Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Hội thảo phổ biến Luật Thanh niên 2020

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Hội thảo phổ biến Luật Thanh niên 2020

Tuyên bố

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Hội thảo phổ biến Luật Thanh niên 2020

calendar_today 10 September 2020

Kính thưa ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ;

Kính thưa ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;

Kính thưa các đại biểu đại diện cho Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan Bộ ngành và vụ cục trực thuộc Bộ Nội vụ;

Các đại biểu từ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các tổ chức hội thanh niên và Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam;

Các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào quá trình xây dựng Luật Thanh niên;

Các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và Hà Nội;

Các đồng nghiệp Liên hợp quốc tại Việt Nam;

 

Kính thưa các quý vị đại biểu,

 

Hôm nay tôi rất vinh dự có mặt tại hội nghị phổ biến Luật Thanh niên sửa đổi,  đã được Quốc hội thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2020.

 

Trước tiên, tôi xin trân trọng cảm ơn Bộ Nội vụ đã tổ chức sự kiện hôm nay và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã mời tôi tham gia và phát biểu thay mặt Quỹ Dân số LHQ. Ngoài ra, tôi đánh giá cao sự ủng hộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tích cực vận động để Luật Thanh niên sửa đổi được thông qua. Ngoài ra, Luật Thanh niên sẽ không thể được hoàn thiện nếu không có công lao và các ý kiến ​​đóng góp quý báu của Đoàn thanh niên trung ương và địa phương, các bạn thanh niên và các bên liên quan khác. Xin cảm ơn tất cả các quý vị!

 

Kính thưa các quý vị đại biểu,

 

Kể từ năm 2017, Nhóm công tác về Thanh niên, Vị thành niên của LHQ, dưới sự chủ trì của UNFPA, đã tập hợp 10 cơ quan LHQ có nhiều kinh nghiệm và có mạng lưới toàn cầu hỗ trợ các nỗ lực liên quan đến thanh niên ở Việt Nam. Nhóm công tác của LHQ đã làm việc chặt chẽ với Ban soạn thảo Luật Thanh niên sửa đổi và Bộ Nội vụ để đóng góp rất nhiều ý kiến ký thuật và tư vấn chính sách trong quá trình sửa đổi Luật Thanh niên. Cùng với Nhóm công tác Thanh niên, Vị thành niên của LHQ, Nhóm tư vấn thanh niên do cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam và Trung ương Đoàn thành lập đã trở thành một phần và là một nhóm trong suốt quá trình, đảm bảo sự tham gia có ý nghĩa của thanh niên vào quá trình xây dựng luật.

 

Chúng tôi tin tưởng rằng Luật Thanh niên sẽ đem lại khuôn khổ pháp lý có giá trị trong việc hướng dẫn hoạch định và thực hiện các chương trình và chính sách thanh niên của Chính phủ cho thanh niên Việt Nam, những nhân tố thay đổi chính giúp Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030

 

Kính thưa các quý vị đại biểu,

 

Trong bối cảnh này, tôi xin nhấn mạnh một số vấn đề:

 

Đầu tiên, như Hiến pháp Việt Nam 2013 cũng như trong các Hiệp ước và Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn nêu rõ, điều quan trọng là các nhóm thanh niên khác nhau phải được tôn trọng đầy đủ trong giai đoạn thực thi Luật Thanh niên mới. Chúng ta phải nhận ra nhu cầu đặc biệt của các nhóm thanh niên dễ bị tổn thương như trẻ em gái, thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên đồng tính và thanh niên công nhân di cư. Việc bảo vệ họ và quyền của họ cần được đưa vào và thúc đẩy thực hiện trong các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thanh niên 2020 ở các cấp.

 

Thứ hai, mặc dù Nhóm Tư vấn Thanh niên của Liên hợp quốc và Đoàn Thanh niên đã đóng góp rất nhiều vào quá trình xây dựng Luật thanh niên, chúng ta vẫn cần nỗ lực hơn nữa để tạo ra một môi trường thuận lợi và các cơ chế linh hoạt cho phép thanh niên tham gia, đặc biệt trong việc đưa Luật Thanh niên trở thành các hành động cụ thể. Chúng tôi rất hoan nghênh việc Chính sách Đối thoại với Thanh niên được đưa vào Luật Thanh niên, nhưng cần có các diễn đàn thân thiện với thanh niên để khuyến khích thanh niên, đặc biệt là các nhóm thanh niên dễ bị tổn thương tham gia đối thoại thường xuyên với các lãnh đạo nhà nước và các nhà hoạch định chính sách về nhu cầu và mối quan tâm của họ, đặc biệt là trong bối cảnh Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tích cực tập hợp các thành viên của mình tham gia vào quá trình tham vấn và xây dựng chính sách, và trên cơ sở này, UNFPA và các cơ quan khác của Liên hợp quốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ và tăng cường hơn nữa sự tham gia hiệu quả của thanh niên trong việc xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách khác nhau có ảnh hưởng đến đời sống của họ. Hỗ trợ quan trọng này chúng tôi đã thực hiện với Bộ Nội vụ như là một trong những ví dụ điển hình.

 

Thứ ba, trong những năm qua, chúng ta cùng nhận thấy rằng việc triển khai và thực thi Luật Thanh niên 2005 và các chương trình liên quan đến thanh niên còn yếu kém, dẫn đến khoảng cách lớn giữa chính sách và việc thực hiện. Luật Thanh niên sửa đổi năm 2020 đã xác định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ và các bên liên quan khác nhau trong việc thực thi luật, do đó, sự phối hợp hiệu quả giữa các Bộ ngành ở cấp trung ương và địa phương, cũng như giữa các khu vực công và tư nhân là rất cần thiết để thi hành Luật Thanh niên năm 2020. Bộ Nội vụ, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về công tác thanh niên, sẽ đóng vai trò quan trọng và chịu trách nhiệm về điều phối, giám sát và báo cáo tiến độ cũng như chất lượng thực thi Luật Thanh niên 2020.

 

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Luật Thanh niên sửa đổi, cần cung cấp các nguồn lực tài chính và phân bổ ngân sách đầy đủ. Như chúng ta đã biết, đây là một trong những trở ngại chính của thực hiện Luật Thanh niên 2005 trước đó. Tôi muốn kêu gọi tất cả các cơ quan nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ưu tiên phân bổ ngân sách để thực hiện Luật Thanh niên và các chính sách phát triển thanh niên.

 

Kính thưa các quý vị đại biểu,

 

Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Chúng ta có lực lượng dân số trẻ lớn nhất từ ​​trước đến nay trong lịch sử Việt Nam và đây là cơ hội hiếm có để tận dụng thời kỳ dân số vàng. Cần có đầu tư chiến lược ngay từ bây giờ cho thanh niên để tối đa hóa tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

 

Tôi xin khẳng định rằng UNFPA cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng thanh niên Việt Nam sẽ được phát huy hết tiềm năng của mình.

Cảm ơn các quý vị đã tham dự và chú ý lắng nghe.