Go Back Go Back
Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, tại Lễ kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 2017

Bài phát biểu của Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, tại Lễ kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 2017

Statement

Bài phát biểu của Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, tại Lễ kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 2017

calendar_today 11 July 2017

Kính thưa:
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Nước cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế;

Ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao;

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình;

Bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy sỹ ;

Bà Jehanne Roccas, Đại sứ Vương quốc Bỉ;

Bà Maria Jesus Figa Lopez-Palop, Đại sứ Tây Ban Nha;

Bà S. Hasanthi Urugodawatte Dissanayake, Đại sứ Sri Lanka;

Ông Doron Lebovich, Phó trưởng phái đoàn, Sứ quán Israel;

Kính thưa các vị khách quí,

Thay mặt các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, tôi rất hân hạnh được có mặt tại đây ngày hôm nay cùng quý vị tham dự buổi lễ kỷ niệm 40 năm hợp tác giữa Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Chính phủ Việt Nam, đồng thời cũng là buổi lễ kỷ niệm ngày Dân số thế giới  năm nay.

Trước hết cho phép tôi chúc mừng UNFPA và Chính phủ Việt Nam về sự hợp tác lâu bền và thành công suốt từ năm 1977. UNFPA đã cùng chung sức  với các cơ quan khác của Liên hợp quốc thực hiện hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện thành công ba Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là xóa bỏ đói nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học và bình đẳng giới. Trong quá trình thực hiện các mục tiêu này, sự đóng góp của UNFPA đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mạnh tiếp cận phổ cập với các thông tin và dịch vụ có chất lượng về chăm sóc Sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục với sự chú trọng đặc biệt tới các nhóm dân số có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra UNFPA đã hỗ trợ thành công chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết bạo lực giới và mất cân bằng giới tính khi sinh, xây dựng hai bộ Luật quan trọng về Bình đẳng giới và Phòng chống bạo lực gia đình, cùng với rất nhiều các Luật khác. Hiện nay, UNFPA đang hỗ trợ Chính phủ xây dựng Luật Dân số trên cơ sở đảm bảo quyền con người và áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời nhằm giải quyết các thách thức mới nổi về nhân khẩu học và phát triển. Trong hai năm tới, Liên hợp quốc tại Việt Nam sẽ tích cực ủng hộ UNFPA với tư cách là cơ quan đầu mối tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ chính phủ Việt Nam thực hiện cuộc Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019. Tổng điều tra Dân số và Nhà ở được thực hiện với chu kỳ 10 năm một lần và đây là lần thứ năm UNFPA thực hiện hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ Việt nam thực hiện Tổng điều tra này.

Kính thưa quý vị đại biểu

Ngày 11 tháng 7 hàng năm được lựa chọn làm ngày Dân số Thế giới từ năm 1989 – đây là một cột mốc đánh dấu thời điểm dân số thế giới đạt 5 tỷ người. Ngày dân số Thế giới là ngày hướng sự chú ý của chúng ta vào các vấn đề dân số quan trọng và cấp bách, bao gồm tác động của sự thay đổi mức sinh và tuổi thọ trung bình trên toàn cầu, vấn đề già hóa dân số. Ngày dân số Thế giới năm nay được mang chủ đề: “Kế hoạch hóa gia đình - Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”. Chủ đề này được  Liên hợp quốc lựa chọn nhằm mục đích đẩy mạnh việc tiếp cận với các dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình an toàn và tự nguyện – đây chính là quyền con người cơ bản. Đây cũng chính là vấn đề có vị trí trung tâm trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đồng thời cũng là một yếu tố then chốt trong xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, khoảng 214 triệu phụ nữ sinh sống tại các quốc gia đang phát triển hoặc các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp hiện đang có nhu cầu thánh thai nhưng chưa được sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình an toàn và hiệu quả do nhiều nguyên nhân, từ việc chưa được tiếp cận với các thông tin và dịch vụ, đến việc thiếu sự hỗ trợ từ phía người chồng/bạn trai, chính phủ và cộng đồng. Phần lớn số phụ nữ có nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng này hiện đang sinh sống tại các quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Đầu tư để đảm bảo các biện pháp kế hoạch hóa gia đình sẵn có sẽ mang lại những lợi ích về kinh tế và các lợi ích khác mà có thể thúc đẩy quá trình phát triển.

Đầu tư vào công tác kế hoạch hóa gia đình chính là đầu tư nhằm cải thiện sức khoẻ và thực hiện các quyền của phụ nữ và các cặp vợ chồng trên toàn thế giới. Những sự đầu tư này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế và các lợi ích khác có thể thúc đẩy quá trình phát triển và vì vậy đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự thành công của Chương trình nghị sự Vì sự phát triển bền vững 2030 cùng với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Tôi rất vui mừng vừa mới được tham gia buổi lễ khởi động chính thức Kế hoạch Hành động Quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Đây là một động thái đánh dấu một cột mốc quan trọng về sự tham gia tích cực của Việt Nam vào quá trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 trên toàn cầu đồng thời thể hiện cam kết của Việt nam trong việc thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững. Buổi lễ này diễn ra rất đúng thời điểm bởi vì đã được tổ chức đúng 10 ngày trước khi diễn ra Diễn đàn Chính trị Cấp cao về các mục tiêu Phát triển bền vững do Liên hợp quốc tổ chức tại New York, mà tôi cũng tham dự. Việt Nam cũng sẽ đồng chủ trì sự kiện bên lề về trao đổi đối tác cấp cao với Bangladesh, Italy, Zimbabwe và UNDP vào ngày 17 tháng 7 tại New York với chủ đề “Vai trò của công nghệ thông tin trong xóa bỏ đói nghèo và thúc đẩy sự thịnh vượng trong một thế giới đang thay đổi”.

Trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Quốc gia, Bộ Y tế sẽ đóng vai trò là cơ quan đầu mối hướng dẫn việc thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 3 - đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho người dân ở tất cả mọi lứa tuổi. Từ nay tới năm 2030, chính phủ Việt nam đặt mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ tử vong mẹ - xuống dưới 45/100.000 trẻ đẻ sống, giảm tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi xuống dưới 10/10.000 trẻ đẻ sống và giảm tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 15/1.000 trẻ đẻ sống. Tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc của Việt nam năm 2014 là 60/100.000 trẻ đẻ sống – đây là một con số không quá xa với mục tiêu được đưa ra trong mục tiêu về Phát triển bền vững (45/100.000 trẻ đẻ sống). Hiện nay hầu hết phụ nữ đều đã tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc trước sinh, chăm sóc sau sinh và đều thực hiện các ca sinh tại bệnh viện. Liên hợp quốc cam kết sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Việt nam hoàn thành các mục tiêu Phát triển bền vững - các mục tiêu toàn diện, gắn kết, mang tính chất toàn cầu, và xuyên suốt tất cả các khía cạnh của phát triển bền vững.

Ngày Dân số Thế giới sẽ giúp chúng ta chú trọng hơn tới tầm quan trọng của việc tiếp cận được với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình an toàn và tự nguyện, một quyền cơ bản của con người và là trung tâm để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Nhân cơ hội này, tôi xin được chúc tất cả các quý vị có một lễ kỷ niệm Ngày Dân số thế giới thành công và vui vẻ.

Xin chân thành cảm ơn sự theo dõi của quý vị.