Hà Nội, 21/10/2016 – Các vấn đề như cưỡng ép kết hôn sớm, lao động trẻ em, hủ tục cắt âm vật và các hủ tục khác gây tổn hại đến sức khỏe và quyền của trẻ em gái, sẽ đe doạ đến Chương trình Nghị sự Phát triển đầy tham vọng của thế giới chúng ta. Đây là những thông tin được đưa ra tại Lễ công bố Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2016, do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương của Trung Ương Đoàn tổ chức sáng nay tại Hà Nội.
Những hủ tục gây tổn hại đến trẻ em gái và vi phạm quyền của trẻ em gái - kể từ khi các em bắt đầu bước vào tuổi lên 10 - tạo ra những cản trở khiến các em không thể phát triển hết tiềm năng của mình khi trưởng thành, cũng như cản trở những đóng góp của các em vào sự phát triến kinh tế-xã hội của cộng đồng và đất nước. Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc cùng với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững sẽ không thể đạt được nếu như chúng ta bỏ qua những đóng góp này của các em.
10 tuổi là độ tuổi quan trọng đối với trẻ em gái ở tất cả mọi nơi vì các em bắt đầu bước vào tuổi dậy thì. Ở một số nơi trên thế giới, khi bắt đầu độ tuổi vị thành niên, bé gái 10 tuổi đã nhận ra nhiều triển vọng phía trước và bắt đầu có những lựa chọn liên quan đến học tập, công việc và cuộc sống của em sau này. Báo cáo cũng cho thấy ở những nơi khác, một trẻ em gái bước vào tuổi dậy thì bỗng nhiên được xem như một món hàng có thể mua bán, trao đổi. Bé gái có thể bị cưỡng ép kết hôn, phải bỏ học, phải sinh con và bắt đầu cuộc đời phục vụ chồng con.
Giám đốc điều hành UNFPA, Tiến sĩ Babatunde Osotimehin cho rằng "Việc cản trở trẻ em gái phát triển an toàn, khỏe mạnh trong giai đoạn chuyển đổi từ tuổi vị thành niên sang tuổi trưởng thành là vi phạm quyền của trẻ em gái. Điều đó cũng gây tổn thất cho cộng đồng và quốc gia của các em. Khi tiềm năng của một bé gái không được phát huy thì tất cả chúng ta đều thất bại".
Chương trình Nghị sự Phát triển được các nhà lãnh đạo thế giới thông qua vào năm 2015 là kế hoạch cho tiến bộ kinh tế-xã hội của các quốc gia trong vòng 15 năm tới. Chương trình này hướng đến sự phát triển công bằng và không một ai bị bỏ lại phía sau. Báo cáo cho rằng việc xóa bỏ các rào cản đối với trẻ em gái 10 tuổi ngày hôm nay sẽ tạo ra nhiều cơ hội thành công cho Chương trình Nghị sự Phát triển của thế giới trong tương lai.
Báo cáo Trình trạng Dân số thế giới 2016 cũng lưu ý rằng 60 triệu trong số 125 triệu trẻ em gái 10 tuổi trên thế giới, trong giai đoạn các em chuyển tiếp từ độ tuổi vị thành niên sang tuổi trưởng thành, đang gặp nhiều khó khăn mang tính hệ thống trên phạm vi toàn cầu. Trẻ em gái có ít cơ hội hơn so với trẻ em trai để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và đại học chính quy, tuy nhiên, sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ em gái lại có thể kém hơn và các em cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm việc làm được trả lương.
Trong một thập kỷ qua, chính phủ các quốc gia ngày càng có nhiều chính sách hiệu quả để lựa chọn. Những chính sách này bao gồm việc cấm các hủ tục như kết hôn sớm và hỗ trợ tài chính cho bố mẹ các bé gái thuộc hộ gia đình nghèo, giúp chi trả học phí và nhờ đó các bé gái được tiếp tục học cao hơn. Chính sách này cũng bao gồm hoạt động đào tạo kỹ năng sống và giáo dục giới tính toàn diện, phù hợp với từng độ tuổi trong giai đoạn các bé gái bước vào tuổi dậy thì.
Báo cáo Trình trạng Dân số thế giới 2016 cũng cho thấy thách thức hiện nay là làm thế nào để mở rộng các hoạt động can thiệp này giúp tiếp cận được tới nhiều trẻ em gái hơn, đặc biệt là trẻ em gái thuộc các hộ gia đình nghèo và dễ bị tổn thương nhất, trước khi các em bước vào tuổi lên 10.
Việt Nam đang có nhóm dân số trẻ lớn nhất trong lịch sử từ trước đến nay. Nhóm dân số trẻ từ 10 đến 24 tuổi chiếm gần 40 phần trăm tổng dân số. Thời kỳ "Cửa sổ nhân khẩu học" chính là một cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam nếu Việt Nam tận dụng được dư lợi từ thời kỳ cơ cấu dân số vàng giúp mang lại sự phát triển kinh tế-xã hội thịnh vượng, cũng như giúp Việt Nam đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.
Phát biểu tại Lễ công bố báo cáo tại trường THCS Khương Đình, Hà Nội, Bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: "Trẻ em gái 10 tuổi của ngày hôm nay sẽ trở thành những cô gái 24 tuổi vào thời điểm chúng ta phải đạt được Các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình Nghị sự Phát triển 2030. Chương trình nghị sự hướng tới một thế giới mà mỗi người đều có cơ hội được phát triển hết tiềm năng của mình và không ai bị bỏ lại phía sau. Với sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng và quốc gia, và bản thân các bé gái 10 tuổi nhận ra được quyền của mình thì các em sẽ phát triển khỏe mạnh và mang lại tương lai mà tất cả chúng ta mong muốn".
Tại Lễ công bố báo cáo, UNFPA và Trung ương Đoàn kêu gọi Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng mỗi người trẻ tuổi đều được giáo dục tốt, có sức khỏe và kiến thức để ước mơ và hoài bão của các em sớm trở thành hiện thực.
Các số liệu quan trọng trên thế giới:
- So với các bé trai, các bé gái có ít cơ hội hoàn thành chương trình học tập và có nhiều khả năng phải đối mặt với tình trạng kết hôn sớm, lao động trẻ em, hủ tục cắt âm vật và nhiều hủ tục khác.
- Hơn một nửa trong số 60 triệu trẻ em gái 10 tuổi trên thế giới đang sinh sống tại 48 quốc gia đang phải đối mặt với vấn đề bất bình đẳng giới vô cùng tồi tệ.
- 21 tỷ đô la dư lợi hàng năm là con số mà các nước đang phát triển có thể thu được nếu tất cả các bé gái 10 tuổi được hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
- 9/10 các bé gái 10 tuổi hiện nay đang sinh sống tại các nước đang phát triển, và 1/5 các bé gái trên thế giới đang sinh sống tại nước kém phát triển nhất; trong số này, 1/5 các em gái đang sống tại Ấn Độ và 1/8 sống tại Trung Quốc.
- Cứ thêm một năm đi học thì lương của trẻ em gái sau này sẽ tăng 11.7% (so với mức tăng 9.6% đối với nam). Tuy nhiên, 16 triệu trẻ em gái trong độ tuổi 6-11 sẽ không bao giờ được đến trường, nhiều gấp đôi so với số trẻ em trai.
- Nếu tất cả bé gái 10 tuổi tại các nước đang phát triển đã bỏ học hoặc chưa bao giờ đi học, được đến trường và hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, thì các em sẽ tạo ra 21 tỷ đô la dư lợi hàng năm.
- 10% bé gái độ tuổi 5-14 làm việc nhà nhiều hơn 28 giờ hàng tuần, gấp đôi so với trẻ em trai. 3 trong số 4 lao động là trẻ em gái không được trả lương.
- Hàng ngày, ước tính 47.700 trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi.
Thông tin liên quan
Để có thêm thông tin xin liên hệ:
Chị Nguyễn Thị Hồng Thanh, Truyền thông UNFPA, Mob: 091 309 3363, Email: tnguyen@unfpa.org