Kính thưa ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ Trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TBXH;
Kính thưa bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA;
Kính thưa các quý vị đại biểu tới từ Bộ LĐ-TBXH và các bộ, ngành khác có liên quan; đại diện của các tổ chức quốc tế, các Tổ chức xã hội dân sự, các đồng nghiệp tới từ các cơ quan LHQ, và đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí;
Chúc mọi người một buổi sáng tốt lành;
Tôi xin thay mặt cho Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam rất hân hạnh được chào mừng các quý vị đại biểu đến dự buổi hội thảo ngày hôm nay. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới CSAGA vì đã đồng tổ chức hội thảo quan trọng này, và cảm ơn mọi người hôm nay cùng tham gia với chúng tôi để lên tiếng về vấn đề rất mực quan trọng này, cũng như thúc đẩy khả năng tiếp cận công lý cho những nạn nhân bạo lực tình dục. Tôi cũng xin cảm ơn KOICA vì đã góp phần tài trợ cho sự kiện này.
Hội thảo này là một hoạt động trong chuỗi các hoạt động được tổ chức để hưởn ứng Tháng Hành động Quốc gia Việt Nam về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (BLTCSG) và chiến dịch UNiTE toàn cầu của Liên Hiệp Quốc nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ nạn nhân và vận động chính sách theo chủ đề ‘Hãy tô màu cam cho thế giới: Hãy lắng nghe tôi!’ (‘Orange the World: #HearMeToo’.)
Với màu cam là màu của sự đoàn kết, biểu tượng Hãy lắng nghe tối (#HearMeToo) được thiết kế để gửi đi một thông điệp rõ ràng: phải chấm dứt ngay BL với phụ nữ và trẻ em gái, và tất cả chúng ta đều có vai trò của mình trong đó.
Chúng ta cần làm nhiều việc hơn nữa để hỗ trợ nạn nhân và bắt thủ phạm phải chịu trách nhiệm.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái là một vấn nạn toàn cầu, hầu hết nạn nhân là phụ nữ và nguy cơ này là cao hơn đối với nhóm vị thành niên và người trẻ tuổi.
Mặc dù mới có rất ít nghiên cứu được thực hiện về vấn đề này nhưng số liệu đã cho thấy rằng trên toàn thế giới, cứ 4 phụ nữ thì có gần một người lại bị BL tình dục do bạn tình gây ra trong cuộc đời của họ, và có tới một phần ba số trẻ em gái vị thành niên cho biết lần đầu tiên quan hệ tình dục là bị cưỡng ép.
Tại Việt Nam, một cuộc điều tra do Bộ LĐTBXH và tổ chức ActionAid tiến hành năm 2016 tại 5 tỉnh thành phố cho thấy 51% phụ nữ thừa nhận rằng họ đã từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần.
Chủ đề về bạo lực tình dục thường được coi là quá nhạy cảm để đưa ra thảo luận công khai vì mọi người cảm thấy rằng nó có thể tạo ra hậu quả tiêu cực cho các nạn nhân bị bạo lực tình dục và những nạn nhân này thường bị đổ lỗi cho việc họ bị xâm hại. Khi phải đối mặt với xác suất rằng câu chuyện của họ sẽ không được ai tin hay họ sẽ bị quay lưng lại, phụ nữ thường chọn cách giữ im lặng.
Một nghiên cứu thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội năm 2014 cho thấy rằng trong số những người được phỏng vấn từng bị quấy rối tình dục, chỉ có 1,9% cho biết họ sẽ tìm kiếm trợ giúp tư pháp chính thức và trong số tất cả những người ngoài cuộc đã chứng kiến hành vi quấy rối phụ nữ tại không gian công cộng, 65% cho biết sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào. Mọi người vẫn thường cho rằng bạo lực tình dục chỉ xảy ra bên ngoài gia đình và do người lạ gây ra, trong khi trên thực tế thì điều này không đúng. Nhiều phụ nữ không hề an toàn trong căn nhà riêng của họ. Họ bị chồng hiếp dâm hoặc cưỡng bức tình dục. Tuy nhiên, nạn nhân quá sợ hãi không thể nói ra.
Việt Nam đã bắt đầu công nhận sự cần thiết phải phòng ngừa và ứng phó với các hình thức bạo lực tình dục đối với phụ nữ. Bộ luật Lao động sửa đổi (2012) có quy định cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc, và Luật Giáo dục (2009) có quy định về danh dự và nhân phẩm và cấm những hành vi như xâm hại, bao gồm xâm hại thân thể tại các cơ sở giáo dục. Luật Thanh niên có một câu nói về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tình trạng bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định này cũng như các nỗ lực giám sát cần phải được tăng cường.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Trong khi chúng ta cần giải quyết vấn đề bạo lực tình dục trên nhiều mặt trận, tôi xin nêu bật một số kiến nghị chính như sau:
Đầu tiên, các khung chính sách, pháp luật hiện nay về giải quyết bạo lực tình dục cần được tăng cường hoàn thiện để đảm bảo các trường hợp bạo lực tình dục phải được xử lý nghiêm ngặt, kẻ thủ phạm phải bị trừng phạt, phụ nữ và trẻ em gái cần được an toàn và hỗ trợ;
Thứ hai, chúng ta cần đảm bảo tính sẵn có của các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu dành cho nạn nhân của BLTCSG và thủ phạm nhằm cung cấp sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả. Dịch vụ tư pháp cần phải là một dịch vụ chính yếu. Ngoài ra, chúng ta cần nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp dịch vụ để đảm bảo các dịch vụ hỗ trợ được dựa trên quyền, lấy nạn nhân làm trung tâm và mang tính nhạy cảm về giới.
Thứ ba, cần tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực bình đẳng giới, đặc biệt là những cơ quan chuyên trách giải quyết các vấn đề về BLTCSG, bao gồm bạo lực tình dục nhằm đảm bảo sự hỗ trợ toàn diện và hiệu quả cho nạn nhân bạo lực tình dục.
Thứ tư, cần tạo sự thay đổi trong nhận thức và hành vi của các nhà hoạch định chính sách và công chúng, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai về BLTCSG để tạo ra một môi trường thuận lợi cho nạn nhân có thể lên tiếng và tìm kiếm sự trợ giúp;
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là cần tạo ra các hình mẫu nam giới tích cực để thu hút nam giới và trẻ em trai trong hoạt động chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ. Những đóng góp quan trọng của nam giới cho động lực này bao gồm xem xét lại sức mạnh và hành vi của họ, thách thức những nam giới khác và tạo ra những thay đổi lâu dài.
Thưa các quý vị,
UNFPA và các cơ quan LHQ khác tại Việt Nam đang cùng nhau phối hợp để thực hiện sáng kiến toàn diện, đa bên liên quan, mang tính sáng tạo nhằm chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030, phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Nhân dịp này, tôi kêu gọi chúng ta hãy tăng cường nỗ lực chung nhằm đảm bảo rằng phụ nữ có thể sống một cuộc sống không có bạo lực; được tiếp cận bình đẳng với các cơ hội và nguồn lực; Cùng nhau, chúng ta có thể nỗ lực cùng hướng tới một thế giới nơi cả nam giới và phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái đều có thể tận hưởng cuộc sống với nhân phẩm.
Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ cần phải là ưu tiên đối với mọi nam giới và phụ nữ, chính phủ và các tổ chức.
Cho tới khi nào mà một nửa dân số trên hành tinh này là phụ nữ và trẻ em gái có thể sống mà không sợ hãi, không bị bạo lực và hàng ngày được đảm bảo an toàn thì chúng ta mới có thể thực sự nói rằng chúng ta đang sống trong một thế giới bình đẳng và công bằng.
Xin cảm ơn các quý vị rất nhiều vì đã tới lắng nghe và tham gia hội thảo hôm nay. Chúc các quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công!