Bạn đang ở đây

HÀ NỘI, ngày 24 tháng 9 năm 2014 – Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng thanh niên đông đảo. Theo kết quả của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam 2009, nhóm dân số thanh niên từ 10 đến 30 tuổi chiếm khoảng 40 phần trăm dân số Việt Nam. Thanh niên đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước và họ chiếm một tỷ lệ ngày càng lớn trong lực lượng lao động hiện tại và trong tương lai. Do vậy, đầu tư cho giáo dục và sức khỏe bao gồm Sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD) của thanh niên đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với năng suất và sự phát triển của Việt Nam.

Vấn đề này đã được thảo luận tại buổi đối thoại về công tác thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc SKSS/SKTD cho thanh thiếu niên do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức ngày hôm nay tại Hà Nội. Buổi đối thoại là cơ hội để cho giới trẻ và các nhà hoạch định chính sách cùng nhau trao đổi về chăm sóc SKSS/SKTD cho thanh, thiếu niên và cam kết hướng tới tăng cường khả năng tiếp cận của thanh, thiếu niên tới các thông tin và dịch vụ về SKSS/SKTD.

Việt Nam đã đạt được tiến bộ ấn tượng trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã đầu tư nhiều nguồn lực cho sức khỏe và giáo dục của thanh niên. Tuy nhiên, vẫn còn những mục tiêu lớn chưa đạt được: bằng chứng cho thấy thanh, thiếu niên vẫn còn thiếu thông tin và kỹ năng sống liên quan đến SKSS/SKTD. Điều này khiến cho thanh, thiếu niên trở nên dễ bị tổn thương hơn đối với những hành vi có nguy cơ cao và gây ra những ảnh hưởng về mặt sức khỏe, bao gồm mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV, lạm dụng tình dục và bạo lực giới.

Mức độ bao phủ của các dịch vụ SKSS bao gồm kế hoạch gia đình đã được mở rộng và chất lượng dịch vụ đã được cải thiện. Tuy nhiên, các chương trình SKSS/kế hoạch gia đình vốn chỉ dành cho nhóm đã kết hôn. Hiện vẫn chưa có chương trình quốc gia nào đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của nhóm thanh niên chưa lập gia đình. Giáo dục giới tính trong nhà trường còn hạn chế. Một số nhóm, chẳng hạn như thanh, thiếu niên di cư và dân tộc thiểu số vẫn còn rất hạn chế trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD.

Việc cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD dành cho thanh, thiếu niên chưa đa dạng, thiếu tính thân thiện, chưa thuận tiện để thanh, thiếu niên có thể dễ dàng tiếp cận. Nhu cầu chưa được đáp ứng về tránh thai trong thanh niên rất cao. Chất lượng các dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD do các cơ sở y tế tư nhân cung cấp chưa được quản lý chặt chẽ, kiểm tra, giám sát, đánh giá thường xuyên. Việc giáo dục kỹ năng sống, giảng dạy về chăm sóc SKSS/SKTD trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó còn có nhiều nguyên nhân khách quan về phía gia đình, xã hội cản trở giới trẻ tiếp cận đến với các dịch vụ SKSS/SKTD và giáo dục giới tính.

Phát biểu buổi đối thoại, Ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Trung ương Đoàn, Trưởng ban đoàn kết Tập hợp thanh, thiếu niên Trung ương Đoàn nhấn mạnh: “SKSS/SKTD không chỉ là mối quan tâm của thanh, thiếu niên mà còn là của toàn xã hội, bởi vì SKSS/SKTD quyết định chất lượng của lực lượng lao động tương lai và sự phát triển và phồn thịnh của đất nước."

Bên cạnh đó, thanh, thiếu niên có quyền có tiếng nói của mình. Việc thanh, thiếu niên tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ là hết sức quan trọng.

Ông Arthur Erken Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu: "Để giúp giới trẻ trở thành một phần của cơ chế điều phối các vấn đề thanh thiếu niên tại Việt Nam, chúng ta phải làm nhiều hơn nữa chứ không chỉ là mời họ đến tham dự với chúng ta. Chúng ta cần phải đưa các đại diện thanh niên cùng ngồi thảo lu ận trực tiếp khi quyết định đang được đề ra. Sự tham gia xuyên suốt của những người trẻ tuổi đòi hỏi các em phải được nâng cao năng lực, phát triển các kỹ năng, và tạo ra quan hệ đối tác bền vững mà tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ quá trình này. Sự tham gia của thanh thiếu niên không chỉ dẫn đến những quyết định tốt hơn, mà còn thúc đẩy sự phát triển của họ và những cam kết của họ trở thành các nhà phát triển tích cực cho tương lai của Việt Nam”.

Thanh, thiếu niên ngày hôm nay phải được ghi nhận là trọng tâm của phát triển. Tất cả chúng ta đều có một vai trong quan trọng trong việc đảm bảo mỗi thanh, thiếu niên điều được phát triển hết tiềm năng của mình. Cùng nhau làm việc, chúng ta sẽ nâng cao được quyền, sức khỏe và hạnh phúc bao gồm cả SKSS/SKTD cho thế hệ hôm nay và thế hệ trẻ mai sauns.