Bạn đang ở đây

Kính thưa Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Kính thưa Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội;
Kính thưa các vị đại diện Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam; 
Thành viên ban soạn thảo Luật PCBLGĐ và chuyên gia;
Đồng nghiệp từ UNFPA, các cơ quan thông tấn báo chí.

Thật vinh dự cho tôi ngày hôm nay được cùng Bà Trịnh Thị Thủy và Bà Nguyễn Thị Kim Thúy chủ trì hội thảo góp ý về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi. Đây là cơ hội tuyệt vời để đại diện các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam chia sẻ quan điểm của mình trong việc giải quyết vấn đề bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi. Các quan điểm và ý kiến của quý vị hôm nay rất có giá trị bởi bộ luật quan trọng này, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10, cần phải phản ánh thực trạng giải quyết vấn đề bạo lực gia đình. 

Dự thảo Luật PCBLGĐ sửa đổi đã trải qua nhiều cuộc họp chuyên môn và hội thảo lấy ý kiến với các bộ, ngành, chuyên gia trong lĩnh vực và các tổ chức xã hội dân sự. Dự thảo Luật sửa đổi mới nhất gồm 6 chương, 56 điều. Dự thảo Luật PCBLGĐ sửa đổi đã được Quốc Hội thảo luận tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 vào cuối tháng 5 và tháng 6 vừa qua. Hiện dự thảo Luật sửa đổi đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội rà soát tiếp thu và chỉnh lý. Luật sẽ được xem xét lại một lần nữa trước khi Quốc hội thông qua vào tháng 10 năm 2022.

Nhân dịp này, tôi xin nhắc lại việc Việt Nam thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 đã thể hiện cam kết mạnh mẽ và nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam nhằm chấm dứt bạo lực gia đình. Luật đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển cũng như thực thi nhiều chính sách và biện pháp can thiệp trong hai thập kỷ qua. 

Năm 2016, với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành đánh giá độc lập 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007. Công tác đánh giá tập trung vào lĩnh vực thực thi pháp luật và sự tham gia của các bên liên quan, cũng như tính nhất quán của luật so với các điều ước quốc tế và so với các luật, chính sách liên quan khác ở Việt Nam. Từ kết quả đánh giá, Bộ đã khuyến nghị sửa đổi Luật PCBLGĐ dựa trên quyền con người và cách tiếp cận lấy người bị bạo lực là trung tâm, đồng thời bổ sung các hình thức bạo lực khác đối với phụ nữ và trẻ em gái xảy ra bên ngoài bối cảnh gia đình, cung cấp các dịch vụ toàn diện và thiết yếu bao gồm chăm sóc y tế, tư vấn, bảo vệ của lực lượng công an, dịch vụ xã hội và tư pháp, và thay đổi các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức hướng tới thay đổi thực sự hành vi của người dân. Những bài học kinh nghiệm quốc tế và những mô hình hiệu quả của các quốc gia như Australia, Canada, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Tây Ban Nha là tiền đề để xem xét các phương pháp tiếp cận tiên tiến trong quá trình sửa đổi Luật PCBLGĐ.

Thưa toàn thể Quý vị,

Theo kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam thực hiện năm 2019 với sự hỗ trợ của UNFPA, gần 62,9% phụ nữ Việt Nam từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực về thể xác, tình dục, tâm lý và kinh tế, và các hành vi kiểm soát từ chồng trong đời. Bạo lực là vấn đề còn ẩn khuất trong xã hội Việt Nam khi 90,4% người bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính quyền và một nửa trong số họ chưa từng kể với ai về tình trạng bị bạo lực của bản thân. Ngoài ra, bạo lực đối với phụ nữ làm tổn hại 1,81% GDP của cả nước. Và đây là một vấn đề đáng báo động. Đã đến lúc phải rà soát và sửa đổi các chính sách quốc gia hiện hành và luật pháp có liên quan, bao gồm cả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, để đảm bảo việc tuân thủ các nghĩa vụ và tiêu chuẩn quốc tế. 

Một điều rõ ràng là chính bạo lực gia đình là nhân tố phá hoại gia đình chứ không phải bản thân Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Điều quan trọng là Luật PCBLGĐ cần phải phù hợp với Bộ luật hình sự và như vậy thì hành vi bạo lực gia đình sẽ phải được coi như là tội phạm. Khi bạo lực xảy ra trên đường phố, người phạm tội sẽ bị xử phạt theo Luật. Điều này cũng cần phải được áp dụng khi bạo lực xảy ra trong gia đình. Hòa giải hay lao động công ích có thể là giải pháp lựa chọn, tuy nhiên thực tế tại Việt Nam cho thấy điều này chỉ làm trì hoãn việc chấm dứt bạo lực và cuối cùng thì bạo lực vẫn gia tăng. Khi thấy gia tăng dấu hiệu bạo lực, cách tốt nhất là người bị bạo lực cần phải được bảo vệ ngay lập tức với lệnh cấm tiếp xúc đối với người gây bạo lực. Chúng ta mới đây đã chứng kiến một trường hợp khi không có lệnh cấm tiếp xúc và người vợ đã bị chặt đứt cánh tay.

Liên quan đến biện pháp hòa giải, chúng tôi kiến nghị là tất cả những ai tham gia quá trình hòa giải cần phải hiểu rõ phương pháp tiếp cận lấy người bị bạo lực là trung tâm và cần phải được tập huấn thường xuyên để nâng cao kỹ năng và kiến thức tư vấn nhằm đảm bảo việc hòa giải được thực hiện hiệu quả.

Chúng tôi cũng vận động Chính phủ đưa ra những chính sách tạo môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân, bao gồm cả các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng cùng tham gia đóng góp phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình. Điều quan trọng là chính phủ cần xây dựng những tiêu chuẩn và điều kiện mà các tổ chức xã hội cần phải đáp ứng để được nhận sự hỗ trợ về luật pháp và tài chính từ Chính phủ để cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới.

Và các cách tiếp cận của Chính phủ cần phải được thực hiện và trong những năm qua, UNFPA đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình sửa đổi Luật, đưa các khuyến nghị từ những nghiên cứu trước đây vào bản Luật dự thảo và đảm bảo tuân thủ các cam kết và tiêu chuẩn quốc tế về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình. Tôi xin chúc mừng Bộ VHTTDL và Quốc hội đã hoàn thành công tác sửa đổi luật một cách toàn diện, có tổ chức tham vấn và có sự tham gia của các bên có liên quan. UNFPA rất vinh dự được cùng đồng hành trong quá trình này, một sự phối hợp điển hình. 

Không có một Luật Khuôn mẫu cho phòng, chống bạo lực gia đình. Trách nhiệm là của chúng ta, chúng ta cần phải có một dự thảo cuối cùng được chính lý theo những ý kiến góp ý từ các hội nghị tham vấn đã được thực hiện từ trước đến nay, và làm cho nó trở thành văn bản có hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Tôi tin tưởng rằng cùng nhau, chúng ta có thể xóa bỏ bạo lực gia đình ở Việt Nam, điều quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030.

Xin cảm ơn các quý vị đã lắng nghe!