Go Back Go Back
Go Back Go Back

Mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới – Ngôi nhà Ánh Dương thứ 2 tại Việt Nam chính thức đi vào hoạt động tại tỉnh Thanh Hóa

Mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới – Ngôi nhà Ánh Dương thứ 2 tại Việt Nam chính thức đi vào hoạt động tại tỉnh Thanh Hóa

Thông cáo báo chí

Mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới – Ngôi nhà Ánh Dương thứ 2 tại Việt Nam chính thức đi vào hoạt động tại tỉnh Thanh Hóa

calendar_today 21 January 2022

Thanh Hóa, ngày 21 tháng 1 năm 2022: Mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới – Ngôi nhà Ánh Dương thứ 2 tại Việt Nam chính thức đi vào hoạt động tại tỉnh Thanh Hóa. Đây là một trong những nỗ lực trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhằm giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái thuộc dự án “Giảm nhẹ tác động của Covid-19 đến nhóm dân số dễ bị tổn thương cũng như đảm bảo tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

 

Trung tâm dịch vụ một cửa - Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp các dịch vụ tích hợp, thiết yếu và toàn diện cho người bị bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm các dịch vụ y tế, xã hội, tư pháp và bảo vệ.

 

Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên đã được thành lập tại tỉnh Quảng Ninh trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ LĐTBXH và UNFPA, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ KOICA. Kể từ khi đi vào hoạt động vào tháng 4 năm 2020, Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh đã trở thành nơi tạm lánh an toàn cho hơn 300 phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Đường dây nóng miễn phí của Trung tâm hoạt động 24/7 và mỗi tháng tiếp nhận hơn 1.000 cuộc gọi.

 

Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa được nhân rộng từ mô hình Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh. Theo kế hoạch, mô hình tiếp tục được nhân rộng tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trong quý 1 năm 2022 với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản, nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của người bị bạo lực trên cơ sở giới.

 

Phát biểu tại Lễ ra mắt Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới tại Thanh Hóa, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định việc thành lập Ngôi nhà Ánh Dương là rất kịp thời. Bà chia sẻ: “Ngôi nhà Ánh Dương đóng vai trò quan trọng không chỉ hỗ trợ người bị bạo lực mà còn tăng cường sự tham gia, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các ban, ngành và các tổ chức liên quan trong việc giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới một cách chuyên nghiệp và thân thiện, thông qua việc áp dụng phương pháp tiếp cận lấy người bị bạo lực làm trung tâm. Việc xây dựng và vận hành thí điểm mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam nghiên cứu, tham mưu xây dựng văn bản quy định tiêu chuẩn áp dụng thống nhất đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực”.

 

Tại Thanh Hóa, Ngôi nhà Ánh Dương đã thiết lập đường dây nóng miễn phí 18001744 hoạt động 24/7 để tiếp nhận, tư vấn tâm lý, kết nối các nguồn lực hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới.

                                             

Phát biểu tại buổi Lễ ra mắt, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho biết UNFPA vinh dự đóng góp vào nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái. Bà nhấn mạnh: “Chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại với phụ nữ và trẻ em gái là một trong ba đầu ra chuyển đổi trong Kế hoạch Chiến lược của UNFPA toàn cầu. Tại Việt Nam, UNFPA đã đồng hành với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trên hành trình chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Việc thành lập Trung tâm dịch vụ một cửa tại Thanh Hóa là một trong những kết quả từ sự hợp tác này nhằm đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, bao gồm những người dễ bị tổn thương nhất, có quyền được sống một cuộc sống không có bạo lực và không bị tổn hại về nhân phẩm.”

 

Để đảm bảo cho việc vận hành Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa một cách hiệu quả, hơn 500 cán bộ làm quản lý nhà nước ở các lĩnh vực y tế, tư pháp, công an và đội ngũ nhân viên cung cấp dịch vụ của tỉnh đã được đào tạo kiến thức, kĩ năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực. Cơ chế phối hợp liên ngành phòng, ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cũng được xây dựng nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ tích hợp hỗ trợ người bị bạo lực trên cở sở giới tại Thanh Hóa.  .

 

Chính phủ Nhật Bản đánh giá cao UNFPA và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vì những nỗ lực không mệt mỏi trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Thông qua tài trợ thành lập Ngôi nhà Ánh Dương tại Thanh Hóa, Chính phủ Nhật Bản rất vinh dự khi có thể góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, đảm bảo rằng mỗi người dân Việt Nam đều là một phần trong quá trình phát triển bền vững của đất nước.

 

Thông tin dành cho các biên tập viên:

 

Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy gần 2 trong số 3 phụ nữ Việt Nam (62,9%) đã trải qua ít nhất một trong các hình thức bạo lực về thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý và hoặc bạo lực kinh tế trong cuộc đời. Một nửa số phụ nữ từng bị bạo lực về thể chất và/hoặc bạo lực tình dục do người chồng/bạn tình gây ra không kể cho bất cứ ai về tình trạng của họ và hầu hết những người trong số họ (90,4%) đã không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào. Do vậy, bạo lực đối với phụ nữ vẫn là vấn đề bị dấu kín trong xã hội Việt Nam hiện nay.

 

Trong bối cảnh COVID-19, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ càng trở nên trầm trọng trên toàn cầu và Việt Nam không ngoại lệ. Số lượng cuộc gọi yêu cầu trợ giúp tới đường dây nóng do UNFPA hỗ trợ tại Quảng Ninh đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba trong đại dịch COVID-19 so với cùng kỳ. Và trong 40 ngày đầu vận hành đường dây nóng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực của trung ương Hội Nông dân do UNFPA hỗ trợ (20/11-31/12/2021) đã tiếp nhận 2615 cuộc gọi.

 

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Bà Nguyễn Việt Hải,

Chuyên viên Vụ Bình đẳng giới, Email: hainv@molisa.gov.vn  Điện thoại: 0983.084.703

 

Bà Đinh Thu Hương

Cán bộ Truyền thông của UNFPA, Email: dhuong@unfpa.org; Điện thoại: 0913301539