 2021

Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2021: Học sinh, sinh viên đến từ gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc được khuyến khích giới thiệu những ý tưởng và dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt chuyển đổi số hướng tới cung cấp hàng hóa và dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật trong bối cảnh COVID-19 và trạng thái bình thường mới.

 

Hôm nay, cuộc thi Startup Kite 2021: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời đại 4.0 hướng tới hỗ trợ người cao tuổi và người khuyết tật đã được Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TBXH), và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA phát động tại Hà Nội với hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản. Tất cả các học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc đều được tham dự cuộc thi theo hình thức cá nhân hoặc theo đội với tối đa 5 thành viên. 

 

Từ năm 2020, Bộ LĐ-TBXH bắt đầu tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp cấp quốc gia Startup Kite theo Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Cuộc thi nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp củahọc sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kích thích óc sáng tạo, tư duy năng động, truyền cảm hứng kinh doanh, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên phát huy tinh thần sáng tạo, trải nghiệm thực tế trong việc lập dự án kinh doanh, đúc rút kinh nghiệm, kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, và đồng thời tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động chăm sóc người cao tuổi trong khuôn khổ hợp tác công tư.

 

Phát biểu tại buổi lễ khởi động, Ông Lê Tấn Dũng, Thứ Trưởng Bộ LĐ-TB-XH nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc thi. Thứ Trưởng động viên học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi: “Bằng tình yêu nghề nghiệp hãy tập trung thể hiện sức trẻ của mình, nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo, vận dụng các kiến thức, kỹ năng của mình để đưa ra các sáng kiến, các giải pháp giải quyết các vấn đề của cộng đồng, của xã hội. Tôi kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, gắn kết với giáo dục nghề nghiệp, trong đó có việc quan tâm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp, qua đó, giúp giáo dục nghề nghiệp thực hiện thành công mục tiêu tạo một nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước.”

 

Cho đến nay, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đại dịch đã tác động nghiêm trọng đến sinh kế và sức khỏe của người dân Việt Nam, đặc biệt là nhóm dân số dễ bị tổn thương bao gồm người cao tuổi và người khuyết tật. Cuộc thi được kỳ vọng sẽ thực hiện những bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi số nhằm đảm bảo dịch vụ chăm sóc và an sinh xã hội tận tâm, không gián đoạn sẽ được cung cấp đến người cao tuổi và người khuyết tật, để bảo vệ họ khỏi ảnh hưởng của đại dịch và trong bối cảnh bình thường mới.

 

UNFPA hợp tác với Bộ LĐ-TBXH tổ chức cuộc thi Startup Kite 2021. Đây là một hoạt động trong dự án mà UNFPA đang thực hiện “Giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19 đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương - Đảm bảo tiến trình quốc gia thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) tại Việt Nam” với sự tài trợ từ Chính phủ Nhật Bản. UNFPA phối hợp với các đối tác chính phủ, cơ quan Liên Hợp Quốc, và những bên liên quan khác để thực hiện dự án này trong giai đoạn từ tháng 04 năm 2021 đến tháng 03 năm 2022.

 

Tại lễ phát động, ông Okabe, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhận định: ““Để thực hiện ‘xã hội bao trùm’, chú trọng đến những người dễ bị tổn thương, thế hệ trẻ trong thời đại công nghệ số sẽ đóng vai trò quan trọng. Như Chính phủ Việt Nam vẫn thường xuyên nhấn mạnh chuyển đổi số có thể là động lực thay đổi xã hội trong đó cuộc sống của người cao tuổi và người khuyết tật sẽ tốt hơn. Vì vậy tôi tin rằng cuộc thi này sẽ là cơ hội cho thế hệ trẻ và thế hệ cao tuổi có thể cùng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.”

 

Trong những năm vừa qua, UNFPA đã tập trung quan tâm và hỗ trợ những nhóm dân số dễ bị tổn thương, bao gồm người cao tuổi, đặc biệt người cao tuổi là phụ nữ. Người trên 60 tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương trước COVID-19, bởi họ đối mặt với nguy cơ diễn biến bệnh nặng hơn và khả năng tử vong cao hơn. 95% người cao tuổi có bệnh lý nền, mãn tính, điều này càng khiến họ dễ bị ảnh hưởng trước những tác động tiêu cực của đại dịch. Giãn cách xã hội và các biện pháp phòng tránh COVID-19 cũng làm giảm khả năng sẵn sàng phục vụ của các cơ sở chăm sóc tập trung cho người cao tuổi.

 

Trong bài phát biểu của mình, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA đề cập rằng tương tự như với phụ nữ mang thai, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi thường bị gián đoạn, đặt ra những thách thức đặc thù đối với người cao tuổi khuyết tật. Giãn cách xã hội cũng có thể gây cô lập người qua tuổi, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.

 

Bà Naomi Kitahara cũng cho biết: Để ứng phó với thực trạng già hóa dân số và đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, cần áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời, bao gồm giải quyết những vấn đề mà người cao tuổi hiện tại và sau này gặp phải, giúp đỡ người trẻ chuẩn bị cho tuổi già và một xã hội già, thúc đẩy liên kết giữa các thế hệ trong quá trình chuyển đổi số nhằm đảm bảo toàn xã hội tham gia vào công cuộc tiến tới già hóa khỏe mạnh và năng động. UNFPA rất vinh dự trở thành cầu nối giữa thanh niên và người cao tuổi tại Việt Nam.”

 

Cuộc thi Startup Kite 2021 bao gồm ba vòng thi, vòng cuối cùng sẽ diễn ra vào tháng 11 năm 2021. Trước khi vào vòng cuối cùng, các thí sinh được chọn và những cá nhân/đội học sinh, sinh viên có nguyện vọng sẽ được tham gia một khóa đào tạo để được trang bị những kiến thức cần thiết về khởi nghiệp, cách xây dựng kế hoạch kinh doanh, và kỹ năng gọi vốn thiết yếu.

 

Khóa đào tạo này sẽ được Vụ Công tác học sinh, sinh viên thuộc Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp tổ chức trực tiếp (cho 50 học sinh, sinh viên) và trực tuyến (cho những học sinh, sinh viên có nguyện vọng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp), với sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía UNFPA. Tham gia giảng dạy khóa học là các giảng viên đại học và các doanh nhân, và chia sẻ kinh nghiệm từ người thắng cuộc năm 2020.

Hội doanh nhân trẻ Việt Nam và Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ sẽ đồng hành trong suốt cuộc thi và tham gia cố vấn cho các cá nhân, đội tham gia.

Cá nhân/đội thắng cuộc sẽ được nhận những giải thưởng như sau:

  • Giải nhất: 20 triệu đồng
  • Hai giải nhì: Mỗi giải 15 triệu đồng
  • Hai giải ba: Mỗi giải 10 triệu đồng
  • 30 giải khuyến khích: Mỗi giải 5 triệu đồng

 

- hết -

 

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ: 

Bà Đinh Thị Thu Hương | Phòng Truyền thông UNFPA 

Email:  dhuong@unfpa.org | SĐT: 0913301539

 

Ông Nguyn Văn Công |V Công tác hc sinh sinh viên

Email: congnv@molisa.gov.vn  |SĐT: 090618 18 86