- Kính thưa Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;
- Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ, Công chức Lao động – Xã hội (COLASA), trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;
- Cán bộ cấp cao từ các Bộ và Cơ quan Chính phủ;
- Đại diện các cơ quan chính quyền địa phương các tỉnh phía Bắc;
- Các đồng nghiệp của tôi tại Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc và các tổ chức có liên quan của LHQ;
- và các cơ quan truyền thông.
Lời đầu tiên, tôi xin gửi lời chúc mừng đến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã phát động thành công Tháng Hành động Quốc gia vì Bình đẳng giới với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái". Tôi rất ấn tượng với cam kết chính trị mạnh mẽ của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại lễ phát động, và đây là điều đã khiến tôi nhớ về cuộc gặp gỡ đầu tiên với Ngài Bộ trưởng. Ngài đã khẳng định sự ủng hộ của mình đối với các dự án của UNFPA trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, cũng như trong cung cấp dịch vụ chăm sóc có chất lượng cho người cao tuổi ở Việt Nam.
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA tại Việt Nam, cùng với các tổ chức khác của Liên Hợp Quốc, sẽ sớm phát động chiến dịch toàn cầu 16 ngày hành động chống bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề “Đầu tư để phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. 16 Ngày Hành động toàn cầu sẽ diễn ra từ ngày 25 tháng 11, Ngày Quốc tế Loại bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ, cho đến ngày 10 tháng 12, Ngày Nhân quyền Quốc tế, như một lời nhắc nhở rằng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Vì vậy, dù là Chính phủ Việt Nam hay các tổ chức của Liên Hợp Quốc, chúng ta đều có chung mục tiêu cuối cùng, chính là “xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới và đảm bảo bình đẳng giới”.
Tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng đến Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà vì sự có mặt của Thứ trưởng tại buổi hội thảo ngày hôm nay, đồng thời xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân đã lồng ghép chương trình đào tạo nhân viên công tác xã hội cung cấp các dịch vụ xã hội chất lượng cao và chuyên nghiệp hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới, cũng như cung cấp các dịch vụ chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi. UNFPA rất vinh dự được cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật để phát triển các hợp phần trong chương trình đào tạo này. Tôi tin rằng buổi hội thảo hôm nay là một đóng góp nữa của chúng ta giúp đạt được mục tiêu chung của mình.
Các Tổ chức của Liên Hợp Quốc đã cùng hợp tác triển khai Chương trình Chung toàn cầu của Liên Hợp Quốc mang tên “Gói dịch vụ thiết yếu hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực” (ESP) bao gồm bốn chương trình can thiệp về dịch vụ xã hội, y tế, chính sách, tư pháp và phối hợp. UNFPA, UN Women, WHO và UNODC đều tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực này và với sự hỗ trợ tài chính của KOIKA và đóng góp của Bộ LĐ-TB và XH, nhân viên công tác xã hội đã được tập huấn nâng cao kỹ năng trong việc hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới tại Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng và TP HCM.
Tại Việt Nam, trong khuôn khổ dự án do KOICA tài trợ, UNFPA cùng với Bộ LĐTBXH đã dựa trên Gói dịch vụ thiết yếu để xây dựng tài liệu đào tạo nhân viên công tác xã hội trong bối cảnh Việt Nam về cung cấp dịch vụ xã hội hỗ trợ cho người bị BLG. Dựa trên tài liệu này, nhiều khóa tập huấn đã được tổ chức nhằm nâng cao năng lực cho nhân viên công tác xã hội tại Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây cũng là 4 tỉnh, thành phố đã có Trung tâm dịch vụ một cửa, một mô hình mới hỗ trợ người bị bạo lực giới và 2 trong số 4 trung tâm này hiện đang được đặt ở Trung tâm Công tác Xã hội trực thuộc Bộ LĐTBXH.
Ngoài ra, Hội Nông dân Việt Nam cũng đã thiết lập và vận hành đường dây nóng quốc gia hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực.
Nhưng các nhân viên công tác xã hội là trọng tâm của hội thảo ngày hôm nay của chúng ta. Họ chính là những người sẽ đem hết sức mình để có thể hiện thực hóa các chính sách và hướng dẫn kỹ thuật vì cuộc sống của những người phụ nữ và trẻ em gái và cộng đồng nơi họ sống.
Xin phép được trích dẫn ông tổ thơ ca của Việt Nam: “Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.”
Hai câu thơ này trong Chuyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du đã nêu rõ tầm quan trọng của việc đặt con người là trọng tâm trong công tác của chúng ta – tinh thần của mọi dịch vụ xã hội.
Thưa các Quý vị,
Tôi rất vui mừng khi thông báo rằng chương trình đào tạo mà chúng ta công bố hôm nay cũng sẽ bao gồm một hợp phần về cung cấp dịch vụ chăm sóc tích hợp tốt hơn cho người cao tuổi ở Việt Nam. Những hướng dẫn kỹ thuật và tài liệu đào tạo này hỗ trợ mô hình chăm sóc dài hạn dành cho người cao tuổi tại 5 tỉnh là Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và Vĩnh Long.
Việc triển khai chương trình đào tạo này có ý nghĩa rất quan trọng, do chúng tôi đang thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ về việc xây dựng một bộ tài liệu đào tạo yêu cầu tất cả nhân viên công tác xã hội ở mọi cấp bậc phải hoàn thành trong vòng tối đa là 6 tuần.
Quan trọng hơn, chương trình đào tạo này hoàn toàn phù hợp với Hướng dẫn Khu vực ASEAN về “Tăng quyền năng cho Phụ nữ và Trẻ em: Cung cấp dịch vụ công tác xã hội chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực” được triển khai cách đây một tuần trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 về phúc lợi và phát triển xã hội tại Hạ Long, Việt Nam.
Cũng mới gần đây, Thứ Trưởng Hà và tôi đã chủ tọa hội thảo tham vấn tại tỉnh Hà Tĩnh thảo luận về cơ chế phối hợp đa ngành trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Chúng tôi đã được nghe rất nhiều ý kiến có giá trị về việc hình thành cơ chế phối hợp quan trọng này.
Tất cả các yếu tố trên, hướng dẫn thực hiện chính sách, tài liệu đào tạo, cơ chế phối hợp và “tâm” của chúng ta là “thiện căn”, như Đại thi hào Nguyễn Du đã nói, tạo động lực và năng lượng của chúng ta và cùng với những tài năng của mình chúng ta sẽ cải thiện được cuộc sống của nhiều người dân Việt Nam.
Và còn một yếu tố cuối cùng: ngân sách
Việc phần bổ ngân sách hàng năm cho đào tạo cho nhân viên công tác xã hội về cung cấp các dịch vụ xã hội cho những người bị bạo lực trên cơ sở giới và cho người cao tuổi trong hệ thống của Bộ LĐ-TB-XH, thông qua COLASA, sẽ giúp “tâm” và thiện chí của chúng ta được thăng hoa và phát triển.
Cá nhân tôi, với tư cách là Trưởng Đại diện của UNFPA sẽ nỗ lực huy động thêm một số nguồn lực cần thiết cũng như sẽ đảm bảo duy trì hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA dành cho Việt Nam.
Thông điệp chính của tôi ngày hôm nay là tất cả chúng ta, như bà con trong một thôn, một xã, hãy nỗ lực và huy động mọi nguồn lực để có thể thực hiện những Mục tiêu Phát triển Bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau, đảm bảo mọi phụ nữ, trẻ em gái và người cao tuổi tại Việt Nam, đặc biệt những nhóm người dễ bị tổn thường, có thể có một cuộc sống không bị kì thị, không bị quấy rồi, không bị lạm dụng và không bạo lực.
Cảm ơn các quý vị đã chú ý lắng nghe!