Bạn đang ở đây

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc – UNFPA tại Việt Nam

 

Trả lời phỏng vấn của Zing News:

 

 

1. Theo UNFPA, băng vệ sinh, tã, bỉm có nên được xem là mặt hàng thiết yếu không? Tại sao? Nếu không có nó, cuộc sống của phụ nữ, trẻ em, và người dân nói chung sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

 

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), với tư cách là một tổ chức thúc đẩy nhân phẩm của phụ nữ trong các cuộc khủng hoảng và các vấn đề có liên quan đến quyền con người, luôn tư vấn các quốc gia trong đó có Việt Nam cần đảm bảo đưa băng vệ sinh, tã, bỉm vào danh mục các mặt hàng thiết yếu trong chương trình ứng phó với các tình huống khẩn cấp của mỗi quốc gia vì việc mang thai và kỳ kinh nguyệt của phụ nữ không ngừng trong bối cảnh đại dịch.

 

Chúng tôi hoàn toàn hiểu những khó khăn, hạn chế về nguồn lực, nhưng phụ nữ và các trẻ em gái, ngoài lương thực thực phẩm và nơi chốn để ở, cần có những vật dụng khác để bảo vệ nhân phẩm của họ trong cuộc sống hàng ngày. Một chương trình duy nhất chỉ có của UNFPA đó là việc cung cấp “Bộ đồ dùng thiết yếu vì nhân phẩm phụ nữ và trẻ em gái” (Dignity Kits) lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam năm ngoái trong khuôn khổ chương trình ứng phó với đại dịch COVID-19 và sạt lở đất. Trong số những vật dụng thiết yếu mà chúng tôi hỗ trợ phụ nữ luôn có băng vệ sinh. Ngoài ra, nhất thiết cần đảm bảo không gián đoạn cung cấp các dịch vụ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản đặc biệt cho phụ nữ đang mang thai và đồng thời phải đảm bảo luôn có sẵn các dịch vụ nhằm ngăn chặn và ứng phó kịp thời vấn nạn bạo lực đối phụ nữ và trẻ em gái, thường hay xảy ra trong bối cảnh khủng hoảng hay trong các trường hợp khẩn cấp. Những dịch vụ thiết yếu bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ của công an, tiếp cận dịch vụ tư pháp và các dịch vụ hỗ trợ xã hội.

 

 2. Đại dịch và các biện pháp giãn cách đã làm cho ngưng trệ các dịch vụ thiết yếu. Ông/bà có khuyến nghị để đảm bảo cung cấp dịch vụ liên tục, không bị gián đoạn trong thời gian có đại dịch?

 

UNFPA kêu gọi các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam hãy đảm bảo cung cấp dịch vụ cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai và phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ là nạn nhân của bạo lực gia đình và những dịch vụ này nhất thiết không được gián đoạn trong thời gian có đại dịch COVID-19. UNFPA đánh giá cao quyết định gần đây của Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo phụ nữ mang thai cần đặc biệt theo dõi thường xuyên thai kỳ của mình và những chăm sóc cần thiết khác trong thời kỳ mang thai đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Chúng tôi hy vọng sẽ có những khuyến cáo tương tự dành cho phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ là nạn nhân của bạo lực gia đình trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và khi đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.

 

Liên quan đến sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sảnh, dự báo toàn cầu của UNFPA cho thấy nếu tiếp tục duy trì những hạn chế đi lại thêm ít nhất là 6 tháng nữa cùng với những gián đoạn dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản thì 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia có thu nhập thấp hay thu nhập trung bình có thể sẽ không có các biện pháp tránh thai hiện đại, và kết quả là sẽ có 7 triệu người mang thai ngoài ý muốn.

 

Với bối cảnh ở Việt Nam, theo một nghiên cứu mô phỏng của chúng tôi thực hiện trong năm 2020 thì đại dịch COVID-19 và những tác động của đại dịch đối với Việt Nam có thể sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong mẹ từ 44% tới 65%. Khống chế bền vững đại dịch COVID-19 cần thiết phải có sự hợp tác và phối hợp liên ngành một cách năng động và hiệu quả. Có nghĩa là các ngành có liên quan đến lao động, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, giao thông vận tải, giáo dục, thông tin, phúc lợi xã hội và đương nhiên ngành y tế cần phải phối hợp chặt chẽ để đảm bảo không gián đoạn cung cấp và sử dụng các dịch vụ thiết yếu đặc biệt trong các lĩnh vực sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cũng như ngăn chặn và ứng phó với nạn bạo lực trên cơ sở giới. Chúng tôi nhận thấy các ứng dụng của chuyển đổi số, như ứng dụng khám chữa bệnh từ xa (tele-health) mà chúng tôi đã giới thiệu tại Việt nam năm ngoái cùng với các tin nhắn qua điện thoại mà chúng tôi đã thường xuyên thực hiện từ năm ngoái để cảnh báo người dân về bạo lực dựa trên cơ sở giới, là những công cụ giúp đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay ở Việt Nam.