Go Back Go Back
Go Back Go Back
Go Back Go Back

Già hóa dân số

Già hóa dân số

Già hóa dân số

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Sự thay đổi nhân khẩu học này xảy ra ở Việt Nam không chỉ nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.

Già hóa dân số đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế, xã hội, đồng thời đòi hỏi quốc gia thực hiện những thay đổi trong nền kinh tế. Già hóa dân số nhanh chóng cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi. Khi tỷ lệ người cao tuổi tăng thì nhu cầu về các dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của họ cũng tăng theo. Việt Nam có hệ thống an sinh xã hội tương đối phát triển, tuy nhiên cần tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận hệ thống an sinh xã hội của người cao tuổi, mở rộng phạm vi áp dụng của hệ thống an sinh xã hội quốc gia và chương trình trợ giúp xã hội. Ngoài ra, cần phải nhìn nhận rằng nhiều người cao tuổi có khả năng và mong muốn làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu, đồng thời cần trao cơ hội hoạt động kinh tế cho người cao tuổi. 

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội tăng lên theo độ tuổi nên cần phải nỗ lực tăng thời gian sống khỏe mạnh. Nguy cơ khuyết tật cũng tăng lên theo độ tuổi, vì vậy đòi hỏi sự quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Ở Việt Nam, người cao tuổi thường nhận được sự chăm sóc từ các thành viên trong gia đình, nhưng hỗ trợ từ phía gia đình ngày càng trở nên khó khăn, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. 

Tình trạng phân biệt đối xử theo tuổi tác có thể xảy ra ở nhiều quốc gia, nhưng thường không được giải quyết. Không may, người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi, có xu hướng bị bạo lực gia đình. Sự gia tăng nhanh chóng của dân số cao tuổi đặt gánh nặng chăm sóc lên vai các thành viên trẻ tuổi trong gia đình, gây ra trạng thái căng thẳng và mức độ căng thẳng có thể biểu hiện ở hành vi ngược đãi người cao tuổi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc báo cáo hay thừa nhận hành vi ngược đãi người cao tuổi bị coi là điều cấm kỵ và là vấn đề riêng tư trong gia đình. 

Già hóa dân số chắc chắn là một lĩnh vực cần sự quan tâm sâu sát của các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định dựa trên phương pháp tiếp cận theo vòng đời. Mặc dù già hóa dân số đặt ra thách thức cho xã hội và nền kinh tế, song một bộ chính sách phù hợp sẽ cho phép cá nhân, gia đình và xã hội giải quyết những thách thức này và gặt hái những lợi ích mà nó mang lại. Do đó, cần hỗ trợ thanh niên phát triển, lên kế hoạch và chuẩn bị cho tuổi già để có thể giải quyết vấn đề già hóa dân số một cách chặt chẽ và toàn diện. 

UNFPA tại Việt Nam

UNFPA Việt Nam đã hỗ trợ Chính phủ xây dựng các chính sách và chương trình ứng phó với vấn đề già hóa dân số, với trọng tâm là áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời vào vấn đề già hóa dân số và coi người cao tuổi là nguồn lực chứ không phải gánh nặng trong quá trình phát triển bền vững. Cách tiếp cận theo vòng đời ủng hộ tiếp cận vấn đề già hóa dân số theo hướng toàn diện, phù hợp về giới trên cơ sở tôn trọng quyền, nhấn mạnh vào tính tuần tự của các sự kiện và các bước phát triển trong suốt cuộc đời của một con người. 

UNFPA hỗ trợ Việt Nam: 

  • Xây dựng khung pháp lý và chính sách áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời và nhạy cảm giới để bảo vệ quyền của các cá nhân khi về già, trao quyền và giúp người cao tuổi hòa nhập xã hội trong các môi trường phát triển, các tình huống có khủng hoảng nhân đạo, đặc biệt liên quan đến khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình, cơ hội việc làm và đảm bảo tài chính; 
  • Phát triển hệ thống chăm sóc toàn diện, bao gồm cả chăm sóc tập trung và chăm sóc cộng đồng, chú trọng đến các nhóm dễ bị tổn thương như dân tộc thiểu số, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực gia đình; 
  • Hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng về vấn đề già hóa và chăm sóc người cao tuổi cũng như truyền thông cho công chúng về vấn đề già hóa thông qua cách tiếp cận theo vòng đời và nhạy cảm giới; 
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân đầu tư cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng như ứng dụng công nghệ số trong chăm sóc người cao tuổi.
     

Featured Content

No content available.

Other Topics

No content available.