Bạn đang ở đây

Hà Nội, ngày 12/6/2013 - Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan ngại ngày càng tăng tại một số quốc gia châu Á nơi có tới 117 triệu phụ nữ và trẻ em gái - được báo cáo “thiếu”. Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng từ 106.2 bé trai trên 100 bé gái năm 2000 lên 112.3 bé trai trên 100 bé gái năm 2012 và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu là do việc ưa thích con trai và đánh giá thấp vị trí, vai trò của phụ nữ và trẻ em gái. Tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái là một trong các giải pháp then chốt giúp giải quyết vấn đề này. Vấn đề này đã được thảo luận tại hội thảo “Bàn giải pháp giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh từ góc độ giới" do Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (LĐTBXH) và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc  (UNFPA) tại Việt Nam đồng tổ chức ngày hôm nay tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: “Một trong những nguyên nhâ n sâu xa và gần như mang tính quyết định dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đó là sự tồn tại dai dẳng của định kiến giới hay tư tưởng trọng nam coi thường nữ, của tệ phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái ở một bộ phân nhân dân”, do đó, cần có các giải pháp đồng bộ, đặc biệt cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của phụ nữ và trẻ em gái.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới cùng trao đổi, bàn giải pháp từ góc độ giới và lắng nghe ý kiến chia sẻ, góp ý của các đại biểu quốc tế về nội dung này. Kết quả thảo luận tại Hội thảo sẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam, giai đoạn 2011-2020.

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ tác động đến cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn đến hậu quả là thừa nam, thiếu nữ trong xã hội. Các hệ lụy nghiêm trọng tiềm ẩn có nguy cơ khắc sâu thêm vấn đề bất bình đẳng giới và có thể biến đổi xã hội theo chiều hướng xấu như: thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc họ phải kết hôn sớm hơn và nam giới khó khăn hơn trong việc tìm kiếm bạn đời; có thể gia tăng bất bình đẳng giới trong tiếp cận việc làm; nhu cầu mua bán tình dục, xâm hại tình dục tăng và các mạng lưới buôn bán phụ nữ có thể sẽ mở rộng hơn do sự mất cân bằng này. Một số trường hợp bạo lực trên cơ sở giới và mua bán người đã được ghi nhận tại Việt Nam cho thấy những nguy cơ mà phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương phải đối mặt.

Trong các bài trình bày của mình, các chuyên gia đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa bất bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh. Các chuyên gia cũng nêu rõ vai trò quan trọng của công tác truyền thông thay đổi hành vi giúp giải quyết vấn đề phân biệt đối xử về giới. Bà Trần Thị Vân, Phụ trách văn phòng UNFPA tại Việt Nam nói: "Việt Nam cần tập trung thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, nâng cao địa vị của họ và nhận thức về quyền của họ. Nên khuyến khích sự tham gia của nam thanh niên và trẻ em trai, vì họ là tác nhân của thay đổi văn hoá xã hội cần thiết. Các nhà lãnh đạo và các đảng viên đóng vai trò quan trọng trong việc nêu gương về thúc đẩy bình đẳng giới".

Việt Nam đã và đang thực hiện một số biện pháp nhằm xóa bỏ vấn đề mất cân bằng tỷ số giới tính đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, cần thiết phải tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội, bao gồm cả những nỗ lực nhằm giải quyết phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái vốn đã ăn sâu bám rễ và là lý do chính cho việc lựa chọn giới tính trước khi sinh.

Hội thảo đã được tổ chức thành công tốt đẹp với những cam kết và khuyến nghị thúc đẩy bình đẳng giới của các bên tham gia nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và đảm bảo một xã hội bình đẳng bình đẳng cho tất cả mọi người.

Để có thêm thông tin, xin liên hệ:

Chị Nguyễn Thị Hồng Thanh
Phòng Truyền thông Liên Hợp Quốc
Tel: (84-4) 3822 4383 – máy lẻ: 117
Mob: 091 309 3363
Email: tnguyen@unfpa.org