Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài Phát biểu của Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc Matt Jackson - Hội thảo công bố Báo cáo Quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021 – 2024

Bài Phát biểu của Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc Matt Jackson - Hội thảo công bố Báo cáo Quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021 – 2024

Tuyên bố

Bài Phát biểu của Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc Matt Jackson - Hội thảo công bố Báo cáo Quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021 – 2024

calendar_today 25 April 2025

Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc Matt Jackson
Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc Matt Jackson

Phát biểu từ ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam

Tôi xin được gửi lời chào trân trọng tới:

Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, Bộ Tài chính
Quý đồng nghiệp đến từ các bộ, ban, ngành liên quan
Quý đồng nghiệp đến từ Vital Strategies, các cơ quan Liên Hợp Quốc và các đối tác phát triển,
Quý vị đại biểu,

Tôi rất vinh dự được có mặt tại đây hôm nay để chúc mừng kết quả của mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa UNFPA, Vital Strategies và Chính phủ Việt Nam—đại diện là Cục Thống kê và Bộ Tư pháp—trong khuôn khổ sáng kiến Dữ liệu vì Sức khỏe do Quỹ Bloomberg Philanthropies tài trợ, nhằm tăng cường hệ thống Đăng ký và Thống kê Hộ tịch (CRVS) tại Việt Nam.

Hội thảo công bố Báo cáo Quốc gia về Đăng ký và Thống kê Hộ tịch giai đoạn 2021 – 2024 ngày hôm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực chung của chúng ta nhằm đảm bảo rằng mọi cá nhân đều được ghi nhận và các sự kiện trong cuộc đời họ được thống kê chính xác và công nhận đầy đủ.

Tầm quan trọng của Đăng ký và Thống kê Hộ tịch

Thống kê không chỉ là những con số, đó thực sự là những con số biêt nói. Thống kê phản ánh tình trạng sức khỏe, phúc lợi, cơ hội và hoàn cảnh kinh tế - xã hội của mỗi người. Khi được thu thập và phân tích đầy đủ, dữ giúp chúng ta hiểu được chính sách nào đang phát huy hiệu quả, người dân đã được hưởng lợi từ dịch vụ công như thế nào, và ai đang có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Dữ liệu chính xác và dễ tiếp cận là cơ sở cho việc hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng. Điều này cho phép chính phủ và chính quyền địa phương phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả, tiếp cận được những nhóm dễ bị tổn thương, và thiết kế dịch vụ phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân.

Hệ thống thống kê hộ tịch đáng tin cậy và kịp thời—đặc biệt là dữ liệu về khai sinh, khai tử, nguyên nhân tử vong, kết hôn và ly hôn—là nền tảng cho công tác lập kế hoạch y tế công cộng, chính sách xã hội và phát triển toàn diện. Đây cũng là công cụ thiết yếu để theo dõi tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia và Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến sức khỏe bà mẹ, giảm tử vong mẹ, bình đẳng giới và bao phủ y tế toàn dân.

Những tiến bộ và thành tựu

Tôi xin ghi nhận những nỗ lực xuất sắc của Chính phủ Việt Nam—đặc biệt là Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp—dưới sự điều phối của Cục Thống kê và Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, trong việc đạt được những tiến bộ nổi bật được thể hiện trong báo cáo này. Thành tựu này thể hiện sự tăng cường phối hợp liên ngành, cải thiện việc chia sẻ dữ liệu và nâng cao năng lực kỹ thuật trong việc sản xuất thống kê hộ tịch.

Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới các đồng nghiệp của chúng tôi tại Vital Strategies, những người đã sát cánh cùng chúng tôi từ năm 2021 để tăng cường hệ thống CRVS, bảo đảm rằng mọi sự kiện khai sinh, tử vong, kết hôn và các sự kiện hộ tịch khác đều được ghi nhận chính xác và kịp thời.

Lần đầu tiên, một báo cáo toàn diện về thống kê hộ tịch đã cung cấp một cái nhìn tổng thể về tiến độ quốc gia trong công tác đăng ký hộ tịch:
• Tỷ lệ đăng ký khai sinh đúng hạn (trong vòng 60 ngày kể từ ngày sinh) tăng từ 74,4% năm 2021 lên 84,9% năm 2024.
• Tỷ lệ đăng ký khai tử đúng hạn (trong vòng 15 ngày kể từ ngày tử vong) tăng từ 66,4% năm 2021 lên 69,3% năm 2024.

Những kết quả này khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong việc ghi nhận danh tính pháp lý và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Tôi đặc biệt vui mừng khi thấy báo cáo đã phân tích số liệu theo giới, bao gồm cả tỷ số giới tính khi sinh—một chỉ số quan trọng phục vụ cho việc ưu tiên nguồn lực và triển khai các hành động can thiệp phù hợp.

Những thách thức còn tồn tại và hướng đi tiếp theo

Báo cáo cũng đã chỉ ra những thách thức cần được giải quyết để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

Điều này bao gồm việc tăng cường đăng ký hộ tịch tại các khu vực vùng sâu, vùng xa và cộng đồng dân tộc thiểu số—đặc biệt là đăng ký khai sinh, bởi điều này không chỉ giúp trẻ em tiếp cận với dịch vụ như giáo dục mà còn mang lại danh tính pháp lý chính thức.

Một lĩnh vực quan trọng khác là nâng cao chất lượng thu thập thông tin về nguyên nhân tử vong, để cung cấp dữ liệu chính xác phục vụ cho công tác quy hoạch y tế công cộng.

Việc khắc phục những khoảng trống này là cần thiết để xây dựng hệ thống CRVS mang tính phổ quát, toàn diện và đáp ứng thực tế. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp liên ngành, duy trì đầu tư vào hạ tầng và đào tạo, và nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của đăng ký hộ tịch.

Cam kết của UNFPA

Tôi hy vọng rằng báo cáo này sẽ thúc đẩy truyền thông công cộng và đối thoại liên ngành nhằm xây dựng đồng thuận và hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng. UNFPA cam kết tiếp tục đồng hành cùng Vital Strategies và Chính phủ Việt Nam trong hành trình đảm bảo rằng mọi người đều được ghi nhận và mọi cuộc đời đều có ý nghĩa.

Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng báo cáo này nên được sử dụng như một công cụ vận động và hành động lấy con người làm trung tâm. Hãy để những dữ liệu từ báo cáo dẫn dắt chúng ta tiến tới các chính sách bao trùm, các can thiệp có trọng điểm và tăng cường trách nhiệm giải trình đối với sức khỏe và quyền lợi của tất cả mọi người tại Việt Nam.

Xin cảm ơn và chúc hội thảo thành công tốt đẹp./.

Top of Form

Bottom of Form