Bạn đang ở đây

  • Kính thưa bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế
  • Kính thưa đại diện các Bộ, Ban, Ngành của Chính phủ Việt Nam;
  • Kính thưa các vị Đại sứ và Lãnh đạo của các Tổ chức quốc tế;
  • Thưa các vị khách quý,

Tôi rất vinh dự khi được cùng Bộ trưởng Đào Hồng Lan đứng trên sân khấu này để kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển được thông qua tại Cairo vào năm 1994, đồng thời để kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới.

Ngày Dân số Thế giới là sự kiện thường niên diễn ra vào ngày 11 tháng 7. Đây là một sự kiện đặc biệt do Hội đồng Quản trị của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc – UNDP đưa ra năm 1987 lấy cảm hứng từ ngày dân số thế giới cán mốc 5 tỷ người.  

Ngày nay, gia đình thế giới của chúng ta tăng lên hơn 8 tỷ người. 

Những dữ liệu về biến động dân số sẽ giúp chúng ta xây dựng các chính sách để chuẩn bị cho tương lai. 

Trên toàn cầu, chúng ta phải sẵn sàng với tình trạng tiếp tục tăng dân số ở khu vực Châu Phi cận Sahara trong khi phải dự báo tình trạng dân số tăng chậm lại, hoặc thậm chí suy giảm ở nhiều khu vực tại Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ, và sau đó là ở Châu Mỹ La-tinh và khu vực Caribê.

Việt Nam, với dân số hơn 100 triệu người, hiện là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, quy mô dân số Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ giảm dần.

Nhân ngày Ngày Dân số Thế giới, chúng ta cùng nhau tôn vinh những tiến bộ và thành tựu đã đạt được, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm đảm bảo một tương lai bền vững cho tất cả mọi người và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Vào ngày này 30 năm về trước, tại Cairo, Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) đã khép lại với một cam kết về một tầm nhìn hướng tới đặt con người là trọng tâm của phát triển – tôn trọng phẩm giá và quyền của mọi người – và đưa sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục và quyền là mục tiêu cơ bản của phát triển bền vững. Quan điểm này cũng chính là trọng tâm của Chương trình Nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030.

Từ sau Hội nghị tại Cairo, chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trên toàn cầu. Số phụ nữ tử vong khi mang thai và khi sinh con đã ít hơn. Nguy cơ tử vong trẻ em cũng đã giảm tại các quốc gia phát triển hoặc đang phát triển. Khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, bao gồm cả các biện pháp tránh thai hiện đại cũng được tăng lên. Và tỷ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên giảm khoảng 1/3.

Tuy nhiên, những tiến bộ này diễn ra không đồng đều, một số nhóm dân số với tình trạng kinh tế, xã hội khác nhau được hưởng lợi từ những tiến bộ này trong khi có nhiều nhóm dân số khác lại bị bỏ lại phía sau. Nhiều quốc gia vẫn chưa đạt được mục tiêu tăng tuổi thọ. Nhiều quốc gia đang phát triển vẫn phải đối mặt với các thách thức lớn để đạt được mục tiêu phát triển bền vững về giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Có 1/4 số phụ nữ trên thế giới không có quyền ra quyết định về việc chăm sóc sức khỏe của chính bản thân mình, và cứ 10 phụ nữ thì có gần một người không thể tự quyết định về việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2020, tỷ lệ tử vong mẹ hàng năm trên toàn cầu không thay đổi. Điều này có nghĩa là chúng ta không hề đạt được bất kỳ sự tiến bộ nào trong vấn đề này. Mỗi ngày vẫn có hơn 800 phụ nữ tử vong do những nguyên nhân có thể ngăn ngừa được.  

Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được xứng đáng được tôn vinh. Tôi xin chúc mừng Việt Nam vì những nỗ lực giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về kinh tế-xã hội giữa các vùng và các nhóm dân số. Tuổi thọ của người Việt Nam đang tăng lên, và đây được coi là một dấu hiệu tích cực của phát triển. Trong 20 năm qua, ngành y tế Việt Nam đã giảm 75% tử vong mẹ, vượt qua mức giảm 34% của thế giới. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại của phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49 đã tăng hơn 60%.

Tuy nhiên, sự chênh lệch vẫn còn tồn tại ở một số khu vực. Tỷ suất tử vong mẹ ở các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu vùng xa vẫn cao gấp 3-4 lần mức trung bình cả nước. Tỷ lệ thanh niên chưa lập gia đình không được đáp ứng nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại là 40% - cao gấp 4 lần so với nhóm những thanh niên đã lập gia đình.

Kết quả từ báo cáo Tài khoản Chuyển nhượng Quốc gia do Tổng cục Thống kê phối hợp với UNFPA thực hiện gần đây cho thấy: Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” với lực lượng lao động trẻ dồi dào, và điều này sẽ tiếp tục kéo dài tới năm 2039. Tuy nhiên, từ năm 2011, Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với các nước khác. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036, và “siêu già” vào năm 2049. Sự chuyển đổi nhân khẩu học từ xã hội trẻ sang xã hội già sẽ gây ra những tác động đa chiều ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. 

Điều này có nghĩa là chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho những thay đổi về nhân khẩu học và già hóa dân số. Các giải pháp có thể bao gồm việc gia tăng việc tham gia lực lượng lao động, đặc biệt là đối với người cao tuổi, Hỗ trợ phụ nữ tham gia thị trường lao động, cũng như đầu tư vào y tế và giáo dục.

Thưa các vị khách quý

Chúng ta cũng phải nhìn nhận những xu hướng lớn đang định hình lại thế giới – đó là biến đổi khí hậu, chuyển đổi nhân khẩu học, đô thị hóa, công nghệ kỹ thuật số và bất bình đẳng, cũng như mối liên hệ quan trọng giữa những xu hướng này với các Mục tiêu phát triển bền vững. 

Chúng ta cũng phải hiểu rằng trong một thế giới đa dạng nhân khẩu học, các biến động về dân số, bao gồm chênh lệch về tốc độ tăng hoặc suy giảm dân số, thay đổi cơ cấu dân số theo độ tuổi, đô thị hóa và di cư, sẽ tiếp tục tạo dựng thế giới cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Hội nghị thượng đỉnh về Tương lai toàn cầu sẽ được tổ chức tại New York trong Tuần lễ hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là cơ hội để chúng ta cùng thảo luận về những vấn đề này vì thế giới hiện tại và tương lai của chúng ta. Hội nghị cũng sẽ tập trung thảo luận về thanh niên và các thế hệ tương lai. Kế hoạch tổng thể về Tương lai sẽ tạo cơ hội cho những cam kết hành động cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của thanh niên trong quá trình ra quyết định ở mọi cấp độ, kể cả tại Liên Hợp Quốc, và đảm bảo thế hệ trẻ có thể tiếp cận sinh kế bền vững và các dịch vụ thiết yếu, như giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội.

Hướng tới Hội nghị thượng đỉnh về Tương lai, chúng ta phải ưu tiên những nhu cầu của các thế hệ tương lai. Có nghĩa là theo đuổi con đường phát triển xanh và bền vững để thế hệ kế tiếp được thừa kế một hành tinh đáng sống. Chúng ta phải đẩy nhanh tiến bộ trong bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Chúng ta phải hành động quyết liệt và ngay lập tức để đảm bảo rằng mọi phụ nữ đều có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cần thiết khi mang thai và sinh con. Đầu tư vào sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục chính là đầu tư chấm dứt đói nghèo và chấm dứt bất bình đẳng. Chúng ta không thể đạt được các mục tiêu chung nếu một nửa nhân loại bị bỏ lại phía sau. 

Lễ kỷ niệm 30 năm ICPD và Hội nghị thượng đỉnh về Tương lai sẽ là cơ hội để chúng ta xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, nơi tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi, đều được tôn trọng và có một cuộc sống thịnh vượng và tràn đầy hy vọng.

Xin chúc các vị khách quý, các vị đại biểu sức khoẻ và hạnh phúc. Xin chân thành cảm ơn!/.