Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Khởi động dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong triển khai và giám sát các luật và chính sách về phát triển thanh niên toàn diện và sự tham gia của thanh niên”

Bài phát biểu Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Khởi động dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong triển khai và giám sát các luật và chính sách về phát triển thanh niên toàn diện và sự tham gia của thanh niên”

Tuyên bố

Bài phát biểu Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Khởi động dự án “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong triển khai và giám sát các luật và chính sách về phát triển thanh niên toàn diện và sự tham gia của thanh niên”

calendar_today 29 April 2022

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam
Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam

Kính thưa Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ;  

Các đại diện của các cơ quan thực hiện dự án  Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Quốc hội và Đoàn TNCS HCM;

Đại diện của các bộ ban ngành ;  

Các thành viên của Nhóm Tư vấn Thanh niên;

Các cán bộ từ các cơ quan LHQ và Quỹ dân số LHQ;

Các cơ quan truyền thông;

 

Tôi rất vinh dự có mặt tại đây hôm nay để khởi động dự án mới “Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong triển khai và giám sát các luật và chính sách về phát triển thanh niên toàn diện và sự tham gia của thanh niên, bao gồm cả trong thiên tai và dịch bệnh” với tổng kinh phí là 3.170.000 đô la cho 5 năm triển khai dự án từ 2022 đến 2026.  

 

Theo Điều tra dân số và nhà ở 2019, Việt Nam ghi nhận tỷ lệ thanh niên cao nhất trong lịch sử quốc gia, tạo nên tiềm năng lợi tức nhân khẩu học nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam có 20.4 triệu thanh niên, độ tuổi 10 – 24 tuổi, chiếm 21% tổng dân số. Cơ hội về nhân khẩu học, bắt đầu từ năm 2017 dự kiến sẽ kéo dài đến 2041, cho thấy Việt Nam có cơ hội đặc biệt để thúc đẩy phát triển bền vững.

Quỹ Dân số LHQ Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc đầu tư vào vị thanh niên, thanh niên, và thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

 

Kính thưa các vị đại biểu,

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội trong thập kỷ qua, sự bất bình đẳng và những khoảng trống trong tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, cơ hội việc làm và sự tham gia của thanh niên trong phát triển chính sách vẫn cần được thu hẹp. Trẻ em gái dân tộc thiểu số, thanh niên di cư, thanh niên khuyết tật, thanh niên có HIV/AIDS, thanh niên LGBTIQ, và thanh niên mại dâm là những nhóm dễ bị tổn thương nhất đối với các vấn đề về sức khỏe và các nguy cơ khác liên quan đến cuộc sống, và họ đang bị bỏ lại rất xa ở phía sau trong quá trình phát triển đất nước.

Thanh niên có nhu cầu trang bị kỹ năng sống và giáo dục giới tính và tình dục toàn diện một cách hiệu quả và có chiến lược. Theo một khảo sát quốc gia về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (SKSS - SKTD) trong vị thành niên, thanh niên độ tuổi 10 – 24 cho thấy, thanh thiếu niên Việt Nam chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về các vấn đề SKSS - SKTD. Giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính và tình dục toàn diện cho vị thành niên, thanh niên, ngay tại địa phương bao gồm tại các trung tâm đào tạo nghề, cao đẳng và đại học cần sẵn có, và thanh thiếu niên ngoài trường học cần được quan tâm để đảm bảo rằng thanh niên Việt Nam có đầy đủ thông tin và có thể đưa ra những quyết định sáng suốt về sức khỏe và cuộc sống của họ, bao gồm cả thời điểm và đối tượng họ muốn lập gia đình cùng, cũng như  cân bằng những quyết định đó với con đường sự nghiệp và học tập.

Báo cáo về thanh niên Việt Nam được Bộ Nội vụ công bố năm 2019 chỉ ra rằng trao quyền cho thanh niên và sự tham gia của thanh niên trong quá trình ra quyết định còn hạn chế. Chỉ 23.2% thanh niên cho rằng những khuyến nghị của họ được xem xét đầy đủ, và chỉ một nửa trong số họ tin tưởng vào sự tham gia của họ trong hoạch định chính sách.

Thanh niên nói chung, đặc biệt thanh niên khuyết tật, phải đối mặt với những rào cản làm tăng khả năng gặp phải những rủi ro trong thiên tai va dịch bệnh. Người khuyết tật thường bị ảnh hưởng một cách không đồng đều và thường xuyên phải đối mặt với những hạn chế trong đời sống hằng ngày đối với việc tiếp cận  các hỗ trợ và bảo vệ, đặc biệt trong thời điểm thiên tai và dịch bệnh.

Dự án mới của Quỹ Dân số LHQ hỗ trợ Bộ Nội vụ, mà chúng ta khởi động hôm nay, đã được ký kết nhằm xóa bỏ những khoảng trống và tái khẳng định sự cam kết của chúng tôi đối với hỗ trợ Bộ Nội vụ và các cơ quan thực hiện dự án trong việc đảm bảo rằng quyền của thanh niên về phát triển, đặc biệt là tiếp cận tới Giáo dục kỹ năng sống và giáo dục giới tính và tình dục toàn diện, được thực thi. Thông qua dự án này, Quỹ Dân số LHQ, phối hợp với Bộ Nội vụ, và các đối tác quan trọng khác, hướng đến trao quyền và hỗ trợ thanh niên, đặc biệt thanh niên dễ bị tổn thương tham gia có ý nghĩa trong xây dựng và thực thi chính sách, từ đó đóng góp vào các nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững năm 2030.

Có mặt ngày hôm nay tại đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Bộ Nội vụ, đặc biệt là Bộ trưởng, đã có sự lãnh đạo mạnh mẽ để đưa các vấn đề của vị thành niên, thanh niên lên các chương trình nghị sự quốc gia. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến các cơ quan đồng thực hiện dự án, bao gồm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội, Vụ công tác học sinh sinh viên, Tổng cục dạy nghề - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm thanh thiếu niên Trung ương – Đoàn TNCS HCM, và Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo về những nỗ lực không ngừng và sự cam kết thực hiện thành công của dự án mới.

Tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong việc đáp ứng những nhu cầu và quyền của thanh niên Việt Nam một cách hiệu quả và góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Hãy cùng chúng tôi chung tay đưa vị thành niên, thanh niên trở thành trung tâm của sự phát triển quốc gia, và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Cảm ơn sự tham gia của tất cả quý vị!