Hà Nội, ngày 6 tháng 12 năm 2023: Tổng cục Thống kê hôm nay công bố những kết luận và khuyến nghị của báo cáo Tài khoản Chuyển nhượng Quốc gia của Việt nam – một phương pháp toàn diện và hệ thống sử dụng để phân tích vòng đời kinh tế trong giai đoạn già hóa dân số.
Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nghiên cứu với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA. Giáo sư Sang Hyop Lee, Tiến sỹ kinh tế, Đại học Hawaii - chuyên gia quốc tế và Trưởng dự án về Tài khoản chuyển nhượng quốc gia khu vực Châu Á.
Những dự báo của Tài khoản Chuyển nhượng Quốc gia (National Transfer Accounts-NTA) là rất quan trọng vì nó giúp nâng cao hiểu biết về các khía cạnh kinh tế của già hóa dân số trong xã hội, bao gồm cả việc làm rõ mối liên hệ giữa thu nhập và tiêu dùng ở các nhóm tuổi khác nhau – trẻ em, người lớn và người cao tuổi.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định: “Tài khoản chuyển nhượng quốc gia là phương pháp toàn diện và có hệ thống được sử dụng để để mô tả chi tiết nền kinh tế thông qua vòng đời kinh tế và sự tái phân bổ nguồn lực kinh tế giữa các thế hệ. Phương pháp này giúp các quốc gia nâng cao hiểu biết về nền kinh tế thế hệ cũng như cách các thế hệ ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đến nay, nghiên cứu về Tài khoản quốc gia đã được hơn 70 quốc gia trên thế giới thực hiện và công bố. Phương pháp này không chỉ chứng minh được sự ưu việt trong phân tích các chỉ số kinh tế thông qua tuổi của dân số mà còn cho phép trả lời nhiều câu hỏi chính sách vĩ mô quan trọng mà ở đó dân số là trung tâm”.
Tháp dân số năm 2019 cho thấy Việt Nam đang trong giai đoạn cơ hội dân số vàng, tức là Việt Nam đang có cơ hội lớn để tận dụng "lợi tức dân số". Dự kiến giai đoạn này sẽ kết thúc vào năm 2039. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới. Quá trình già hóa dân số của Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho nên kinh tế cũng như tác động đến nhiều vấn đề kinh tế - xã hội.
Theo hướng tiếp cận của NTA, lợi tức nhân khẩu học mà một quốc gia có thể được hưởng không chỉ dựa vào cơ cấu tuổi của dân số mà còn phụ thuộc vào sự khác nhau giữa thu nhập từ lao động và tiêu dùng.
Kết quả nghiên cứu của NTA cho thấy Việt Nam đã chuyển từ giai đoạn lợi tức nhân khẩu học thứ nhất, chủ yếu dựa vào lực lượng lao động, sang lợi tức nhân khẩu học thứ hai, giai đoạn này đòi hỏi phải có nhiều can thiệp chủ động trong các chính sách kinh tế, sức khỏe và giáo dục.
Trong khi không còn lợi thế về lợi tức nhân khẩu học lần thứ nhất, Việt Nam có thể triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế - xã hội để tăng năng suất lao động và khuyến khích gia tăng tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động để đạt được lợi tức nhân khẩu học thứ hai.
Nghiên cứu NTA chỉ ra rằng nếu thực hiện tốt các chiến lược, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần của Quyết định số 1305/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có mức tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2023-2030 là 6,5%/năm, cao hơn mức tăng của năm 2022 là 1,7 điểm phần trăm. Mức tăng năng suất này sẽ giúp tăng tỷ số hỗ trợ kinh tế, từ đó giúp Việt Nam đạt lợi tức nhân khẩu học thứ hai đến những năm 2040.
Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc (UNFPA) Việt Nam nhấn mạnh, UNFPA sẽ tiếp tục hỗ trợ Tổng cục Thống kê thực hiện các nghiên cứu chuyên ngành nhằm đảm bảo chất lượng dữ liệu và thống kê. Ông Matt Jackson cho biết: “Việc đầu tư thực hiện nghiên cứu về Tài khoản Chuyển giao Quốc gia giúp xây dựng các chính sách và chương trình chuẩn bị cho già hóa dân số. Tài khoản Chuyển nhượng Quốc gia cung cấp phương thức đánh giá tác động của những thay đổi về nhân khẩu học, trong đó có thu nhập quốc gia và chi công, chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Những dữ liệu này sẽ hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trả lời cho những câu hỏi chính sách quan trọng có liên quan đến tăng trưởng kinh tế, bền vững tài chính và công bằng giữa các thế hệ.”
Cơ cấu tuổi dân số vẫn là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến kết quả của NTA. Do đó việc duy trì và thực hiện tốt các chính sách về dân số là cần thiết. Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy các chính sách dân số thường bị đánh giá thấp hơn tầm quan trọng thực sự của nó và không được ưu tiên đầu tư thích đáng.
Những kết luận của nghiên cứu nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xem xét đầu tư cho các chính sách dân số để đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững để “Không bỏ ai lại phía sau”.
Để có thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ:
UNFPA: Đinh Thu Hương | Cán bộ truyền thông
ĐT: 0913 301 539 | Email: dhuong@unfpa.org