Khi Nhân Quí lần đầu tiên tình nguyện tham gia Giải Cờ Vua Người Khuyết Tật, cậu không ngờ rằng điều chờ đợi mình phía trước không chỉ là những nước cờ chiến thuật, mà còn là những bài học cuộc sống làm cậu rung động, lay chuyển và thay đổi cả tương lai.
“Em đã từng sợ,” Quí thừa nhận, giọng nhỏ nhẹ nhưng vững vàng. “Xuyên suốt thời gian em được trang bị kỹ năng để làm tình nguyện viên cho một sự kiện dành cho người khuyết tật, em được căn dặn thật kỹ càng rằng người khuyết tật có thể rất nhạy cảm. Em sợ em nói sai, làm sai, hoặc làm không đủ. Em trước đó từng khá lúng túng và không biết phải cư xử như thế nào khi ở gần người khuyết tật…”
Là sinh viên năm hai tại Đại học FPT, Quí không lớn lên trong môi trường có nhiều người khuyết tật. Giống như nhiều bạn trẻ khác ở Việt Nam, cách nhìn nhận của Quí bị định hình bởi sự xa cách, những thông tin có phần một chiều và cả sự im lặng trước những bất công mà người khuyết tật phải nếm trải. Ban đầu, Quí tham gia giải cờ vua như là một nam sinh tình nguyện có phần thích thú với hoạt động xã hội – nhưng thứ Quí nhận lại quý giá hơn rất nhiều.
“Trái ngược với những nỗi sợ vô hình của em, người khuyết tật tràn đầy sức sống,” Quí nhớ lại. “Có một chú, chú bị mất cả hai chân trong một tai nạn và cả cuộc đời còn lại phải gắn với chiếc xe lăn. Nhưng tiếng cười của chú thì thắp sáng cả căn phòng ấy. Chú ấy nhìn em và nói, ‘Đừng thương hại chú nha – chú chơi cờ vua hơi bị cừ đó.’ Đó là khoảnh khắc khiến Quí bừng tỉnh. “Xong khi chú đi xuống một cái dốc khá là cao, em cứ loay hoay muốn giúp vì sợ chú sẽ té mất, nhưng chú bảo thôi không cần đỡ chú đâu và lao xe lăn ‘vèo’ một cái." - Quí cười rất tươi khi chia sẻ.
Gắn bó từ một sự kiện, Quí đã cảm thấy mình được tiếp thêm những nguồn năng lượng quý báu, từ đó cậu học sinh ấy bắt đầu chủ động tìm kiếm những không gian có thể hỗ trợ và lên tiếng cho người khuyết tật. Quí tham gia Giải Chạy “Bước Chân Hòa Nhập” tại Cần Thơ – một sự kiện thể thao lớn do Hội Người Khuyết Tật tổ chức, thu hút hơn 2.000 vận động viên để tôn vinh sự kiên cường và năng lực của người khuyết tật. “Nhìn các cô chú, anh chị chạy, nhảy, cười nói thật vui tươi, em nhận ra xã hội thường không thấy được sức mạnh của họ. Người khuyết tật không phải đang ‘cố sống sót’ đâu ạ – họ vươn lên rực rỡ như những đóa hoa rực rỡ.”
Không lâu sau đó, với sự hiểu biết về người khuyết tật, về những câu chuyện và cả những nỗi lo trong cộng đồng người khuyết tật, cậu bắt đầu để ý đến điều gì đó sâu sắc hơn. Dù có nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức, nhiều những chương trình văn hóa, thể thao cho người khuyết tật, nhóm đối tượng này vẫn bị loại ra khỏi chính những cuộc đối thoại định hình cuộc sống của họ.
“Quê em là tại Cần Thơ, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Mọi người ở đây đều đang nói về những vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thiên tai,” Quí nói. “Nhưng không ai nói về việc người khuyết tật thích nghi ra sao, hoặc họ có thể là một phần của giải pháp như thế nào. Em đã tham gia vào một cuộc thảo luận bàn tròn của thanh niên về biến đổi khí hậu và sau cùng là đọc báo cáo của Thanh niên, mà lại chẳng tìm thấy phần nào nói về vai trò hay là tác động của người khuyết tật.”
Tháng 12 năm ngoái, Nhân Quí gửi một bức ảnh tham gia cuộc thi PhotoVoice do Quỹ DÂn số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức nhân Ngày Quốc tế Người Khuyết tật năm 2024 mang tên “Lăng Kính Yêu Thương.” Bức ảnh không tựa ấy nói lên nhiều điều, được chụp vào ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) tại hội người khuyết tật thành phố Cần Thơ.
Chia sẻ về bức ảnh, Quí nói: “Dù cho thời tiết không mấy thuận lợi vì mưa liên tục và địa điểm tổ chức rất khó để người khuyết tật có thể tiếp cận, nhưng các cô, các chị vẫn đến dự lớp tập huấn về bình đẳng giới.”
“Điều này khiến em xúc động lắm vì không nghĩ mọi người sẽ đến đông đủ đến như vậy. Có lẽ trong người khuyết tật luôn có một khát khao vô cùng lớn để học tập, bồi dưỡng và vươn lên. Không chỉ là muốn được trang bị kiến thức, người khuyết tật còn muốn khẳng định giá trị của mình trong xã hội. Đôi mắt sáng ngời, sự kiên trì và nụ cười ấm áp của họ là minh chứng cho sức mạnh tinh thần và ý chí mãnh liệt. Họ đến không chỉ để học hỏi mà còn để gắn kết, sẻ chia những câu chuyện và khó khăn trong cuộc sống. Hình ảnh này không chỉ đẹp về mặt vật chất mà còn truyền tải thông điệp về tinh thần vượt khó và ước mơ xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, bình đẳng hơn cho tất cả mọi người.”
Hiện tại, Quí mong mỏi được thúc đẩy những sáng kiến nhằm tạo ra môi trường học tập hòa nhập, song Quí thừa nhận mình vẫn còn nhiều điều cần học hỏi: “Qua nhiều những trải nghiệm thực tế của bản thân, em đã học được rằng: cần lắng nghe sâu sắc, cần cho người khuyết tật thấy mình thực sự đang có mặt ở đây để hỗ trợ và đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng.”
“Mọi người nói rằng thanh niên là tương lai. Nhưng em nói – người khuyết tật cũng là tương lai. Chúng ta chỉ cần mở rộng cánh cửa hơn một chút, để tất cả cùng bước qua cánh cửa ấy, và trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai.”
Khi mặt trời lặn xuống sau một ngày nữa với những tiết học, dự án và hoạt động thầm lặng, Nhân Quí ngồi trên bàn học, suy nghĩ về những kế hoạch tiếp theo: một chiến dịch cộng đồng, lập bản đồ các địa điểm thân thiện với người khuyết tật quanh khuôn viên trường và tại quê nhà. Bởi với Quí, hòa nhập không phải là một sự kiện thuần chỉ có một lần trong đời. Đó là cách chúng ta sống mỗi ngày.
Nhân Quí đang không chỉ thay đổi trái tim của chính mình, của những người xung quanh – hành động của Quí chính là viên gạch để thay đổi cả thế giới.
######
Về Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc:
UNFPA - Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc là cơ quan Liên Hợp Quốc chuyên trách về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Sứ mệnh của UNFPA là “tạo ra một thế giới nơi việc mang thai được mong muốn, mọi ca sinh nở đều an toàn và tiềm năng của mỗi người trẻ tuổi đều được phát huy.”
Về Chương trình WeDecide của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc:
We Decide là một sáng kiến toàn cầu của UNFPA với sự hỗ trợ từ Chính phủ Tây Ban Nha, nhằm thúc đẩy quyền con người và sự hòa nhập xã hội của phụ nữ và thanh thiếu niên khuyết tật, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và quyền tình dục, cũng như phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Chương trình hướng đến xây dựng một mô hình can thiệp dựa trên quyền con người, phù hợp với các tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế, đồng thời bảo đảm sự tham gia trực tiếp của người khuyết tật trong quá trình thiết kế và triển khai.
Chương trình đặc biệt nhấn mạnh đến phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, những người thường phải đối mặt với nhiều rào cản về tiếp cận dịch vụ y tế, thông tin, giáo dục và sự bảo vệ khỏi bạo lực. Thông qua We Decide, UNFPA hướng đến việc bảo đảm mọi người đều có quyền ra quyết định về cơ thể và cuộc sống của chính mình, không bị phân biệt đối xử và bạo lực.
Tìm hiểu thêm tại đây: https://www.unfpa.org/wedecide
######
Liên hệ truyền thông
Nguyễn Hoàng Trâm Anh
Cán bộ Truyền thông, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc
Email: annguyen@unfpa.org | SĐT: 096.594.1099