Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara tại Hội thảo về các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch 2017-2024

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara tại Hội thảo về các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch 2017-2024

Tin tức

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara tại Hội thảo về các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch 2017-2024

calendar_today 25 September 2020

Kính thưa Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp;
Kính thưa các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia thực hiện Chương trình hành động Đăng ký và Thống kê hộ tịch (CRVS)
Kính thưa các vị khách quý, Đại diện Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Thống kê và các Bộ, Ban, ngành của Chính phủ;
Các đồng nghiệp Liên Hợp Quốc và tổ chức Vital Strategy
Kính thưa quý vị đại biểu,

Tôi rất vinh dự có mặt tại đây ngày hôm nay để tham dự Hội thảo về các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch, giai đoạn 2017-2024. Tôi đánh giá cao sự phối hợp và lãnh đạo của Bộ Tư pháp trong việc điều phối và thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia đầu tiên về đăng ký và thống kê hộ tịch trong ba năm vừa qua. Tôi cũng rất vui mừng khi Bộ Tư pháp, Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê và các cơ quan khác đều đã cam kết thực hiện chương trình này. Tôi xin gửi lời chúc mừng chân thành cho những nỗ lực to lớn của quý vị cho đến nay.

Kính thưa các vị khách quý,

Đăng ký và thống kê hộ tịch, không chỉ đơn thuần là một công việc mang tính kỹ thuật hay thủ tục. Hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch hoạt động tốt là nguồn cung cấp dữ liệu dân số kịp thời, đầy đủ, liên tục và hiệu quả nhất, bao gồm cả các dữ liệu về sinh, tử và nguyên nhân tử vong.

Nếu chúng ta không nắm rõ được có bao nhiêu người sống trong một quốc gia, họ sinh ra khi nào, sống ở đâu, quy mô hộ gia đình của họ như thế nào, cũng như họ qua đời khi nào và tại sao, thì những chủ đề này không thể nhận được sự quan tâm hợp lý của những nhà lập chính sách. Số liệu thống kê hộ tịch chính xác và đầy đủ - trích từ hồ sơ đăng ký hộ tịch - đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng các chính sách quốc gia và địa phương cũng như trong việc đo lường các kết quả phát triển.

Hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch cũng rất quan trọng đối với các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. 15 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sử dụng các chỉ số, được tính từ dữ liệu đăng ký và thống kê hộ tịch chính xác và đầy đủ. Hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch  hoạt động đúng chức năng và hiệu quả cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng  kế hoạch và ra quyết định kinh tế xã hội phù hợp, cho phép chính phủ các nước giám sát các chỉ số quan trọng về nhân khẩu học và sức khỏe, bao gồm cả mức sinh và mức chết, đồng thời phân bổ các nguồn lực và biện pháp hỗ trợ cho các nhóm dân cư gặp nhiều khó khăn nhất.

Kính thưa quý vị đại biểu,

UNFPA và các cơ quan khác của Liên hợp quốc tại Việt Nam đã hỗ trợ quá trình xây dựng Hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch của Việt Nam trong thập kỷ qua theo nhiều cách khác nhau, thông qua hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, cũng như xây dựng các nghị định, thông tư liên quan khác.

Hai tháng trước, một hợp tác mới đã được thiết lập giữa UNFPA Việt Nam và Tổ chức Vital Strategy nhằm cải thiện hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch của Việt Nam. Chương trình này nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng đăng ký khai sinh và khai tử, bao gồm cả nguyên nhân tử vong ở Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường quản trị đăng ký và thống kê hộ tịch, đánh giá hoạt động của hệ thống này, thực hiện các đánh giá về khung pháp lý và quy định đối với đăng ký và thống kê hộ tịch, xây dựng các kế hoạch để cải thiện việc ghi nhận nguyên nhân tử vong sử dụng các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận, cải thiện khung Giám sát và đánh giá đối với công tác đăng ký và thống kê hộ tịch, đồng thời xây dựng các báo cáo thống kê hộ tịch có chất lượng và kịp thời. Hợp tác giữa UNFPA và Tổ chức Vital Strategy bắt đầu từ tháng 7 năm 2020 và sẽ kéo dài đến tháng 3 năm 2021 với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Tư pháp và các Bộ, ban, ngành khác.

Kính thưa các vị đại biểu,

Chúng ta chỉ còn mười năm để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Cam kết “không để ai bị bỏ lại phía sau” đặt ra cho những người làm thống kê một yêu cầu cao về số liệu dân số chất lượng cao - tức là số liệu đáng tin cậy, kịp thời, được phân tổ, nhất quán và có thể so sánh được, là cần thiết để đánh giá tiến độ và giải quyết bất bình đẳng trong công cuộc phát triển bền vững.

Ban Chỉ đạo Quốc gia là đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch. Ban chỉ đạo sẽ xây dựng cầu nối giữa các Bộ, ban, ngành, cung cấp hướng dẫn và giám sát, cũng như vận động đầu tư bền vững vào đăng ký và thống kê hộ tịch. Sự hợp tác chặt chẽ và trao đổi dữ liệu đăng ký thống kê hộ tịch giữa các cơ quan liên quan khác nhau sẽ cải thiện chất lượng và tính nhất quán của dữ liệu, tăng tính hiệu quả của việc đăng ký và giảm chi phí.

Bằng cách cải thiện hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch, Việt Nam đang tôn trọng các cam kết của mình trong Tuyên bố  Hội nghị cấp Bộ trưởng và Khung hành động về đăng ký và thống kê hộ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương giai đoạn 2015-2024. UNFPA sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh quá trình thay đổi, hướng tới một hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch hiện đại và tiến bộ, trong đó dữ liệu hộ tịch sẽ được chia sẻ và sử dụng cho mục đích xây dựng và thực hiện các chính sách và ra quyết định dựa trên bằng chứng.

UNFPA tại Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc chung tay với Chính phủ thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch để đảm bảo phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cảm ơn quý vị và tôi mong rằng ngày hôm nay, chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận thật hiệu quả.