Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc gặp chị Ánh vào một buổi sáng sau chuyến xe đêm từ Nghệ An, khi chị Ánh tới Hà Nội tham dự Họp báo Hoa hậu Trăng Khuyết, một cuộc thi dành cho phụ nữ khuyết tật trên khắp cả nước. Nếu chỉ ngồi nói chuyện, khó có thể nhận ra chị Ánh với sự tự tin và nụ cười luôn thường trực là một người khuyết tật vận động bẩm sinh, khi hai chân chị vẫn khá yếu sau những cuộc phẫu thuật dài.
“Từ mẫu giáo tới lớp hai, chị cũng vô tư và không nghĩ là bản thân mình kém hơn các bạn. Nhưng từ lúc hết lớp hai, mình bắt đầu tự ti và tủi thân hơn vì cả trường gần như không có ai giống mình. Chị học hết cấp hai thì nghỉ, vì từ lúc lớp hai luôn cần có người chở đi chở về. Lên cấp 3, nhà xa quá và không có ai chở nên chị bắt buộc phải nghỉ. [...] Từ khi nghỉ học, chị chưa khi nào bỏ được sự tự ti của mình khi cứ ở nhà với bốn bức tường, không đi ra ngoài vì ngày đó chưa có xe ba bánh.”
Quãng đường xa khiến chị Ánh phải từ bỏ việc học của mình, cũng đè nặng thêm ở chị sự tự ti. Quãng đường xa nhốt chị trong bốn bức tường, tưởng chừng bảo bọc cơ thể chị, nhưng vô tình giam hãm sự hồn nhiên, vui tươi vốn có. Cũng vì quãng đường xa ấy, khi được hỏi về ước mơ của chị, điều làm chị hạnh phúc nhất thì ước mơ của chị chỉ đơn giản là chiếc xe ba bánh.
Chiếc xe mở ra cho chị một cánh cửa mới, thay đôi chân giúp chị đi tới tới nhiều nơi, gặp và kết nối nhiều hơn với cộng đồng trên khắp cả nước, cũng là công cụ để chị tự mình mưu sinh và nuôi lớn con gái nhỏ.
“Ngày trước chị ước mơ có một chiếc xe ba bánh để tự đi lại tìm một công việc phù hợp. Gia đình chị cũng không có điều kiện lại thêm bệnh tim của chị nên bố chị cản lắm.[...] Nhưng chị muốn bản thân mình tự chủ để kiếm một công việc nuôi cho con.
Thế rồi tự chị vay tiền mua một chiếc xe ba bánh điện cũ, chỉ có hơn 3 triệu thôi để chị đi buôn. Chị buôn từ cái nhỏ, từ bánh đa nhỏ, dần dần thêm nhiều hàng hơn. Khi buôn bán quen dần, chị lại nghĩ chiếc xe ba bánh điện không đi được lâu, chị lại vay tiền để mua một chiếc xe máy ba bánh để đi chợ buôn bán. [...] Từ vốn nhỏ giờ chị cứ làm to dần dần.”
Bằng nghị lực của mình, chị Ánh đã chứng minh với gia đình và bản thân về khả năng tự chủ và vươn lên. Không còn là một người vốn chỉ khép mình trong bốn bức tường, chị phá rào định kiến và tự mình chinh phục những cột mốc mới, từ bắt đầu tham gia các hiệp hội cho người khuyết tật ở địa phương, tới tự mình khám phá những thành phố lớn. Chị vui vẻ và tự hào khi nói rằng bản thân mình cũng là trong cộng đồng người khuyết tật, chị vui lắm khi được mọi người biết tới, khi được lan tỏa và giúp đỡ nhiều hơn cho những người có chung hoàn cảnh như mình.
Cũng chính cộng đồng đã mang đến cho chị Ánh nhiều cơ hội để lan tỏa những điều tích cực hơn, mọi người ‘mách’ chị tham gia cuộc thi Photovoice “Lăng kính sẻ chia” được tổ chức bởi Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), bài dự thi của chị đơn thuần, súc tích, nhưng lại gây ấn tượng mạnh bởi thông điệp trao quyền cho người khuyết tật:
“Trải qua nhiều khóa tập huấn, mình đã tự tin hơn rất nhiều, khẳng định chính bản thân mình sẽ làm được tất cả những gì mà người không khuyết tật làm được. Bình đẳng, tự tin, mình đã có được, mọi khó khăn mình cũng sẽ đều vượt qua. Các bạn người khuyết tật ơi, chúng ta cùng mạnh mẽ và tự tin lên nhé!”
Bên cạnh niềm vui ngoài xã hội, niềm vui trong ngôi nhà nhỏ của chị bình dị mà lớn lao khi có con gái luôn đồng hành và tự hào về mẹ, dù ngoài kia có ai còn định kiến.
“Khi chị hỏi con có khi nào tủi về mẹ không, con bé bảo không, con tự hào về mẹ. Con muốn mẹ sống với con tới lúc con lấy chồng, tới lúc mẹ già đi. Nghe con nói như vậy chị cũng thấy vui.[...] Có con, có xe là hai nguồn động lực to lớn nhất của chị. Giờ chị cũng mong có thể sống với con tới lúc con tốt nghiệp, có việc làm, có gia đình và có hạnh phúc của mình”.
Vượt qua những rào cản về thể chất và cả những rào cản định kiến, chị Ánh và rất nhiều người khuyết tật ngoài kia vẫn tiến bước bằng tất cả ý chí và quyết tâm. Hành trang mang theo mình là chiếc xe, là lòng quyết tâm, sự tự chủ và sự ủng hộ từ gia đình. Họ vẫn đang làm việc theo sức của mình, làm cha mẹ và nuôi dạy con cái, những đứa con đầy tự hào.
Khi được hỏi về mong muốn của mình, cũng như của cộng đồng, chị Ánh chia sẻ:
“Chị mong rằng mọi người đều có thể tự chủ, có được hạnh phúc của mình. Ai mong muốn có xe lăn điện thì có thể có xe lăn điện, dạo phố,… chị mong các bạn có việc làm, hòa đồng với mọi người và đạt được ước mơ của mình. Nhiều bạn muốn được làm mẹ, được lấy chồng, lập gia đình. Chị mong gia đình cũng có thể tôn trọng những quyết định của người khuyết tật. Họ cần động lực từ gia đình, những lời động viên.
Về phần công chúng nói chung, chị mong rằng mỗi người có những suy nghĩ bình đẳng với người khuyết tật, không định kiến rằng họ không thể làm những việc họ thích. Chị mong rằng mỗi người hiểu, thông cảm và chia sẻ với những khó khăn và tạo điều kiện cho người khuyết tật vươn lên”.
Mong ước của chị Ánh cũng là mong ước của rất nhiều người khuyết tật ngoài kia. Những người khuyết tật vận động mong có một chiếc xe, người khiếm thính mong có chiếc máy trợ thính,....
Những tiếp cận toàn diện và bao trùm với người khuyết tật là một phần cần thiết, để người khuyết tật được hòa nhập, tự chủ làm những điều họ mong muốn, dù là làm việc hay làm cha mẹ.
—
Bài viết nằm trong chuỗi bài viết “WeDecide” (tạm dịch: Chúng tôi lựa chọn) của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) nhân Ngày Người Khuyết Tật Việt Nam (18/04). UNFPA ủng hộ quyền tự quyết của mỗi người, bao gồm người khuyết tật và hướng tới một xã hội công bằng, bình đẳng, nơi không người khuyết tật hay nhóm yếu thế nào bị bỏ lại phía sau.
Về sứ mệnh của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc:
UNFPA - Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc là cơ quan Liên Hợp Quốc chuyên trách về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Sứ mệnh của UNFPA là “tạo ra một thế giới nơi việc mang thai được mong muốn, mọi ca sinh nở đều an toàn và tiềm năng của mỗi người trẻ tuổi đều được phát huy.”
Về Chương trình WeDecide của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc:
We Decide là một sáng kiến toàn cầu của UNFPA với sự hỗ trợ từ Chính phủ Tây Ban Nha, nhằm thúc đẩy quyền con người và sự hòa nhập xã hội của phụ nữ và thanh thiếu niên khuyết tật, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và quyền tình dục, cũng như phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Chương trình hướng đến xây dựng một mô hình can thiệp dựa trên quyền con người, phù hợp với các tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế, đồng thời bảo đảm sự tham gia trực tiếp của người khuyết tật trong quá trình thiết kế và triển khai.
Chương trình đặc biệt nhấn mạnh đến phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, những người thường phải đối mặt với nhiều rào cản về tiếp cận dịch vụ y tế, thông tin, giáo dục và sự bảo vệ khỏi bạo lực. Thông qua We Decide, UNFPA hướng đến việc bảo đảm mọi người đều có quyền ra quyết định về cơ thể và cuộc sống của chính mình, không bị phân biệt đối xử và bạo lực.