Go Back Go Back
Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Lễ kỷ niệm ngày quốc tế thanh niên 2017

Bài phát biểu của Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Lễ kỷ niệm ngày quốc tế thanh niên 2017

Statement

Bài phát biểu của Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Lễ kỷ niệm ngày quốc tế thanh niên 2017

calendar_today 11 August 2017

Kính thưa:

Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ;

Ông Nguyễn Phi Long, Bí Thư Trung ương Đoàn Thanh niên , Chủ tịch Hội  Liên hiệp Thanh niên Việt Nam;

Kính thưa các vị khách quý;

Tôi rất vinh dự được đại diện cho các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt nam phát biểu trước quý vị ngày hôm nay trong buổi lễ kỷ niệm ngày Quốc tế thanh niên năm 2017. 

Nhận thức được vai trò quan trọng của thanh niên và vị thành niên, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố chọn ngày 12 tháng 8 hàng năm làm ngày Quốc tế thanh niên kể từ năm 1999. Đây là một cơ hội để chúng ta ghi nhận và lắng nghe những quan điểm và sáng kiến của thanh niên, và để kêu gọi chính phủ các nước tập trung giải quyết các vấn đề liên quan tới thanh niên trên phạm vi toàn thế giới. Ngày Quốc tế thanh niên góp phần giúp chúng ta công nhận vai trò của thanh niên như là tác nhân tạo ra sự thay đổi trên phạm vi toàn cầu đồng thời tin tưởng  rằng họ chính là những nhà lãnh đạo trong tương lai. Ngày Quốc tế thanh niên cũng là cơ hội  để tuyên truyền,  vận động và khuyến khích thanh niên tham gia một cách tích cực hơn trong quá trình phát triển bền vững và ở một phạm vi rộng hơn, tham gia tích cực hơn vào các hoạt động xã hội.  Đây cũng chính là chìa khóa giúp chúng ta tiến tới những mục tiêu của chương trình nghị sự năm 2030 và đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững.

Ngày quốc tế Thanh niên năm nay được Liên hợp quốc tại Việt Nam , Bộ Nội vụ và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ chí Minh phối hợp tổ chức với chủ đề “Trao quyền cho thanh niên vì sự phát triển của đất nước”.  Đây là một ngày kỷ niệm đánh dấu những đóng góp tích cực của thanh niên trong phát triển bền vững, trong sự chuyển mình của đất nước, trong hòa nhập và công bằng xã hội và trong gìn giữ hòa bình bền vững, lâu dài.

Thanh niên và vị thành niên hiện đang chiếm tỷ lệ  cao nhất trong lịch sử dân số từ trước tới nay và thông thường các quốc gia có tỷ lệ dân số thanh niên cao thường là các quốc gia đang phải đương đầu với nhiều thách thức về phát triển. Chính vì lý do đó, chúng ta cần chú ý xem xét và giải quyết các nhu cầu và nguyện vọng của thanh niên khi giải quyết các vấn đề  về phát triển kinh tế xã hội, biến đổi khí hậu, duy trì an ninh và hòa bình – có thể nói đây là một vấn đề dân số hết sức quan trọng.  Hiện nay dân số thanh niên và vị thành niên trong độ tuổi từ 10-24 hiện đang ở mức khoảng 1,79 tỷ người, chiếm 1/4 dân số thế giới.  Mặc dù đôi khi vai trò của thanh niên chưa được chú trọng đúng mức nhưng chúng ta cần phải thừa nhận rằng thanh niên đóng một vai trò hết sức quan trọng và tích cực trong quá trình  thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội, hoà bình và phát triển bền vững.

Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững cam kết thúc đẩy một xã hội hòa bình cho tất cả mọi người đồng thời khẳng định rằng "không thể đạt được phát triển bền vững nếu không đảm bảo hòa bình và an ninh". Mục tiêu Phát triển bền vững số 16 nhấn mạnh – Thúc đẩy xã hội hòa bình và rộng mở làm cơ sở cho phát triển bền vững” – mục tiêu này được đưa ra nhằm đảm bảo rằng việc ra quyết định ở tất cả các cấp phải mang tính ứng phó cao, phải thể hiện được mong muốn của tất cả mọi người, đồng thời có sự tham gia và đại diện của mọi tầng lớp nhân dân. Chương trình hành động vì thanh niên/vị thanh niên do Liên hợp quốc ban hành đã đưa ra một khung chính sách và các hướng dẫn thiết thực nhằm mục đích cải thiện tình hình cho thanh niên đồng thời khuyến khích các chính phủ "đẩy mạnh sự tham gia tích cực của thanh niên trong việc duy trì hòa bình và an ninh".

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng với nhiều lợi tức về nhân khẩu học với tỷ lệ thanh thiếu niên cao nhất trong lịch sử nhân khẩu học của quốc gia. Theo kết quả điều tra về biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thực hiện năm 2015, số lượng dân số thanh niên và vị thành niên dưới 29 tuổi tại thời điểm điều tra là hơn 28 triệu người, chiếm một phần ba tổng dân số của Việt nam. Thời kỳ cửa sổ nhân khẩu học là  một cơ hội duy nhất cho Việt Nam. Việt nam cần xây dựng tốt kế hoạch cho thời kỳ chuyển đổi dân số và tạo điều kiện cho thế hệ lãnh đạo trẻ đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế, môi trường và xã hội và của đất nước.

Việt nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc đẩy mạnh sự tham gia của thanh niên và vị thành niên trong các hoạt động xây dựng khungchính sách cho thanh niên và vị thành niên. Cho phép tôi nhân cơ hội này chuyển lời chúc mừng tới Chính phủ Việt Nam cho những tiến bộ này, đặc biệt xin chúc mừng chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc đưa quốc gia trở thành một nước có thu nhập trung bình và đã nhanh chóng đạt được các mốc kinh tế quan trọng. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng thường đi đôi với những bất bình đẳng về kinh tế xã hội – đây là một vấn đề quan trọng có thể gây tác động tới mức độ tham gia của thanh niên và vị thành niên.  Khi thanh niên và vị thành niên càng có trình độ học vấn cao hơn, họ sẽ càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề chính trị xã hội, sẽ có nhiều khả năng trở thành các thành viên tham gia tích cực hơn trong các cơ quan/tổ chức và mức độ tự nguyện đóng góp cũng sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, việc các nhà hoạch định chính sách và bản thân thanh niên/vị thành niên chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc trao quyền cho thanh niên/vị thành niên đã tạo ra những rào cản sự tham gia của thanh niên. Hiện vẫn còn nhiều khoảng trống giữa chính sách và nhu cầu thực tiễn của thanh niên . Chính những khoảng trống này đã và đang tạo ra những rào cản khiến thanh niên và vị thành niên chưa phát huy được hết tiềm năng của mình để cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Sự tham gia của thanh niên ở Việt Nam thường được đồng nghĩa với khái niệm thanh niên tình nguyện – vì thế sự tham gia của thanh niên trong xây dựng và phát triển chính sách còn hạn chế. Kết quả của Báo cáo Thanh niên Quốc gia năm 2015 do Bộ Nội vụ và UNFPA phát hành cho thấy: tỷ lệ thanh niên/vị thành niên đã từng tham gia vào bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình xây dựng chính sách chưa đạt tới 15%. Một phần nguyên nhân là do các nhà hoạch định chính sách và những người có vai trò ra quyết định chưa được tham mưu đầy đủ. Một phần nguyên nhân khác là do hiện có quá ít các thông tin về các vấn đề liên quan tới thanh niên/vị thành niên. Ngoài ra bản thân thanh niên và vị thành niên chưa trang bị được cho mình những kỹ năng vận động truyền thông cần thiết.

Liên hợp quốc đã nhất trí thực hiện một cam kết hợp tác lâu dài với chính phủ Việt nam. Tôi rất vui mừng được thông báo với quý vị rằng trong khuôn khổ Một kế hoạch chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 mà tôi mới tham gia ký kết với Chính phủ Việt Nam vào tháng trước,  chúng tôi đã thống nhất thành lập Nhóm chuyên đề về Thanh niên và vị thành niên của LHQ. Chúng tôi hy vọng rằng việc thành lập nhóm chuyên đề về thanh niên và vị thành niên sẽ góp phần củng cố vai trò tiên phong của Liên hợp quốc trong hoạt động hỗ trợ công tác thanh niên cho Việt nam đồng thời tập trung nhiều hơn vào các cách thức tiếp cận mang tính tham gia để thanh niên và vị thành niên Việt nam có nhiều cơ hội tiếp cận với các giai đoạn khác nhau trong quá trình xây dựng chính sách. Đây cũng chính là cơ sở cần thiết để giúp thanh niên và vị thành niên có thể tham gia tích cực hơn nữa vào các quá trình phát triển kinh tế, môi trường và xã hội. Với vai trò  lãnh đạo nhóm chuyên đề về  thanh niên và Vị thành niên, UNFPA sẽ tập hợp 10 cơ quan khác nhau của Liên hợp quốc với những kinh nghiệp quốc tế   đa dạng và mạng lưới toàn cầu để có thể hỗ trợ Việt nam thực hiện công tác phát triển thanh niên một cách có hiệu quả.

Ngày Quốc tế Thanh niên  nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc trao quyền cho thanh niên và vị thành niên vì mỗi người trong số họ đều có những vai trò quan trọng, đều có sự năng động và  những phẩm chất đặc biệt. Với tư cách là những thành viên trong xã hội có thể tạo ra những tác động tới các quyết định và chính sách giành cho chính mình, thanh niên và vị thành niên có thể tạo ra những đóng góp đáng kể tới sự phát triển kinh tế, môi trường và xã hội của Việt nam. Lễ kỷ niệm ngày hôm nay nhắc nhở chúng rằng chúng ta cần coi thanh niên và vị thành niên là các đối tác trong quá trình đạt được sự phát triển bền vững chứ không chỉ đơn thuần coi họ là mục tiêu hoặc những người được thụ hưởng từ những nỗ lực mà chúng ta đang thực hiện.

Cho phép tôi được chia sẻ thêm đôi điều với các bạn thanh niên và vị thành niên Việt nam.

Thưa các bạn thanh niên và vị thành niên, các bạn chính là những người chủ tương lai của thế giới. Các bạn sẽ là những thế hệ đầu tiên trong lịch sử thế giới được trải nghiệm một thế giới hầu như không có đói nghèo. Các bạn thật may mắn khi là những thanh niên và vị thành niên trưởng thành trong thời đại toàn cầu mà trong đó những người trẻ tuổi như các bạn có nhiều cơ hội và phương tiện để công khai nói lên ý kiến của mình và tiếng nói của các bạn sẽ được người khác lắng nghe. Có thể các bạn chưa nghĩ tới điều này nhưng chính các bạn sẽ có trách nhiệm tìm ra các giải pháp hòa bình để giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường trước mắt, đồng thời đảm bảo tôn trọng các quyền tự do cơ bản và nguyên tắc bình đẳng cho tất cả mọi người. Cho phép tôi nhân cơ hội này được gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới mỗi người trong số các bạn. Chúc tất cả các bạn một tương lai tươi đẹp.

Chúc quí vị mạnh khỏe và chúc cho ngày quốc tế thanh niên thành công tốt đẹp. Xin cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị.