Go Back Go Back
Go Back Go Back
Go Back Go Back

1,8 Tỷ Thanh, thiếu niên trên toàn cầu giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên toàn thế giới - Công bố báo cáo của UNFPA

1,8 Tỷ Thanh, thiếu niên trên toàn cầu giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên toàn thế giới - Công bố báo cáo của UNFPA

Press Release

1,8 Tỷ Thanh, thiếu niên trên toàn cầu giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên toàn thế giới - Công bố báo cáo của UNFPA

calendar_today 24 April 2016

HÀ NỘI, 19 tháng 11 năm 2014 –  Nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển, với nhóm dân số trẻ đông đảo, sẽ có cơ hội cất cánh nếu các quốc gia đó đầu tư mạnh mẽ vào chất lượng giáo dục, y tế và đảm bảo quyền của mọi thanh, thiếu niên. Đây là nhận định của Báo cáo Tình trạng Dân số thế giới năm 2014, do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Trung ương Đoàn công bố chiều nay tại Hà Nội.

Báo cáo cho thấy thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" - khi mà nhóm dân số trong độ tuổi lao động lớn hơn nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc và ngày càng trẻ hơn sẽ mang lại cơ hội phát triển kinh tế.

Nhưng để có thể tận dụng được tối đa lợi tức từ thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" thì các quốc gia phải đảm bảo nhóm dân số trong độ tuổi lao động được trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức, có cơ hội việc làm và các khả năng có thu nhập khác.

Tiến sỹ Babatunde Osotimehim, Giám đốc điều hành UNFPA phát biểu tại Lễ công bố báo cáo toàn cầu: “1,8 tỷ thanh, thiếu niên ngày hôm nay là cơ hội kinh tế vô cùng lớn lao giúp thay đổi thế giới trong tương lai". Ông cũng nhấn mạnh:  “Thanh niên là những người đổi mới, sáng tạo, xây dựng và lãnh đạo của tương lai. Họ có thể thay đổi tương lai nếu họ có kỹ năng, sức khỏe, được ra quyết định và có được những lựa chọn thực tế trong cuộc sống".

Báo cáo chỉ rõ khi các quốc gia có các chính sách phù hợp và đầu tư đúng đắn vào nguồn nhân lực thì giới trẻ sẽ được trao quyền giúp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và tăng thu nhập bình quân đầu người.

Cứ 10 người trẻ thì có 9 người đang sống tại các quốc gia kém phát triển. Chính vì sự tụt hậu của các dịch vụ xã hội, những quốc gia này đang đối mặt với khó khăn trong việc tận dụng những lợi ích có thể thu được từ lực lượng lao động trẻ với năng suất lao động cao.

Báo cáo của UNFPA cho thấy sự thay đổi nhân khẩu học đang diễn ra tại khoảng 60 quốc gia đang mở ra cửa sổ lợi tức dân số. Lợi tức thu được nhiều hay ít phụ thuộc phần lớn vào cách các quốc gia đầu tư vào những người trẻ tuổi để phát triển tiềm năng của họ như thế nào.

Phát biểu tại Lễ công bố báo cáo tại Hà Nội, Ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nói: “Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ dân số vàng, ghi nhận số lượng thanh, thiếu niên đông đảo nhất trong lịch sử của đất nước. Nhóm dân số trẻ từ 10 đến 24 tuổi chiếm gần 40 phần trăm tổng dân số cả nước. “Thời kỳ Cửa sổ nhân khẩu học" sẽ kéo dài cho đến năm 2040, đây là cơ hội duy nhất trong lịch sử để Việt Nam có thể xây dựng kế hoạch cho thời kỳ chuyển đổi dân số này, tận dụng thời kỳ cơ cấu dân số vàng giúp phát triển kinh tế - xã hội mà một số quốc gia khác ở châu Á đã thành công bằng việc đảm bảo rằng tất cả các nhóm dân số đều được quan tâm, mỗi thanh, thiếu niên đều được giáo dục và hỗ trợ để phát huy hết tiềm năng của mình. Chúng ta không thể để lãng phí cơ hội của thời kỳ dân số vàng này. Đây chính là lúc chúng ta cần phải đầu tư cho thanh thiếu niên!".

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn,Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam phát biểu: "Dân số vàng chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của đất nước, vì vậy chúng ta cần tận dụng cơ hội này để đất nước tận dụng tối đa lợi ích của dân số vàng, giúp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước". Ông cũng kêu gọi các cơ quan, các Bộ, Ban ngành của nhà nước tăng cường sự tham gia của thanh, thiếu niên trong việc xây dựng và phân tích các chính sách ảnh hưởng tới thanh, thiếu thiếu niên, đảm bảo rằng các chính sách và dịch vụ được xây dựng  phù hợp và đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số trẻ.

Thanh, thiếu niên là đối tượng chính của chương trình phát triển tương lai. Bảo vệ quyền lợi và đầu tư cho tương lai của giới trẻ bằng cách tăng cường chất lượng giáo dục, việc làm ổn định, kỹ năng sống hiệu quả, được tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, giáo dục giới tính toàn diện chú trọng bình đẳng giới, là điều cần thiết cho sự phát triển của giới trẻ, gia đình và cộng đồng của các em cũng như cả quốc gia. Đầu tư cho thanh, thiếu niên chính là đầu tư cho tương lai của chúng ta.