Go Back Go Back
Go Back Go Back

Trạm Y tế xã Mù Sang – Những tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ

Trạm Y tế xã Mù Sang – Những tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ

Tin tức

Trạm Y tế xã Mù Sang – Những tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ

calendar_today 07 June 2024

Nữ hộ sinh Lò Thị Thanh, Trạm Y tế Mù Sang
Nữ hộ sinh Lò Thị Thanh, Trạm Y tế Mù Sang

“Cách đây gần 2 năm, người dân địa phương không đi khám thai và ít khi đi đẻ tại các cơ sở y tế. Vì nhiều lý do: vì đường đến cơ sở y tế gần nhất cũng rất xa, vì không có phương tiện đi lại và vì tập tục là chỉ có chồng mới được nhìn cơ thể của vợ mình”, nữ hộ sinh tại Trạm Y tế xã Mù Sang chị Lò Thị Thanh chia sẻ.

 

Xã Mù Sang thuộc Phong Thổ, một huyện miền núi của tỉnh Lai Châu nằm phía tây bắc của Việt Nam. Tỉnh có 20 dân tộc sống trên địa bàn, chiếm 80% tổng dân số toàn tỉnh là gần 500.000 người. Phụ nữ từ 15 tuổi đến 49 tuổi chiếm hơn ¼ tổng dân số. Là một trong những tỉnh nghèo, Lai Châu đang đối mặt với những thách thức về kinh tế xã hội và những rào cản văn hóa, ảnh hưởng đến tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Xã Mù Sang chỉ có 7 nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho 3.600 người dân và phần lớn là người Mông và người Dao. Một trong những vấn đề lớn của xã Mù Sang và toàn tỉnh Lai Châu nói chung là tử vong mẹ.

 

Trong khi Việt Nam đã giảm mạnh tỉ lệ tử vong mẹ, giảm hơn 70% trong vòng 20 năm đạt tỷ lệ là 46 ca tử vong trên 100.000 trẻ đẻ sống, thì tỉ lệ tử vong mẹ ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa vẫn cao gấp 3 lần tỉ lệ trung bình toàn quốc. Là một phần trong những nỗ lực chiến lược hướng tới ‘không có ca tử vong mẹ khi có thể ngăn ngừa và không có nhu cầu kế hoạch hóa gia đình nào không được đáp ứng’, UNFPA - Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, cơ quan LHQ chuyên trách về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cùng với MSD for Mother tài trợ cho Dự án “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tai các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam”.

 

Dự án, được Bộ Y tế phối hợp thực hiện, nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản có chất lượng, bao gồm cả cấp cứu sản khoa và khuyến khích các hành vi liên quan đến chăm sóc sức khỏe tích cực nhằm chấm dứt tử vong mẹ tại 60 xã dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của 6 tỉnh khó khăn nhất bao gồm Lai Châu, Sơn La, Bắc Cạn (miền núi và trung du bắc bộ) và Kon Tum, Gia Lai và Đắc Nông (Tây Nguyên). 

 

Nữ hộ sinh Lò Thị Thanh, dân tộc Thái hiện đang công tác tại Trạm Y tế xã Mù Sang, đã nhận thấy có nhiều kết quả tốt từ dự án. Cô cho biết: “Nhờ có dự án bây giờ chúng tôi đã có thể thuyết phục người dân địa phương đến trạm y tế xã để khám thai và sinh con tại các cơ sở y tế. Chúng tôi còn được dự án tập huấn về cách nhận biết những dấu hiệu tai biến khi mang thai và lúc sinh con. Trước đây, 99% phụ nữ các dân tộc đều sinh con tại nhà nhưng bây giờ tình hình đã giảm đi nhiều và ngày càng có nhiều phụ nữ sinh con tại bệnh viện. Chúng tôi mong dự án sẽ tiếp tục tổ chức thêm các khóa tập huấn để nâng cao kỹ năng không chỉ cho các nhân viên y tế mà còn các cô đỡ thôn bản, những người có vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi tập tục sinh con tại nhà.”

Nữ hộ sinh Lò Thị Thanh

Những cô đỡ thôn bản ở đây đã được trang bị nhiều kĩ năng về chăm sóc trước và sau sinh, thực hiện đỡ đẻ các ca sinh thường và kịp thời chuyển tuyến những sản phụ nguy cơ có tai biến đến cơ sở y tế gần nhất. Quan trọng hơn, họ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng vể sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và các quyền. 

 

Trưởng Trạm Y tế Mù Sang, ông Đào Hồng Nhật cho biết kết quả hiển nhiên nhất là trong năm 2023, xã chỉ có một trường hợp tử vong mẹ. Ông chia sẻ: “Dự án do UNFPA tài trợ đã cung cấp cho chúng tôi những thiết bị y tế cơ bản và giúp chúng tôi nâng cao chuyên môn. Bây giờ, chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân địa phương. Mặc dù còn nhiều khó khăn, sau 2 năm được dự án hỗ trợ, số phụ nữ đi khám thai đầy đủ và sinh con tại trạm của chúng tôi đã tăng lên. Tôi mong dự án sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kĩ năng cho cán bộ tại trạm và các cô đỡ thôn bản và sẽ hỗ trợ chúng tôi thêm các trang bị y tế như máy siêu âm.”

Ông Đào Hồng Nhật (ở giữa), Trưởng Trạm Y tế Mù Sang

Nhân chuyến đi đánh giá hiệu quả dự án do Bộ Y tế và UNFPA đồng tổ chức hồi tháng 4 năm 2024, Thứ trưởng Bộ Y tế ông Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: “Hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA rất cụ thể và có giá trị. Hôm nay, chúng tôi rất vui khi nghe báo cáo về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em có chất lượng hơn.”

 

Trưởng Đại diện của UNFPA tại Việt Nam, ông Matt Jackson cũng đồng tình với nhận xét trên của Thứ Trưởng và cho biết: “Các nhân viên y tế và các cô đỡ thôn bản cần phải có những trang thiết bị phù hợp để có thể chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản tốt hơn. UNFPA cùng với MSD for Mothers và MSD tại Việt Nam cam kết tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế nhằm chấm dứt tử vong mẹ và đảm bảo các quyền và lựa chọn cho mọi người ở mọi nơi”./.