Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Ông Lê Bạch Dương, Trợ lý trưởng đại diện UNFPA tại Lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018

Bài phát biểu của Ông Lê Bạch Dương, Trợ lý trưởng đại diện UNFPA tại Lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018

Tuyên bố

Bài phát biểu của Ông Lê Bạch Dương, Trợ lý trưởng đại diện UNFPA tại Lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018

calendar_today 14 November 2018

Kính thưa quý vị đại biểu;

Thay mặt cho Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, tôi rất vui mừng được có mặt tại Lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018. Trước tiên, tôi xin cảm ơn Bộ LĐTBXH, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cần Thơ, và sở LĐTBXH tỉnh Cần Thơ đã phối hợp tổ chức sự kiện vô cùng ý nghĩa này.

Như quý vị đã biết, kể từ năm 2013, UNFPA đã liên tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, các tổ chức quần chúng và xã hội dân sự tổ chức các Chiến dịch truyền thông cấp quốc gia về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái vào tháng 11-12 hàng năm nhằm hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo với phụ nữ và trẻ em gái (25/11) và 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25/11 – 10/12). Kết quả to lớn và tác động của những chiến dịch này đã góp phần đáng kể vào công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.

Năm 2016 Chính phủ Việt Nam đã công nhận tháng 11 hàng năm là Tháng hành động về Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới. Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp, Bộ LĐTBXH tổ chức triển khai tháng hành động. Việc này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, các bộ ban ngành đoàn thể trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái được sống một cuộc sống không có bạo lực.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Mặc dù địa vị kinh tế - xã hội của phụ nữ đã có những cải thiện đáng kể nhưng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trên khắp thế giới, đăc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục là một trong những hành vi vi phạm quyền con người còn lan tràn trên thế giới, là một trong những loại hình tội ác ít bị truy tố nhất, và một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và sự phát triển lâu dài.

Chúng ta đều biết rằng còn rất nhiều việc cần phải làm nhằm đáp ứng những lời kêu cứu công lý của phụ nữ và trẻ em, những nạn nhân bị bạo lực.

Trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người là nạn nhân của bạo lực.

Tại Việt Nam:

  •     Theo Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình được tiến hành năm 2010 bởi Tổng cục Thống Kê, 58% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể chất, tình dục và tinh thần do người thân gây ra, ở một thời điểm nào đó trong đời.
  •     87% phụ nữ là nạn nhân bạo lực cho biết họ không tìm kiếm sự giúp đỡ do thiếu các dịch vụ sẵn có, hoặc không nói ra do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và tiếp tục bị quấy rối.
  •     Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gây ra vô vàn chi phí cho các cộng đồng, quốc gia và xã hội.  Chi phí bạo lực gia đình chiếm 3,2 % GDP của Việt Nam vào năm 2010.

Trong năm tới, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại (Úc – DFAT), UNFPA phối hợp với Bộ LĐTBXH và Tổng cục Thống Kê sẽ cập nhật những con số này cũng như mở rộng phạm vi điều tra.

Kính thưa quý vị đại biểu,

UNFPA tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), đặc biệt là Mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và các chỉ tiêu về chấm dứt phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở cả nơi riêng tư và nơi công cộng.

Chúng tôi khuyến nghị mạnh mẽ tới chính phủ Việt Nam là cần nắm bắt thời điểm của tháng hành động quốc gia này để thực hiện đầu tư dài hạn vào các lĩnh vực chủ yếu sau đây để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái:

  • Cải thiện luật pháp và các chính sách hiện hành, đặc biệt là chỉnh sửa Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đinh, đảm bảo các trường hợp bạo lực được xem xét một cách toàn diện và việc thực thi pháp luật được chính xác giúp đảm bảo công bằng cho     nạn nhân.
  • Thiết lập các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu có chất lượng với nạn nhân bị bạo lực giới bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, an toàn, trợ giúp pháp lý và các hệ thống chuyển tuyến sẵn có và dễ tiếp cận với nạn nhân.
  • Xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành tham gia tổ chức, thực hiện các hỗ trợ nạn nhân là điều cần thiết nhằm đảm bảo các dịch vụ hỗ trợ đạt được hiệu quả tối đa, giảm thiểu các tác động do hậu quả của bạo lực gây ra
  • Cần thay đổi tư duy và thái độ của người dân về bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực tình dục, bao gồm quấy rối tình dục. Nam giới cần phải nhận ra rằng phụ nữ bình đẳng với họ, và tôn trọng quyền của phụ nữ để phụ nữ và trẻ em gái được an toàn trong bất kỳ môi trường ở nhà, nơi làm việc hay ở nơi công cộng.
  • Tăng cường công tác truyền thông, vận động sự tham gia của nam giới và trẻ em trai, xây dựng mô hình nam giới tích cực và khuyến khích để ủng hộ cho sự thay đổi xã hội đồng thời khuyến khích nạn nhân lên tiếng về vần đề của mình để tìm kiếm các hỗ trợ.
  • Tăng cường nguồn đầu tư cho các hoạt động giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Ngày 25 tháng 11 hàng năm đánh dấu kỷ niệm Ngày Quốc tế xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ, với chuỗi 16 ngày hành  động nhằm nâng cao nhận thức chống bạo lực trên cơ sở giới. Chủ đề toàn cầu năm 2018 là “Sắc cam thế giới, lắng nghe hành động”.

Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để phát động tháng hành động và chiến dịch chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chiến dịch này sẽ không hiệu quả nếu chúng ta không có sự tham gia tích cực của nam giới và trẻ em trai tại Việt Nam. Tôi hy vọng rằng tất cả trẻ em trai và nam giới ở Việt Nam sẽ đứng lên để giải quyết sự bất bình đẳng, bất công và bạo lực đối với trẻ em gái và phụ nữ.

Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ là một vấn đề cần phải được ưu tiên đối với mỗi người nam giới và phụ nữ.

Từ ngày hôm nay cho đến ngày 15/12, chúng ta sẽ đưa chiến dịch đến các trường học, sân vận động bóng đá, các trường đại học, các tỉnh thành và thông qua các phương tiện truyền thông.

Để các Mục tiêu phát triển bền vững có thể tạo ra tác động tích cực và có ý nghĩa, chúng ta cần phải hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Cùng nhau, chúng ta có thể biến Việt Nam trở thành một nơi an toàn hơn và công bằng hơn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Cám ơn quý vị đã lắng nghe và xin chúc sự kiện và chiến dịch của chúng ta thành công rực rỡ.