Go Back Go Back
Go Back Go Back

Sự thật chưa từng được nói ra

Sự thật chưa từng được nói ra

Câu chuyện

Sự thật chưa từng được nói ra

calendar_today 25 September 2024

“Tôi yêu mẹ lắm chứ, nhưng tôi thấy bất lực vô cùng.” (Ảnh: UNFPA in Viet Nam)
“Tôi yêu mẹ lắm chứ, nhưng tôi thấy bất lực vô cùng.” (Ảnh: UNFPA in Viet Nam)

Từ khi cô Bích có thể nhớ được, thì mẹ cô đã luôn là trụ cột tinh thần cho cô. Thế nhưng giờ đây, khi đã chạm đến ngưỡng tuổi 84, tâm trí của mẹ cô cứ dần mờ nhòa đi, căn bệnh sa sút trí tuệ từ từ cướp đi người mẹ mà cô Bích từng biết. Ngày nào cũng vậy, khi mặt trời còn chưa ló rạng, ngày của cô Bích đã bắt đầu từ 4 giờ 30 sáng. Cô Bích sẽ gói ghém vật dụng cần thiết, chuẩn bị đồ ăn, và vượt hơn 4 cây số để đến nhà mẹ đẻ để chăm sóc bà

“Có những ngày tôi thấy mẹ chẳng biết gì nữa, cứ đi lang thang chẳng có mục đích hoặc ngồi trong một góc nhà, không hiểu mình đang ở đâu. Còn có một buổi sáng đau lòng mà tôi vẫn nhớ mãi, vừa mở cửa ra thì tôi đã thấy mẹ ngồi trong vũng nước tiểu lênh láng trên nền gian bếp.” Cô Bích kể lại với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), Tổ chức Help Age International và Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa trong chuyến thăm tới nhà cô.

“I really love her, but I felt helpless” (@UNFPA in Viet Nam)
“Tôi yêu mẹ lắm chứ, nhưng tôi thấy bất lực vô cùng.” (Ảnh: UNFPA in Viet Nam)

“Tôi thấy bất lực vô cùng” - Cô Bích tiếp tục - “Bố tôi mất được vài năm rồi. Tôi có cô em gái, nhưng con bé bận rộn chăm lo cho gia đình riêng. Giờ tôi vừa một mình chăm sóc mẹ, vừa phải chăm lo cho gia đình riêng của bản thân, nhiều lúc gánh nặng đè mình kiệt sức.”

Những đêm mất ngủ và lo lắng liên tục khiến cô cảm thấy bị cô lập, mệt mỏi và trên bờ vực muốn buông bỏ. Khi không có bất kỳ mạng lưới hỗ trợ nào, cô phải vật lộn để đối phó, chống chọi với sự kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần.

Cô nói: “Ở làng này nhà nào cũng vất vả lo từng bữa ăn thôi. Tôi muốn xây cho mẹ một ngôi nhà khang trang nên đã dành dụm qua nhiều năm làm việc bươn chải, may mắn cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ một khoản nhỏ, nhưng dự án xây nhà ấy vẫn còn dang dở.”

Cô Bích nhìn ra ngoài sân nhà vương vãi mảnh gạch vỡ, ván gỗ, những bao xi măng và vật liệu còn chưa dùng đến cho một ngôi nhà lẽ ra nên đem đến sự yên bình và an toàn, nhưng lại trở thành lời nhắc nhở chua xót về gánh nặng và trách nhiệm khổng lồ đè lên cô. Phải tất bật từ sáng sớm đến tối muộn vừa chăm sóc mẹ, vừa chăm sóc gia đình riêng, cô không thể trông những người thợ để hoàn thiện căn nhà.

“Ngôi nhà còn dang dở này là minh chứng cho nhiều việc mà tôi chưa làm được. Không phải vì chưa đủ nỗ lực, mà vì nhiều gánh nặng quá. Gánh nặng về cả tinh thần và thể chất khiến tôi không thể nào làm cho mẹ một căn nhà hoàn thiện và an toàn như tôi mong muốn.” Cô Bích tiếp tục.

Thế nhưng, mọi thứ dần khởi sắc từ khi UNFPA tại Việt Nam hợp tác với Help Age International để triển khai mô hình Chăm sóc Tích hợp dành cho Người cao tuổi (ICOPE) tại tỉnh Thanh Hóa. Sáng kiến được xây dựng dựa trên mạng lưới Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau (ISHC) trên toàn quốc, nhằm mục đích hỗ trợ người cao tuổi trong cộng đồng, đặc biệt tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cùng các dịch vụ hỗ trợ khác. Sáng kiến giúp những gia đình như cô Bích vơi bớt phần nào gánh nặng.

Volunteers from the ISHC visited Bich’s house (@UNFPA in Viet Nam)
Tình nguyện viên Câu lạc bộ Liên thế hệ đến thăm nhà cô Bích (Ảnh: UNFPA in Viet Nam)

Mô hình này giúp kết nối những người chăm sóc người cao tuổi như cô Bích với mạng lưới các tình nguyện viên, hỗ trợ cô về mặt thể chất và tinh thần. Mỗi tuần, các tình nguyện viên có chuyên môn sẽ ghé thăm nhà mẹ cô, đỡ đần cô Bích chăm sóc mẹ - dù là tắm rửa, trò chuyện, hay an ủi tâm sự với mẹ của cô Bích.

Sự hỗ trợ mà cô Bích nhận được không chỉ về thể chất mà cả tinh thần. Các tình nguyện viên đều đặn thăm hỏi cô Bích, đưa lời khuyên, và động viên cô để tranh thủ thời gian nghỉ ngơi. Mỗi tình nguyện viên là đại diện của tinh thần cộng đồng, góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng sự tin tưởng và sự gắn kết. Điểm đặc biệt của mô hình này là cách mô hình hoạt động hiệu quả trong phạm vi địa phương, cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi trên tinh thần tự nguyện, không gây áp lực tài chính cho các gia đình nhận dịch vụ.

“May quá, giờ tôi không phải một mình vất vả nữa.” - Cô Bích cười, nhẹ nắm lấy tay của một tình nguyện viên với sự biết ơn - “Nhờ câu lạc bộ Liên thế hệ và hàng xóm giúp đỡ mà gánh nặng của tôi vơi đi nhiều. Tôi học được cách chăm sóc mẹ, và quan trọng hơn là… cách chăm sóc cho bản thân.”

Mrs. Bich’s mother cried when talking about her daughter’s hardship (@UNFPA in Viet Nam)
Người mẹ của cô Bích bật khóc khi kể về những vất vả của con gái mình (Ảnh: UNFPA in Viet Nam)

Không chỉ là đối tượng thụ hưởng của mô hình ICOPE, cô Bích còn trở thành thành viên tích cực của Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau. Các thành viên họp mặt mỗi tháng một lần, tổ chức các hoạt động chung như là hoạt động nâng cao tinh thần sau những thời gian vất vả chăm sóc người cao tuổi. Không chỉ chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn về chăm sóc, các thành viên còn cùng nhau hát tổ chức văn nghệ, tham gia các hoạt động gắn kết. Ngày hôm ấy, phòng họp của Ủy ban Nhân dân xã ngập tràn tiếng cười khi các thành viên cùng nhau tập bài thể dục trong không khí tươi vui và đoàn kết cộng đồng. Đối với cô Bích, những khoảnh khắc vui vẻ này chính là giờ phút nghỉ ngơi quý giá để được kết nối, vui cười và tiếp thêm sức mạnh từ tập thể - nơi có những người hiểu được hành trình của cô.

Bich joining the club’s activities (@UNFPA in Viet Nam)
Cô Bích tham gia hoạt động của Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau (Ảnh: UNFPA in Viet Nam)

Trong cuộc đời của cô Bích, có những sự thật mà cô chưa từng nói ra: Đó chính là những nỗi vất vả mà cô phải gánh chịu. Nhưng giờ đây, cô không còn phải một mình đương đầu với những gánh nặng ấy. Sự hỗ trợ từ UNFPA tại Việt Nam và Help Age International giúp cuộc sống cô Bích nhẹ nhàng, và có một sứ mệnh quan trọng. 

Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và sẽ bước vào giai đoạn dân số già vào năm 2036. Trong bối cảnh đó, các mô hình như ICOPE ngày càng đóng vai trò quan trọng. Không chỉ hỗ trợ những người chăm sóc như cô Bích mà Mô hình ICOPE còn góp phần giải quyết thách thức xã hội thông qua việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc toàn diện cho một xã hội đang già hóa. Áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên cộng đồng, mô hình này giúp giảm áp lực lên các hệ thống y tế công cộng và các hộ gia đình qua việc khuyến khích sự tham gia của địa phương và chia sẻ trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi. 

Không đòi hỏi nguồn tài chính lớn để vận hành, mô hình ICOPE có thể dễ dàng mở rộng quy mô và nhân rộng, giúp đảm bảo người cao tuổi ở các tỉnh thành khác cũng nhận được sự cảm thông và sự chăm sóc tận tình. Mô hình này cho thấy cách các mạng lưới hỗ trợ phạm vi làng xã, cũng như niềm tin và tinh thần tình nguyện được khai thác để tạo ra một hệ thống hỗ trợ bao trùm và bền vững hơn, đảm bảo người cao tuổi được già đi với phẩm giá và người chăm sóc được cải thiện sức khỏe và niềm vui. Cách tiếp cận này phù hợp với chiến lược dài hạn của Việt Nam nhằm giải quyết những tác động của việc già hóa dân số, đồng thời thúc đẩy sự gắn kết và tính kiên cường của xã hội.

Media Contact