Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Ông Lê Bạch Dương, Trợ lý trưởng đại diện UNFPA tại triển lãm nghệ thuật "Phơi những vết thương hở miệng"

Bài phát biểu của Ông Lê Bạch Dương, Trợ lý trưởng đại diện UNFPA tại triển lãm nghệ thuật "Phơi những vết thương hở miệng"

Tuyên bố

Bài phát biểu của Ông Lê Bạch Dương, Trợ lý trưởng đại diện UNFPA tại triển lãm nghệ thuật "Phơi những vết thương hở miệng"

calendar_today 17 December 2018

Kính thưa quý vị đại biểu,

Thay mặt cho Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, tôi rất vui mừng được có mặt tại Triển lãm đặc biệt này, triển lãm "Phơi những vết thương hở miệng". Trước tiên, tôi xin cảm ơn CSAGA vì những nỗ lực và hợp tác hiệu quả trong việc phối hợp với UNFPA thực hiện các hoạt động trong chương trình phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái và tổ chức Triển lãm có ý nghĩa này.

Chúng tôi xin đặc biệt cảm ơn KOICA đã tài trợ cho các hoạt động của dự án hợp tác giữa UNFPA và CSAGA trong đó có sự kiện triển lãm ngày hôm nay.

Chúng tôi xin cảm ơn 17 tác giả, những người cũng là nạn nhân bị bạo lực đã chia sẻ những câu chuyện hết sức xúc động và các chuyên gia nghệ thuật đã cùng với các nạn nhân hoàn thành các tác phẩm nghệ thuật trưng bày trong triển lãm.

Như quý vị đã biết, triển lãm này là một trong số các sự kiện của chiến dịch truyền thông của Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới,  đồng thời  kỷ niệm Ngày Quốc tế về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và 16 ngày hành động chống lại bạo lực giới. Ngày Quốc tế  xóa bỏ bạo lực và 16 ngày tiếp theo được kỷ niệm mỗi năm, trên khắp thế giới để đánh dấu quyền cơ bản của mỗi mỗi phụ nữ và trẻ em gái về một cuộc sống không có bạo lực.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Mọi người đều có quyền sống không bị bạo lực. Đó là quyền cơ bản - quyền được ghi trong luật nhân quyền quốc tế.

Nghiên cứu trên thế giới cho biết tại một số quốc gia cứ bốn phụ nữ thì có một người bị bạo lực tình dục và một phần ba các em nữ ở độ tuổi vị thành niên chia sẻ lần đầu tiên quan hệ tình dục của họ là do bị cưỡng ép. 

Tại Việt Nam theo Điều tra quốc gia về Bạo lực gia đình với phụ nữ năm 2010, 58% phụ nữ kết hôn đã từng bị bạo hành trong đời. Tuy nhiên, 50% phụ nữ bị bạo lực không nói với bất kỳ ai. 10% cho biết họ đã bị ép buộc tình dục bởi chồng của mình.

Kết quả điều tra năm 2016 của Bộ LĐTBXH và Tổ chức ActionAid tại năm tỉnh và thành phố cho thấy 51% phụ nữ thừa nhận rằng họ đã từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần.

Hiện nay, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), UNFPA phối hợp với Bộ LĐTBXH và Tổng cục Thống Kê đang cập nhật những con số này cũng như mở rộng phạm vi điều tra so với lần điều tra thứ nhất. Các kết quả này sẽ là cơ sở để xây dựng các can thiệp cũng như hoàn thiện các luật, chính sách một cách toàn diện hơn trong công tác phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Trong triển lãm này, những cuốn sách, bức ảnh, video, vật dụng trong đời sống thường ngày sẽ kể với quý vị những câu chuyện có thật, những trải nghiệm của chính những người trong cuộc, những người phải chịu bạo lực có thể từ rất lâu hoặc mới trong ngày hôm qua nhưng chưa có cơ hội chia sẻ trước triển lãm này bởi vì bạo lực và quấy rối tình dục vẫn thường được coi là chủ đề quá nhạy cảm để nói với người khác hay đem ra thảo luận trước công chúng.

Kính thưa quý vị đại biểu,

 

Chúng ta sẽ được chứng kiến những giọt nước mắt, những nỗi đau nhưng cũng sẽ cảm nhận được sức mạnh nội tại của những người phụ nữ này để dũng cảm vươn lên, vượt qua cơn bão để đi tìm ánh sáng cho cuộc đời sau khoảng thời gian khó khăn, bị bạo lực, và chìm trong những nỗi đau cả thể xác và tinh thần.

 

Chính các chị đã sẽ là động lực mạnh mẽ, và truyền cảm hứng cho những phụ nữ khác hiện vẫn đang chịu bạo lực có thể phá vỡ sự im lặng, lên tiếng để nhận được sự đồng cảm và hỗ trợ của cộng đồng và những bên liên quan. 

 

Chúng ta cần tạo ra một môi trường thuận lợi để nạn nhân của bạo lực giới có thể lên tiếng bằng cách đối diện với các chuẩn mực văn hoá xuất phát từ tư tưởng gia trưởng tạo ra những định kiến giới và đảm bảo nạn nhân bạo lực giới có thể tiếp cận được các dịch vụ thiết yếu có chất lượng cũng như được luật pháp bảo vệ một cách đầy đủ, kịp thời và giảm thiểu tối đa những tác động do bạo lực gây ra thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành hỗ trợ dịch vụ cho nạn nhân. 

 

Thưa các quý vị,

Một lần nữa, tôi xin chân thành cám ơn KOICA và CSAGA đã cùng tổ chức triển lãm này và cùng UNFPA đấu tranh chống bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái trong những năm qua.

Tôi hy vọng rằng triển lãm này sẽ nâng cao hiểu biết của tất cả mọi người và cho chúng ta thấy bức tranh hiện thực về vấn đề này để cùng có cam kết đóng góp cho việc chấm dứt bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.

 

Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ cần phải là ưu tiên với mỗi người, cả nam và nữ.

Hãy lên tiếng khi bị bạo lực!

 

Đó là thông điệp mà tất cả chúng ta đã nhìn thấy trên các phương tiện thông tin trong những tuần qua. Điều đó khẳng định nếu chúng ta mạnh dạn chia sẻ và thực hiện các can thiệp với vấn đề bạo lực, đặc biệt với phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta sẽ bảo vệ được những phụ nữ và trẻ em gái và cả một thế hệ tương lai.

 

Tôi hy vọng với sự tham gia đồng bộ, cùng vào cuộc một cách chủ động, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái và nam giới trong việc giải quyết những thách thức phía trước trong công tác phòng chống và ứng phó với BLTCS giới và đặc biệt là bạo lực tình dục, chúng ta sẽ  hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, bền vững và an toàn cho tất cả mọi người, nơi không có phụ nữ phải sống trong sợ hãi, nơi mà tất cả phụ nữ đều được đối xử bình đẳng và tôn trọng.

Xin cảm ơn toàn thể quý vị đã chú ý lắng nghe và tôi xin chúc triển lãm của chúng ta sẽ thu được những kết quả tốt đẹp. Chúc toàn thể quý vị sức khỏe và hạnh phúc.