Bạn đang ở đây

Kính thưa: Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Kính thưa Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê;

Kính thưa Bà Robyn Mudie, Đại sứ Ốt-xtrây-li-a tại Việt Nam;

 Kính thưa các vị khách quý, đại diện các Bộ, ngành, tổ chức xã hội, viện nghiên cứu; các đối tác phát triển quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các đồng nghiệp Liên hợp quốc, các bạn thanh niên và phóng viên báo chí,

Thưa các quý vị đại biểu,

 

Tôi rất hân hạnh có mặt ở đây ngày hôm nay để công bố Báo cáo Điều tra quốc gia lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019. Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới thực hiện thành công điều tra lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Chính phủ Ốt-xtrây-li-a thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA). Điều tra lần thứ hai này giúp chúng ta hiểu hơn về những gì đã thay đổi và chưa thay đổi, cũng như những việc cần phải tiếp tục thực hiện và thúc đẩy hơn nữa để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam.

 

Tôi xin chân thành cảm ơn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, và các cơ quan của Chính phủ, các đối tác phi chính phủ như Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và DFAT vì những nỗ lực không ngừng trong suốt quá trình nghiên cứu hơn hai năm qua, từ việc chỉnh sửa và hoàn thiện bảng câu hỏi khảo sát đến việc tập huấn điều tra viên, phân tích và biên soạn số liệu, cũng như viết báo cáo và các tài liệu đi kèm nhằm đảm bảo số liệu dễ hiểu và thân thiện với người sử dụng. Tham gia thực hiện nhiều cuộc điều tra khác nhau trên thế giới, tôi có thể hiểu được những công việc này nặng nề như thế nào và mọi người đã đóng góp sức lực vất vả ra sao để hoàn thành tốt công việc như chúng ta được thấy ngày hôm nay.

 

Kính thưa các quý vị,

Điều tra này làm một dấu mốc quan trọng. Chúng ta đã làm mới bằng chứng – với câu chuyện có thật - về thực tế ở Việt Nam, về việc phụ nữ bị bạo lực ở nhà, ở nơi làm việc và ở nơi công cộng, thông thường do chồng và bạn tình gây ra nhưng cũng có cả những người khác không phải là chồng/bạn tình gây ra. Đây là một bước tiến lớn trong nỗ lực ngăn chặn và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ - đồng thời tăng cường những dịch vụ và hỗ trợ cần thiết cho nạn nhân của bạo lực.

 

Bạo lực đối với phụ nữ là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến nhất, tồn tại ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bạo lực đối với phụ nữ có thể xảy ra ở nhiều bối cảnh khác nhau, gồm ở nhà, nơi làm việc và các không gian công cộng.

 

Số liệu thu thập từ nghiên cứu năm 2019 cho thấy cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (62,9%) phải chịu một hoặc nhiều hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và 31,6% phụ nữ phải chịu các hình thức bạo lực này ở hiện tại (trong 12 tháng qua). Nhưng gần như tất cả phụ nữ (90,4%) bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục đã không tìm sự giúp đỡ từ các đơn vị cung cấp dịch vụ chính thức, chủ yếu là do sợ bị tai tiếng, kỳ thị và phiền hà. Điều này cho thấy bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam vẫn còn bị che giấu, và Điều tra năm 2019 công bố ngày hôm nay đã phơi bày những câu chuyện chưa được kể này, từ đó chúng ta có thể hành động kịp thời để ngăn chặn và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Ở Việt Nam, gia đình, nơi đang lẽ là chốn yêu thương, thoải mái và bình yên, dường như đã không thực sự đúng đối với nhiều phụ nữ Việt Nam - và con cái họ - một nơi an toàn để sống.

 

Tác động của bạo lực vượt ra ngoài tổn hại về thể xác và tinh thần. Điều tra năm 2019 cho thấy bạo lực đối với phụ nữ gây ra những tổn thương về tinh thần, suy giảm sức khỏe, căng thẳng lâu dài và ám ảnh suốt cuộc đời. Đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai có nguy cơ bị đánh đập, đấm hay đạp trong thời kỳ mang thai thường dẫn đến nguy cơ bị sẩy thai, thai chết lưu và nạo phá thai. Trẻ em cũng là nạn nhân của bạo lực khi sống trong gia đình có người mẹ bị đánh đập với những nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của trẻ. Điều tra lần này cũng khẳng định bạo lực là một hành vi có tính tiếp thu và ước tính 4,4% phụ nữ đã bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ trước 15 tuổi.

 

Kính thưa các quý vị đại biểu,

 

Nếu không giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ thì Việt Nam không có cách nào đạt được Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Chúng ta chỉ còn 10 năm để thực hiện điều đó. Và theo báo cáo điều tra này thì bạo lực đối với phụ nữ đang gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam ước khoảng 1,8% GDP năm 2018. Đây là một con số lớn.

 

Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2019 cũng cho thấy những điểm sáng tích cực cần đề cập trong các chương trình nghị sự và chính sách. Ví dụ, ngoại trừ tình trạng bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực ở tất cả các hình thức năm 2019 đều thấp hơn so với năm 2010.  Điều này rõ ràng hơn ở thế hệ trẻ. Đồng thời Điều tra năm 2019 cũng chứng kiến sự thay đổi về chuẩn mực giới ở nhóm người trẻ tuổi theo hướng tiến bộ. Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải đầu tư đúng hướng vào nhóm người trẻ tuổi để đẩy mạnh sự thay đổi trong xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.   

Kính thưa quý vị đại biểu,

 

Trước khi kết thúc bài phát biểu, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và sự kính trọng tới những người phụ nữ đã tham gia phỏng vấn trong nghiên cứu này, vì sự dũng cảm và mong muốn của họ hãy tạo ra sự thay đổi. Với tư cách là một người phụ nữ và một người mẹ, tôi muốn kêu gọi những chị em phụ nữ ở Việt Nam - các nữ lãnh đạo, nữ doanh nhân, các mẹ, các chị em gái và bé gái - hãy lên tiếng chống lại bạo lực. Tôi xin được trích dẫn câu nói của một người phụ nữ đã trả lời phỏng vấn trong nghiên cứu này. Cô ấy nói: “Tôi nói với các chị em, nếu cảm thấy cuộc sống của mình nhẫn nhịn được thì mình nên nhẫn nhịn, còn không nhẫn nhịn được thì mình phải sống riêng cho mình. Không thể nào vì sợ cái tiếng hai, ba đời chồng mà phải chôn vùi cái cuộc sống của mình ở chỗ ngục tù như vậy.”

 

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm và tham dự của các quý vị.