Kính thưa Bà Trần Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH;
Các đại biểu từ Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), các Bộ ngành, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, các tổ chức thành viên trong Mạng lưới phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam (GBVNet) và các tổ chức Liên Hợp Quốc;
Kính thưa các Quý vị,
Thay mặt Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, tôi rất vui mừng được chào đón các quý vị đến tham dự hội thảo tham vấn xây dựng Đề án Quốc gia về phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới (BLTCSG) giai đoạn 2021-2025. Tôi rất coi trọng và đánh giá cao sự hợp tác, cam kết, chủ trì của Bộ LĐ-TB&XH trong quá trình phối hợp và thực hiện các nỗ lực chung trong phòng ngừa và ứng phó BLTCSG trong những năm qua, cũng như trong việc triển khai Chương trình Quốc gia của UNFPA giai đoạn 2017-2021. Những kết quả mà chúng ta đã đạt được cho đến nay là bằng chứng rõ nét về sự hợp tác và phối hợp tuyệt vời giữa các Bộ ngành, các tổ chức xã hội và đối tác phát triển.
Nhân ịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn đến tất cả các thành viên trong mạng lưới GBVNet vì những cống hiến và đóng góp của mạng lưới trong những năm qua. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng mạng lưới này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.
Kính thưa các vị khách quý,
Năm 2015, UNFPA đã hỗ trợ Bộ LĐ-TB&XH xây dựng Đề án Quốc gia về phòng ngừa và ứng phó với BLTCSG giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là Đề án quốc gia đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm giải quyết triệt để BLTCSG trên quy mô toàn quốc. Kể từ năm 2016, UNFPA đã chú trọng hỗ trợ Bộ LĐ-TB&XH triển khai Đề án quốc gia, đặc biệt là nâng cao nhận thức và tăng cường các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực.
Trong hai năm 2018 - 2019, UNFPA đã phối hợp với Chính phủ Úc hỗ trợ Bộ LĐ - TB&XH và Tổng cục Thống kê tiến hành Điều tra quốc gia lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam. Cuộc Điều tra quốc gia năm 2019 cho thấy mức độ phức tạp và phổ biến của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn quốc. Sau 9 năm kể từ cuộc Điều tra đầu tiên về bạo lực đối với phụ nữ được tiến hành, tỷ lệ bạo lực ở Việt Nam có giảm nhưng không đáng kể. Vẫn có gần 2/3 phụ nữ Việt Nam phải chịu một hoặc nhiều hình thức bạo lực do người chồng gây ra trong đời. Bên cạnh đó, bạo lực đối với phụ nữ là vấn đề thường bị ẩn khuất – phụ nữ hiếm khi nói về vấn đề này hay tìm kiếm sự trợ giúp. Hầu hết phụ nữ (90,4%) từng bị chồng bạo lực về thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào. Điều này thật đáng quan ngại.
Sau ba cuộc họp kỹ thuật diễn ra vào tháng 6 và hội thảo tham vấn được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 7/2020, ngày hôm nay, chúng ta tổ chức hội thảo tham vấn lần cuối. Đây là cơ hội tuyệt vời để tất cả chúng ta đánh giá sâu thêm một lần nữa trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự thảo Đề án quốc gia về phòng ngừa và ứng phó BLTCSG, để chúng ta có thể tạo ra những thay đổi lớn trong công tác phòng ngừa và ứng phó bạo lực đối với phụ nữ một cách hiệu quả. Các bài học kinh nghiêm rút ra từ Đề án quốc gia về phòng ngừa và ứng phó BLTCSG giai đoạn 2016-2020, cũng như các phát hiện của Điều tra quốc gia năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam cần được xem xét đầy đủ nhằm xây dựng Đề án quốc gia về phòng ngừa và ứng phó BLTCSG toàn diện và mang lại tác động lớn cho giai đoạn 2021-2025.
Kính thưa Quý vị,
Trước khi đi đến kết luận, tôi muốn nhấn mạnh tới 4 điểm sau đây.
Thứ nhất, như Điều tra năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ cho thấy ánh sáng le lói ở cuối đường hầm dài và im lặng, chúng ta phải tiếp tục kiên trì đến cùng để đẩy mạnh những sáng kiến đã thực hiện trong những năm gần đây trong quá trình thay đổi các chuẩn mực xã hội và văn hóa đối với bạo lực với phụ nữ. Chúng ta đã có những sáng kiến hay để thu hút sự tham gia của nam giới và trẻ em trai như những tác nhân thay đổi, và điều này đặc biệt quan trọng, vì Điều tra quốc gia năm 2019 đã cho thấy sự thay đổi đang diễn ra rất rõ ràng, đặc biệt ở thế hệ trẻ. Chúng ta cần thiết lập chuẩn mực mới tại Việt Nam rằng bất cứ hình thức bạo lực nào đối với phụ nữ là không thể chấp nhận được.
Thứ hai, trong những năm qua, chúng ta đã tập trung rất nhiều vào việc nâng cao nhận thức, phá vỡ sự im lặng và bàn thảo về hành vi bạo lực đối với phụ nữ, điều này là rất tốt. Nhưng những hoạt động truyền thông đó sẽ chẳng có hiệu quả nếu các nạn nhân của BLTCSG không thể tiếp cận HAY chi trả các dịch vụ thiết yếu. UNFPA đã phối hợp với KOICA hỗ trợ thiết lập mô hình trung tâm dịch vụ một cửa tại tỉnh Quảng Ninh, tại đó, tất cả các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc thể chất, tư vấn tâm lý, bảo vệ của công an, hỗ trợ tư pháp và pháp lý, chăm sóc xã hội, được cung cấp ở cùng một địa điểm. Mô hình này khác với nhà tạm lánh. Thông thường, nạn nhân bị bạo lực phải đến nhiều nơi để tìm kiếm các dịch vụ khác nhau, và tôi cũng phải nói rằng, việc này khiến cho họ lại trở thành nạn nhân một lần nữa. Chúng ta phải ngăn chặn điều này, đồng thời, các trung tâm dịch vụ một cửa cũng phải quan tâm tới các nhóm dễ tổn thương như người cao tuổi và phụ nữ khuyết tật.
Thứ ba, chúng ta không thể để để các nỗ lực bị thực hiện chồng chéo và không cho phép việc cứu giúp nạn nhân thiếu thiệu quả. Chính phủ cần phải có cơ chế điều phối liên ngành tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa các hoạt động can thiệp nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Tôi cũng xin đề cập một cách thẳng thắn rằng, hiện nay, trách nhiệm của nhà nước đối với bạo lực gia đình và BLTCSG lại đang được đặt ở hai cơ quan nhà nước khác nhau, và theo chúng tôi, điều này là không hiệu quả. Ở đây có thể không phải là cơ quan nào cao hơn cơ quan nào mà chúng ta có thể cân nhắc đặt trách nhiệm hàng đầu ở cấp cao hơn, chẳng hạn như dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Điều tra quốc gia năm 2019 cho thấy, bạo lực đối với phụ nữ gây ra tổn hại 1,8% GDP hàng năm của quốc gia. Như vậy, trước những thách thức về kinh tế, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ phải được coi là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chúng ta phải đặt Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Mặc dù dữ liệu trong đợt bùng phát dịch lần thứ hai vẫn chưa đầy đủ, nhưng từ đợt bùng phát lần thứ nhất, chúng ta biết rằng Việt Nam không phải là ngoại lệ trong xu hướng toàn cầu răngf bạo lực đối với phụ nữ gia tăng trong đại dịch COVID-19, phần lớn là do môi trường bị bó hẹp cùng với căng thẳng kinh tế-xã hội và hộ gia đình gặp khó khăn về thu nhập, chưa kể đến sự bất bình đẳng giới ăn sâu trong các xã hội khác nhau. Tại Việt Nam, số cuộc gọi đến đường dây nóng và bộ phận trợ giúp về bạo lực trên cơ sở giới đã tăng lên 20% trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, do đó, hội thảo tham vấn ngày hôm nay nên cân nhắc yếu tố đại dịch COVID-19 một cách toàn diện trong quá trình hoàn thiện Đề án quốc gia mới về phòng ngừa và ứng phó với BLTCSG.
Xin chân thành cảm ơn quý vị đã chú ý lắng nghe. Tôi chúc tất cả các quý vị đại biểu Hội thảo tham vấn hiệu quả và thành công.