- Thưa Thứ Trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Bà Nguyễn Thị Hà;
- Đại diện các Bộ Y tế, Bộ Giáo dụcĐào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Đại biểu đến từ Hội Nông dân Việt Nam, Hội công tác xã hội, và các trường đại học phụ trách đào tạo công tác xã hội;
- Nhân viên công tác xã hội đến từ các tình thành trong cả nước;
- Bà Majdie Hordern, Bí thư Thứ Nhất, Hợp tác Phát triển, Đại sứ Quán Australia tại Việt Nam;
- Các đồng nghiệp của tôi đến từ UNICEF, UN Women và UNFPA văn phòng khu vực và tại Việt Nam;
- Đại diện Ban Thư ký ASEAN và các Quốc gia Thành viên ASEAN;
- Các phóng viên báo chí;
Hôm nay chúng ta có mặt tại thành phố Hạ Long xinh đẹp của tỉnh Quảng Ninh để chính thức ra mắt Hướng dẫn ASEAN: “Tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em: Cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực” và thảo luận kế hoạch triển khai và thực hiện Hướng dẫn giữa các Quốc gia Thành viên ASEAN.
Mới đây tôi có dịp gặp gỡ một giáo viên đã về hưu và là nạn nhân của bạo lực gia đình, hãy gọi chị ấy là Mai. Chị đã chia sẻ câu chuyện của chị tại một trong những Trung tâm dịch vụ một cửa do UNFPA hỗ trợ tại Việt Nam. Chị Mai đã chịu đau đớn trong bao nhiêu năm do bạo lực của chồng chị và còn bị mọi người đổ lỗi cho chị là nguyên nhân của mọi hành vi bạo lực. Thật may mắn, với sự hỗ trợ tâm lý và tư vấn của những người cung cấp dịch vụ công tác xã hội, chị Mai giờ đã có cuộc sống tốt hơn nhiều: chị sống độc lập, có kiến thức và tự tin về tương lai của mình. Và chị luôn mong muốn nhiều phụ nữ khác cùng cảnh ngộ như chị sẽ có cuộc sống tốt đẹp như chị hiện tại. Câu chuyện của chị Mai là lý do chúng ta có mặt ở đây ngày hôm nay.
Tôi vừa có chuyến công tác tại Trung tâm dịch vụ một cửa ở tỉnh Thanh Hóa và cùng với Bộ LĐTBXH đi tìm hiểu khả năng mở thêm Trung tâm dịch vụ một cửa, thường được biết đến với cái tên Ngôi nhà Ánh Dương. Mô hình thí điểm hiện tại đã cung cấp thành công một loạt các dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc sức khỏe, tư vấn, các dịch vụ xã hội, nơi tạm trú khẩn cấp, công an và dịch vụ tư pháp và chuyển gửi. Điều qua trọng là những trung tâm này luôn đặt người bị bạo lực và nhu cầu của họ là trọng tâm của hoạt động hỗ trợ. Trong các chuyến đi công tác tôi được biết nhu cầu được hỗ trợ là rất cao và, như chúng ta đều biết, phần lớn những người bị bạo lực giới thường không nói ra hoặc không tìm kiếm sự trợ giúp. Đây là một thách thức mà chúng tôi biết nước nào cũng có. Và ở Việt Nam, UNFPA cùng đồng hành với Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Australia và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để mở thêm 4 Ngôi nhà Ánh Dương nữa.
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn là một trong những vi phạm quyền con người phổ biến nhất trên thế giới mặc dù đã có nhiều nỗ lực chấm dứt bạo lực. Theo một nghiên cứu của LHQ thực hiện năm 2013 về bạo lực đối với phụ nữ ở châu Á – Thái Bình Dương, tỷ lệ phụ nữ bị nam giới bạo hành dao động giữa các quốc gia từ 26% đến 80%. Và chúng tôi cũng biết rằng phụ nữ thuộc các nhóm dễ bị tổn thương và các nhóm thiểu số có nguy cơ bị bạo lực cao hơn: ví dụ như phụ nữ khuyết tật có nguy cơ bị bạo lực thể chất cao hơn phụ nữ không bị khuyết tật ít nhất là 1,5 lần. Ngoài ra, nghiên cứu của UNICEF ước tính tỷ lệ xâm hại thể chất ở trẻ em trai và trẻ em gái trong khu vực dao động từ 10% đến hơn 30%; xâm hại tình dục lên đến 11%; và ngược đãi cảm xúc từ 31% lên 68%.
Nghiên cứu Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam được thực hiện năm 2019 với sự hỗ trợ của UNFPA cho thấy cứ 3 phụ nữ thì gần 2 người đã từng phải chịu ít nhất một loại hình thức bạo lực do chồng hay bạn tình gây ra trong đời. Tuy nhiên, bạo lực phần lớn vẫn được dấu kín với hơn 90% phụ nữ đã không bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhân viên làm công tác xã hội hay chính quyền địa phương.
Trong nhiều thập kỉ qua, Chính phủ Việt Nam phối hợp với các cơ quan của LHQ, cụ thể là UNFPA, UNICEF và UN Women nỗ lực chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đồng thời tăng cường các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực. Việt Nam đã tham gia chương trình thí điểm quan trọng “Gói dịch vụ cơ bản hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực”, với bốn chương trình can thiệp về dịch vụ xã hội, y tế, chính sách, tư pháp và phối hợp. Công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người bị bạo lực giới và kết nối các dịch vụ khác. Chương trình chung này vì thế nhấn mạnh các nguyên tắc và cách tiếp cận của hoạt động hỗ trợ công tác xã hội có chất lượng cao đó là tôn trọng phụ nữ và trẻ em bị bạo lực. Các cách tiếp cận trong công tác xã hội là thúc đẩy, phòng ngừa và ứng phó.
Với nỗ lực cải thiện ngành nghề công tác xã hội, Việt Nam cũng đã đưa ra Chương trình quốc gia phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và Chương trình quốc gia về cải thiện và phát triển hệ thống hỗ trợ xã hội đến năm 2025. Mục đích là tăng cường số lượng nhân viên làm công tác xã hội và đảm bảo cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng cao.
Việc triển khai Hướng dẫn ASEAN ngày hôm nay đánh dấu bước tiến quan trọng trong những nỗ lực hỗ trợ Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác. Tôi đánh giá cao sự lãnh đạo của Việt Nam và tầm nhìn tăng cường công tác xã hội giữa các nước ASEAN. Bộ LĐ-TB-XH, Thứ Trưởng Hà và bà Hà Minh Đức đã có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng hướng dẫn này. Cùng với UNICEF và UN Women, UNFPA rất vui vì đã có cơ hội điều phối quá trình xây dựng hướng dẫn này cũng như tài trợ cho các quốc gia dịch hướng dẫn sang ngôn ngữ của mình. Mục tiêu của Hướng dẫn này là hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và thành viên của lực lượng lao động dịch vụ xã hội và các thành phần liên quan ở các Quốc gia Thành viên ASEAN thiết kế và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lưc. Hướng dẫn nên được sử dụng như một điểm tham chiếu để xây dựng pháp luật, chính sách và công cụ để cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chất lượng trong lĩnh vực này.
Tôi mong chờ buổi thảo luận của chúng ta hôm nay về việc triển khai và thực hiện Hướng dẫn này và những chia sẻ bài học kinh nghiệm giữa các Quốc gia Thành viên ASEAN. UNFPA, cùng với UNICEF và UN Women, cam kết hỗ trợ các quý vị trong quá trình triển khai và thực hiện. Mọi người đều có quyền có cuộc sống được tôn trọng và không có bạo lực, và với mọi nỗ lực chung tay của chúng ta, chúng ta có thể, giống như câu chuyện của chị Mai, biến điều này thành hiện thực.