Bạn đang ở đây

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2022: Hội Nông dân Việt Nam và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã có những nỗ lực liên tục nhằm thay đổi những chuẩn mực xã hội trong giải quyết bạo lực trên cơ sở giới, các thực hành có hại, bất bình đẳng giới và thúc đẩy quyền phụ nữ. Hôm nay, dự án mới mang tên: “Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác” được triển khai tại Hà Nộinằm trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia lần thứ 10 của UNFPA dành cho Việt Nam giai đoạn 2022-2026. Dự án nhằm mục đích xây dựng, sửa đổi và thực hiện các chương trình, chính sách và luật pháp thông qua sử dụng cách tiếp cận dựa vào bằng chứng và quyền con người.

 

Với vai trò là Chủ dự án, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế. Dự án mới sẽ được triển khai tại bốn tỉnh thành: Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Lâm Đồng với tổng ngân sách 6,9 triệu đô-la Mỹ.

 

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt dự án, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, thay mặt lãnh đạo TW Hội Nông dân Việt Nam trân trọng cám ơn sự hỗ trợ của UNFPA về mặt kỹ thuật trong những năm qua, đặc biệt là trong việc thiết lập tổng đài trợ giúp miễn phí và cung cấp chăm sóc, trợ giúp cho phụ nữ nông thôn có nguy cơ bị bạo lực.

 

Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định lưu ý: “Dự án mới ra mắt ngày hôm nay sẽ là đóng góp lớn của chúng tôi trong hành trình giải quyết bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam. Hội Nông dân Việt Nam cam kết thực hiện dự án theo hướng đổi mới thiết thực, hiệu quả nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam và đảm bảo sự an toàn cho họ, đồng thời giải quyết các chuẩn mực xã hội, thực hành có hại liên quan đến định kiến giới, vốn là nguyên nhân gốc rễ của bạo lực trên cơ sở giới”.

 

Dự án dự kiến sẽ hỗ trợ công tác vận động dựa trên bằng chứng và cung cấp tư vấn kỹ thuật cho việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới nhằm đảm bảo bất kỳ nội dung nào liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại sẽ được phản ánh đầy đủ trong các điều Luật này; và đảm bảo các bộLuật tuân thủ các thông lệ quốc tếvà các chính sách liên quan trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam. 

 

Dự án cũng sẽ xây dựng và triển khai những sáng kiến đổi mới và dựa trên kỹ thuật số về truyền thông xã hội và thay đổi hành vi nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng, tập trung vào thanh thiếu niên; nam giới và trẻ em trai; và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác với mục tiêu thay đổi thái độ, hành vi, cũng như đưa ra các hành động ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới cũng như các thực hành có hại khác.

 

Trong khuôn khổ dự án, các chiến lược dựa trên bằng chứng và đổi mới sáng tạo để thu hút nam giới tham gia giải quyết các thực hành nam tính độc hại và xây dựng mối quan hệ lành mạnh sẽ được xây dựng và thí điểm. Chương trình Làm cha trách nhiệm sẽ được nhân rộng ở ít nhất 3 tỉnh mới, và dự án sẽ triển khai thí điểm trung tâm xử lý khủng hoảng dành cho nam giới trong việc xây dựng mối quan hệ bình đẳng, lành mạnh và không có bạo lực.

 

Trong bài phát biểu, bà Naomi Kitahara,Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh rằng mối quan hệ đối tác giữa UNFPA và Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và chia sẻ: “Giải quyết bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại là một trong ba trụ cột chính trong Kế hoạch Chiến lược mới của UNFPA cho giai đoạn 2022-2025, và cũng là một ưu tiên rõ ràng trong chương trình quốc gia mới cho giai đoạn 2022-2026 của UNFPA Việt Nam. UNFPA sẽ nhân rộng quy mô những nỗ lực của mình để chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại tại Việt Nam.”

Những kết quả mang tính chuyển đổi trong Kế hoạch Chiến lược tổng thể của UNFPA bao gồm: Không có tử vong mẹ có thể phòng ngừa được; Không có nhu cầu kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng; và Không có tình trạng bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác đối với phụ nữ và trẻ em gái.

 

Đầu năm 2022, Ban Điều hành Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã phê duyệt Chương trình Quốc gia lần thứ 10 dành cho Việt Nam với ngân sách 26,5 triệu USD nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) đến năm 2030, hướng tới những nhóm dân số có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, thanh thiếu niên, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Chương trình phù hợp với Khung Hợp tác Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc để Việt Nam thực hiện cam kết mang tính chuyển đổi “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

 

Lưu ý cho biên tập:

Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do UNFPA hỗ trợ cho thấy gần 2/3 phụ nữ (62,9%) đã từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần, kinh tế và kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong đời. Hơn 1/2 phụ nữ từng bị chồng/bạn tình bạo lực thể chất và/hoặc tình dục không kể với ai về chuyện này, và hầu hết nạn nhân bị bạo lực (90,4%) không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào. Do vậy, bạo lực gia đình vẫn còn ẩn náu sâu trong xã hội Việt Nam.

 

Ngoài ra, Điều tra còn cho thấy tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ tại vùng nông thôn cao hơn (28%) so với thành thị (22%). Do đó, Hội Nông dân Việt Nam đã thiết lập tổng đài hỗ trợ miễn phí 1800.1768 cũng như trang web nhắn tin đặc biệt vào tháng 12 năm 2021, với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính từ UNFPA trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu tác động của COVID-19 đến nhóm dân số dễ bị tổn thương nhằm đạt Mục tiêu Phát triển Bền vững tại Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực ở nông thôn có thể gọi cho đường dây nóng. Đường dây cung cấp dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và chuyển gửi 24/7 nhằm đảm bảo quyền cũng như sự an toàn cho nạn nhân bị bạo lực gia đình.

 

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Bà Lều Thị Minh Huệ  | Phó trưởng ban Xã hội, Hội Nông dân Việt Nam

Email:hueminhnb@gmail.com    | ĐT: 0916835050 

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Thanh | Cán bộ Truyền thông UNFPA

Email:  tnguyen@unfpa.org | ĐT: 0913093363