Kính thưa:
Bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam;
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới- Gia đình- Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA);
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chính sách của TikTok;
Đại diện các cơ quan truyền thông và các vị khách quý;
Thay mặt cho Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, tôi rất vui mừng được chào đón các quý vị đến tham dự lễ trao giải cuộc thi video “Sinh con gái, Hái niềm vui”. Cảm ơn các quý vị đã tham gia cùng chúng tôi trong sự kiện này để lên tiếng nhằm chấm dứt tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
UNFPA đánh giá cao quan hệ đối tác hiệu quả với CSAGA và Tik Tok trong việc tổ chức cuộc thi đầu tiên về chủ đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới thông qua mạng xã hội tại Việt Nam. Thật bất ngờ khi cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của giới trẻ Việt Nam với hơn 1.690 video clip gửi về, gần hơn 6,8 triệu lượt xem, hơn 642.000 lượt thích, 14.200 lượt chia sẻ và gần 8.000 lượt tương tác. Điều này cho thấy người dân, đặc biệt là giới trẻ, rất quan tâm và quan ngại về tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới do sự ưa thích con trai tại Việt Nam.
Tôi xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Chính phủ Na Uy và đại sứ quán Hà Lan đã hợp tác với UNFPA tại Việt Nam nhằm thay đổi các chuẩn mực văn hóa xã hội về tâm lý thích sinh con trai hơn con gái và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
Thưa toàn thể quý vị,
Quý vị có biết mỗi năm ở Việt Nam có bao nhiêu trẻ em gái đã không được sinh ra chỉ vì giới tính của mình không? Quý vị có biết rằng nhiều trẻ em gái không được sinh ra đơn giản chỉ vì các em là con gái? Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2020 của UNFPA ước tính tại Việt Nam mỗi năm thiếu hụt khoảng 40.800 trẻ em gái. Có nghĩa là mỗi năm có 40.800 trẻ em gái ở Việt Nam không được sinh ra chỉ vì các em là con gái. Đây được gọi là lựa chọn giới tính trước khi sinh. Thực trạng này thật đau lòng đúng không? Phải chăng ở Việt Nam, con của bạn bắt buộc phải là con trai chứ không thể là con gái sao?
Tôi đến từ Nhật Bản. Ở Nhật Bản trước chiến tranh, chúng tôi đã từng bán con gái để thoát nghèo. Con gái hồi đó bị coi là gánh nặng gia đình nên phải lấy chồng, hoặc được cho đi học việc để kiếm tiền. Thời đó tại Nhật Bản, chỉ nam giới mới được thừa kế tài sản của gia đình và nối dõi dòng họ, mặc dù theo truyền thống trên thực tế thì gia đình Nhật Bản là gia đình mẫu hệ. Khi chiến tranh xảy ra, Nhật Bản bị tàn phá nặng nề và sau đó bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước. Nhật Bản đã tiến hành những cuộc cải cách lớn. Hệ thống giáo dục đã được thay đổi. Tâm lý người dân Nhật Bản cũng thay đổi, và chúng tôi không còn bán hay gả con gái nữa. Ngày nay phụ nữ Nhật Bản được thừa kế tài sản gia đình và nối dõi dòng họ. Nhật Bản cũng là quốc gia có nhiều giá trị văn hóa gia trưởng tương tự với Việt Nam. Vì thế, nếu Nhật Bản có thể thay đổi thì tôi tin rằng Việt Nam cũng có thể thay đổi để mang lại một xã hội tốt hơn nữa.
Tâm lý thích sinh con trai là một truyền thống lâu đời và là sản phẩm của hệ tư tưởng phân biệt giới luôn đặt nam giới và trẻ em trai ở địa vị xã hội cao hơn, ưu tiên và coi trọng nam hơn nữ. Tôi mơ về một Việt Nam - nơi mọi trẻ em gái và mọi phụ nữ đều có thể được hưởng các quyền và cơ hội bình đẳng, và điều này bao gồm cả những trẻ em gái chưa được sinh ra và thậm chí còn chưa thể nói với mọi người về mong muốn được sinh ra của mình. Tôi mơ về một Việt Nam - nơi mà mọi cặp vợ chồng đều cảm thấy an toàn, hạnh phúc và hài lòng, miễn là đứa con của họ sinh ra khỏe mạnh, chứ không phải là con trai hay con gái.
Thưa tất cả các quý vị,
Tất cả chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết để chấm dứt tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Mỗi người trong chúng ta đều đóng một vai trò quan trọng và chỉ có đoàn kết như vậy thì chúng ta mới có thể tạo ra sự thay đổi trong xã hội để góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chúng ta sẽ quyết tâm không để các trẻ em gái bị bỏ lại phía sau.
Xin chân thành cảm ơn các quý vị đã quan tâm và tham gia sự kiện này.