Kính thưa Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế;
Kính thưa Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ;
Kính thưa đại biểu từ các tỉnh, đại diện các Sứ quán, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự, các đồng nghiệp từ các tổ chức Liên hợp quốc và đại diện các cơ quan truyền thông;
Kính thưa các vị khách quý.
Xin kính chào tất cả các quý vị. Tôi rất hân hạnh được có mặt tại đây ngày hôm nay trong Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu đánh giá chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) của Việt Nam.
Trước hết cho phép tôi được thay mặt Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Bộ Y tế đã đồng tổ chức hội thảo quan trọng này. Tôi cũng xin đặc biệt cảm ơn Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Viết Tiến đã có một bài phát biểu khai mạc mang lại cho chúng ta thật nhiều cảm hứng.
Báo cáo nghiên cứu được công bố ngày hôm nay do Bộ Y tế xây dựng, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ UNFPA. Tôi muốn nhân cơ hội này gửi lời cảm ơn tới nhóm nghiên cứu, đặc biệt là Tiến sĩ Abul Barkat, Tiến sĩ Avijit Poddar (HDRC), và Tiến sỹ Trần Tuấn và bà Trần Thu Hà (RTCCD) đã có những đóng góp quan trọng cho tất cả các giai đoạn của nghiên cứu. Tôi cũng xin được cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Tổng cục Dân số và Kế hoạch gia đình, đặc biệt là ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng và các chuyên gia của Bộ Y tế trong quá trình thực hiện thực hiện nghiên cứu này.
Và cũng nhân cơ hội này, tôi xin được gửi lời cảm ơn tới tất cả những người đã tham gia vào quá trình nghiên cứu đã dành thời gian và công sức để có thể thu thấp các số liệu thực sự có chất lượng.
Kính thưa các vị khách quý.
Việt Nam cũng như trên toàn thế giới hiện đang bước vào giai đoạn thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững với mong muốn đạt được 17 Mục tiêu Phát triển bền vững. Những mục tiêu này tập trung vào việc tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người dân đồng thời đảm bảo rằng không một ai bị bỏ lại phía sau.
Đây cũng là thời điểm mà UNFPA đang thực hiện Kế hoạch Chiến lược với mong muốn hoàn thành ba mục tiêu mang tính thay đổi cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và cho toàn thế giới. Ba mục tiêu mang tính thay đổi này bao gồm:
- Không có tử vong mẹ
- Mọi nhu cầu về Kế hoạch hóa gia đình đều được đáp ứng
- Không có bạo lực giới và các hành vi có hại liên quan tới bạo lực giới.
Ba mục tiêu này được đưa vào trong Chương trình nghị sự 2030 đồng thời cũng được thể hiện rõ trong Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển được tổ chức năm 1994 – tài liệu này hiện vẫn đang tiếp tục là kim chỉ nam cho các công việc và hoạt động mà chúng ta đang thực hiện và có thể nói các nội dung này càng trở nên thiết thực với chúng ta hơn bao giờ hết.
Hiện nay có khoảng 214 triệu phụ nữ có nhu cầu tránh thai hoặc trì hoãn việc sinh con nhưng chưa tiếp cận được với các dịch vụ và hàng hóa/dụng cụ có chất lượng – bao gồm cà các biện pháp tránh thai hiện đại. Trong số các phụ nữ có nhu cầu chưa được đáp ứng này, có 6,3 triệu là trẻ em gái vị thành niên có quan hệ tình dục hiện đang sinh sống tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đây là một vấn đề đặc biệt cấp bách vì vấn đề này có liên quan trực tiếp tới các ca nạo phá thai không an toàn ở nữ thanh niên và vị thành niên. Hàng năm ước tính con số này trong khu vực lên tới 3,6 triệu ca.
Và chúng ta cũng chứng kiến hàng triệu ca nhiễm mới các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Những căn bệnh này gây ra những tổn hại sâu sắc đến sức khoẻ và tính mạng của trẻ em, của thanh niên và vị thành niên. Một số ví dụ về những tác động có hại này bao gồm: tử vong chu sinh, tử vong sơ sinh, ung thư cổ tử cung; vô sinh, các nguy cơ lây nhiễm HIV, các hậu quả về thể chất, tâm lý và xã hội vv. – những hậu quả này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của những người bị nhiễm bệnh.
Kính thưa các quý vị đại biểu.
Trong bốn thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Tổng tỷ suất sinh đã giảm, từ mức mỗi cặp vợ chồng có tới 5 con vào những năm 1970, đến nay tỉ lệ này đã ở mức sinh thay thế là 2.09 con tại thời điểm 2016. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37 phần trăm trong năm 1988 lên 67 phần trăm trong năm 2016. Các chỉ số sức khỏe như tử vong mẹ đã giảm từ 233/100.000 vào những năm 1990 xuống đến 69/100.000 năm 2009, và hiện đã giảm xuống 58.3/100.000 vào năm 2015.
Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai chung là khá cao, ở mức 80,5%, cao nhất ở khu vực Đông Nam Bộ (83,4%) và thấp nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng (75,1%). Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở khu vực Đông Nam bộ cao nhất và có liên quan với tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống cao nhất ở khu vực này (27,2%). Ngược lại, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai thấp nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và điều này có liên quan với tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống thấp nhất ở khu vực này (10,5%). Các kết quả này cho thấy một số người dân vẫn thực hành các biện pháp tránh thai truyền thống và ít sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Vì vậy cần phải tìm ra các biện pháp khuyến khích những người hiện đang sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống chuyển sang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Trước khi nhường lời cho các đồng nghiệp của tôi trình bày những phát hiện chính của báo cáo nghiên cứu này, tôi muốn nhấn mạnh với quý vị một vài thông điệp chính đồng thời đề cập tới một số lời kêu gọi hành động được nhấn mạnh trong báo cáo:
Thứ nhất, vì chủ yếu các biện pháp tránh thai vẫn là các biện pháp tránh thai dành cho phụ nữ, do vậy chúng ta nên tổ chức các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi mạnh mẽ để khuyến khích nam giới tham gia vào kế hoạch hóa gia đình để tăng cường việc sử dụng các biện pháp tránh thai dành cho nam giới như bao cao su nam.
Thứ hai, do tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống còn cao và tỷ lệ thất bại cũng lớn, nên Tổng cục DS-KHHGĐ cần xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả để giảm thiểu sử dụng phương pháp truyền thống và tăng cường sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Bộ. Để tiếp tục mở rộng phạm vi lựa chọn của khách hàng, các trung tâm tư vấn cần cung cấp thêm thông tin về các khía cạnh khác nhau của dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (thí dụ như lợi ích và các tác dụng bất lợi, tác dụng phụ, hướng dẫn sử dụng đúng phương pháp, vv) cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng mới và những khách hàng muốn đổi biện pháp tránh thai khác.
Cuối cùng, với vai trò quan trọng của các cộng tác viên dân số trong việc cung cấp các phương pháp tránh thai phi lâm sàng (với tỷ lệ ngưng rất cao), Tổng cục DS-KHHGĐ cần xây dựng các hướng dẫn quốc gia về giám sát và kỹ thuật cho các nhà cung cấp dịch vụ KHHGĐ.
Kính thưa các vị khách quý.
Tiếp cận KHHGĐ an toàn và tự nguyện là quyền cơ bản của con người. KHHGĐ là trung tâm để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và là yếu tố then chốt giúp giảm nghèo. Thực hiện tốt các quyền về chăm sóc Sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho phụ nữ và thanh niên/vị thành niên có vai trò rất quan trọng trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới tới vào năm 2030. Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất.
UNFPA tại Việt nam cam kết sẽ luôn chung tay hỗ trợ chính phủ và người dân Việt nam để mọi người dân có thể được tiếp cận phổ cập với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe – bao gồm cả các dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD. Cùng với nhau, chúng ta có thể xây dựng một tương lai mà ở đó không có tử vong mẹ, mọi nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình đều được đáp ứng và không có sự tồn tại của bạo lực và các hành vi có hại cho phụ nữ và trẻ em gái. Tương lai đó chúng ta sẽ đạt được giấc mơ và hoài bão và không ai bị bỏ lại phía sau.
Cuối cùng, tôi xin phép được trích dẫn lời nói của Tiến sỹ Babatunde Osotimehin, Cố giám đốc điều hành của UNFPA toàn cầu, như một lời kêu gọi hành động: "Khi mà mỗi cô gái, mỗi phụ nữ và mỗi người dân ở bất cứ đâu còn chưa được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, đặc biệt là KHHGĐ thì công việc của chúng ta vẫn chưa hoàn thành".
Công việc của chúng ta vẫn chưa hoàn thành. Chúng ta chỉ hoàn thành khi chúng ta đáp ứng được tất cả các nhu cầu về KHHGĐ của người dân.
Tôi xin chân thành cảm ơn sự theo dõi và tham gia của quý vị vào buổi lễ công bố ngày hôm nay. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có những thảo luận sôi nổi về những nội dung vừa đề cập ở trên. Xin cảm ơn quí vị.