Go Back Go Back
Go Back Go Back
Go Back Go Back

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được sửa đổi theo hướng chú trọng nạn nhân của bạo lực gia đình

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được sửa đổi theo hướng chú trọng nạn nhân của bạo lực gia đình

Press Release

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được sửa đổi theo hướng chú trọng nạn nhân của bạo lực gia đình

calendar_today 02 June 2022

Cuộc họp tham vấn tại Vũng Tàu
Cuộc họp tham vấn tại Vũng Tàu

Vũng Tàu, ngày 2 tháng 6 năm 2022:  Chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố phía Nam Việt Nam chia sẻ suy nghĩ, đóng góp ý kiến về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm đảm bảo các nội dung sửa đổi phản ánh đầy đủ kinh nghiệm thực tiễn của các cơ quan này trong giải quyết bạo lực gia đình và bạo lực đối với phụ nữ.

 

Cuộc họp tham vấn kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ hôm nay tại Vũng Tàu, dưới sự chủ trì của bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bà Naomi Kitahara – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam. Thành phần tham gia thảo luận gồm lãnh đạo cấp cao của Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố phía Nam cùng những chuyên gia trong lĩnh vực này.

 

Cuộc họp lấy ý kiến này có ý nghĩa quan trọng bởi Luật sửa đổi sẽ được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội. Nội dung chính của cuộc họp là việc xem xét các nội dung của dự thảo Luật sửa đổi và quan điểm của UNFPA về việc áp dụng phương pháp tiếp cận chú trọng nạn nhân của bạo lực gia đình trong quá trình soạn thảo.

 

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong giai đoạn 2009 – 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình tại các địa phương trên cả nước là 324.641 vụ. Trong khi đó, Nghiên cứu quốc gia do UNFPA hỗ trợ về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy có rất ít thay đổi về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ sau 10 năm, kể từ nghiên cứu đầu tiên vào năm 2010. Đặc biệt, 62,9% phụ nữ ở Việt Nam từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực cuộc đời, bao gồm bạo lực về thể chất, kinh tế, tình cảm và tình dục cũng như các hành vi kiểm soát. Ngoài ra, 90,4% nạn nhân bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính quyền, trong khi một nửa trong số họ chưa bao giờ nói với ai về vấn đề bạo lực. Như vậy, bạo lực gia đình đang tiềm ẩn trong xã hội và là vấn đề đáng báo động.

 

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, đã đến lúc phải sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện tại. UNFPA rất vinh dự được hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình này.

 

Theo lời bà Naomi Kitahara: “Trong những năm qua, UNFPA đã hỗ trợ Bộ sửa đổi Luật để lồng ghép tất cả khuyến nghị từ các nghiên cứu trước đây cũng như đảm bảo các cam kết và tiêu chuẩn quốc tế về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Do Quốc hội dự kiến sẽ xây dựng Luật sửa đổi trong những ngày tới, nên phiên họp lấy ý kiến hôm nay nhằm thảo luận sâu hơn từ góc độ của chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố phía Nam. Chúng ta không được bỏ rơi bất kỳ ai trong công cuộc phát triển bền vững của Việt Nam, bao gồm cả nạn nhân bị bạo lực, phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực”.

 

Tính đến nay, đã diễn ra nhiều cuộc họp chuyên môn và hội thảo lấy ý kiến liên quan đến dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với sự tham gia của các bộ chủ quản và các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng như các tổ chức xã hội dân sự. Luật sửa đổi gồm 6 chương, 62 điều với 24 điều mới và 38 điều bổ sung. Hiện nay, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp đang diễn ra và dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 10 năm 2022.

 

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi được soạn thảo dựa trên cách tiếp cận quyền con người, kết hợp các bài học, kinh nghiệm và khuyến nghị quốc tế nhằm tăng cường hiệu lực của các thể chế nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách và chương trình can thiệp nhằm ngăn ngừa và ứng phó hiệu quả với bạo lực gia đình ở Việt Nam.

 

Trong quá trình sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, phương pháp lấy nạn nhân làm trọng tâm đã được áp dụng để đảm bảo quyền của nạn nhân bị bạo lực gia đình, đảm bảo nhu cầu và tiếng nói của họ được xem xét và lắng nghe một cách nghiêm túc, đặc biệt trong bối cảnh tại Việt Nam, vấn nạn bạo lực đối với phụ nữ chủ yếu còn tiềm ẩn. Các bên liên quan cũng cần quan tâm hơn nữa cũng như cung cấp các nguồn lực tài chính và chuyên môn trong quá trình thực hiện Luật.

 

Lưu ý gửi người biên tập:

Phương pháp tiếp cận lấy nạn nhân làm trọng tâm là đặt các nhu cầu và ưu tiên của nạn nhân bị bạo lực được đặt lên hàng đầu trong mọi tình huống ứng phó và xây dựng chính sách. Đặc biệt, nạn nhân bị bạo lực phải được đảm bảo những điều sau đây:

  • Được đối xử với nhân phẩm và sự tôn trọng;
  • Có toàn quyền tiếp cận với môi trường an toàn, hỗ trợ, không phán xét;
  • Có quyền tiếp cận thông tin thích hợp;
  • Được tạo điều kiện để đưa ra lựa chọn và quyết định sáng suốt; và
  • Được hưởng quyền về sự riêng tư và bí mật.

 

Để biết thêm chi tiết, xin vui lòng liên hệ:

 

UNFPA: Bà Nguyễn Thị Hồng Thanh, Cán bộ truyền thông

Di động: 0913 093 363; Email: tnguyen@unfpa.org