- Kính thưa Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
- Kính thưa Bà Nông Thị Hà, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc;
- Kính thưa Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định;
- Kính thưa các Lãnh đạo TCTK; lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê, Ủy ban Dân tộc, Cục Thống kê và Ban Dân tộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kính thưa đại diện Bộ Công an;
- Và toàn thể các quý vị đại biểu tham dự Hội nghị.
Kính thưa quý vị!
Tôi rất vinh dự khi được tham dự hội nghị tập huấn ngày hôm nay và rất vui khi thấy quý vị đang cùng đồng hành trên hành trình xây dựng dữ liệu có chất lượng cao về tình trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Nhân cơ hội này, tôi cũng xin chúc mừng quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc trong việc thực hiện cuộc điều tra này, một cột mốc thống kê quan trọng góp phần thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển bền vững ở Việt Nam.
Số liệu thống kê không chỉ là những con số - chúng truyền tải những câu chuyện về con người. Số liệu thống kê cho ta biết về tình hình sức khỏe và phúc lợi của người dân, những vấn đề mà họ gặp phải, những mong đợi và tình hình kinh tế - xã hội. Việc phân tích số liệu thống kê cho thấy chính sách đã phát huy được hiệu quả ra sao hoặc cần điều chỉnh ở đâu. Dữ liệu về tình hình của các cộng đồng dân tộc thiểu số khác nhau hay dữ liệu được phân tổ theo dân tộc thậm chí còn đóng vai trò quan trọng hơn khi chúng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách đảm bảo các chính sách mang lại hiệu quả cho các đối tượng thiểu số hoặc những người có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau.
Chúng ta hãy cùng xem xét một ví dụ. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong công tác cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục của người dân trong vòng 20 năm qua. Bằng chứng sẵn có cho thấy mặc dù tỷ suất tử vong mẹ đã giảm từ 233/100.000 ca sinh sống trong những năm 1990 xuống còn 46/100.000 ca sinh sống vào năm 2019, tỷ lệ này vẫn cao hơn nhiều ở nhóm dân tộc thiểu số. Dữ liệu cũng cho chúng ta thấy rằng trong khi 96% trẻ sơ sinh được sinh ra tại các bệnh viện ở Việt Nam được tiếp cận với trang thiết bị và dịch vụ chăm sóc y tế thì con số này chỉ dừng ở mức 30% đối với các bà mẹ dân tộc thiểu số, cho thấy có sự chênh lệch lớn trong khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Chúng ta đang nói về con số có 14,1 triệu người đến từ 53 nhóm dân tộc thiểu số, con số gần gấp đôi dân số của nước láng giềng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Những phát hiện từ cuộc Điều tra này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách dữ liệu, đặc biệt với những thay đổi về nhân khẩu học, khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, việc làm và mức sống, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi tiến độ các chính sách của Chính phủ hướng tới người dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2021-2025, cải thiện các chỉ số quốc gia về Dân tộc thiểu số và quan trọng là cung cấp thông tin để đưa ra các quyết định chính sách và hành động trong giai đoạn 2026-2030 nhằm giảm bớt sự chênh lệch giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Vào đầu tháng 4, tôi đã tham gia Lễ ra quân của cuộc Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 và được chứng kiến năng lực tổ chức, chuyên môn và kỹ thuật không ngừng lớn mạnh của Tổng cục Thống kê. Khóa tập huấn này sẽ giúp trang bị thêm cho điều tra viên những kỹ năng cần thiết để tiến hành phỏng vấn người dân tộc thiểu số một cách nhạy cảm và phù hợp về các vấn đề văn hóa. Do khả năng có thể xảy ra rào cản ngôn ngữ, nên cũng cần hỗ trợ công tác dịch thuật sao cho được đầy đủ và có chất lượng trong toàn bộ quá trình điều tra.
Tôi biết rằng, giống như cuộc Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ, quý vị sẽ sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc thiết bị tương tự để điền thông tin vào bảng câu hỏi. Sự đổi mới này giúp tăng tốc độ phân tích dữ liệu đồng thời hạn chế sai sót do con người gây ra. Do cuộc điều tra chủ yếu được thực hiện ở những khu vực có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận Internet hoặc kiến thức về CNTT, tôi hy vọng rằng những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ gần đây sẽ được chia sẻ trong hai ngày tới.
Việc xây dựng, chia sẻ và sử dụng dữ liệu giữa các bộ, ban, ngành, cơ quan chính phủ và các bên liên quan khác là việc làm cần thiết nhằm cung cấp một góc nhìn sâu sắc về những thách thức phát triển mà người dân tộc thiểu số phải đối mặt. UNFPA có lợi thế so sánh về mặt thể chế trong lĩnh vực này, và chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc trong việc phân tích và kết nối dữ liệu với nhiều người dùng dữ liệu nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau ở Việt Nam.
Tôi xin chúc hội nghị tập huấn điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 và kết quả của cuộc Điều tra Dân tộc thiểu số năm 2024 sẽ gặt hái được nhiều thành công.