- Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ Tịch UBND tỉnh Hòa Bình;
- Ông Lê Khánh Lương, Vụ Trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ,TB&XH;
- Bà Naomi Cook, Tham tán Phát triển, Đại Sứ Quán Australia tại Việt Nam;
- Đại diện các bộ ngành và cơ quan chính phủ và các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh và Điện Biên;
Chỉ vài phút trước, tôi rất vinh dự được cùng các Quý vị Đại biểu, cắt băng khánh thành Trung tâm Dịch vụ Một cửa (OSSC) – hay còn gọi là Ngôi nhà Ánh Dương – tại tỉnh Hòa Bình. Sự kiện này thể hiện cam kết chung của chúng ta trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới cũng như bạo lực gia đình tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) vào năm 2030.
Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Ủy ban Nhân dân và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình vì đã hợp tác chặt chẽ trong quá trình xây dựng Ngôi nhà Ánh Dương, tổ chức buổi lễ khai trương này, và thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đặc biệt là Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, và ông Lê Khánh Lương – một người bạn của UNFPA – vì đã nỗ lực hỗ trợ để chúng ta có thể chính thức khai trương Ngôi nhà Ánh Dương tại Hòa Bình. Đây là một phần trong cam kết của Bộ nhằm nhân rộng mô hình OSSC ra các khu vực khác trên cả nước.
Ngôi nhà Ánh Dương tại Hòa Bình là trung tâm thứ năm tại Việt Nam, được thành lập tiếp theo các trung tâm tại Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm này được xây dựng trong khuôn khổ dự án “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam 2021–2025,” do Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) của Chính phủ Australia tài trợ. Quan hệ đối tác này là yếu tố then chốt hướng tới bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Những nỗ lực luôn đi đầu này của Australia là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng tôi – xin cảm ơn đất nước Australia.
Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và tích hợp, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế,dành cho phụ nữ và trẻ em gái những người đang bị hoặc có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình. Các dịch vụ hỗ trợ bao gồm chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ xã hội, nơi tạm lánh khẩn cấp, bảo vệ của công an, các dịch vụ pháp lý và tư pháp, cũng như các dịch vụ chuyển gửi và được cung cấp tại một địa chỉ. Là các Trung tâm dịch vụ một cửa, Ngôi nhà Ánh Dương được trang bị để hỗ trợ người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Ngôi nhà Ánh Dương còn là cơ sở cho các hoạt động giáo dục cộng đồng giúp thay đổi các chuẩn mực xã hội và những thực hành có hại duy trì bạo lực.
Thưa các quí vị đại biểu,
Tình trạng phụ nữ bị bạo lực bởi chồng hoặc bạn tình vẫn đang là một vấn đề đáng báo động. Theo Điều tra quốc gia năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ, cứ ba phụ nữ từ 15–64 tuổi thì có gần hai người từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần và/hoặc kinh tế trong đời. Vấn đề này vẫn còn rất ẩn giấu trong xã hội Việt Nam, với hơn 90% phụ nữ từng bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công, và một nửa trong số đó chưa từng chia sẻ sự việc với bất kỳ ai.
Tại Hòa Bình, phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm những người khuyết tật, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận thông tin pháp lý và các dịch vụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Hòa Bình đã phát hiện 26 vụ bạo lực gia đình với 32 nạn nhân, trong đó phụ nữ chiếm hơn 78%. Cùng kỳ, công an tỉnh Hòa Bình cũng tiếp nhận và giải quyết 11 vụ xâm hại tình dục trẻ em và 5 vụ bạo hành trẻ em. Những con số này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nhưng chúng nhấn mạnh sự cần thiết cấp bách cần phải có một cách tiếp cận lấy người bị bạo lực làm trung tâm để giải quyết bạo lực trên cơ sở giới.
Hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới phù hợp với Chương trình Quốc gia về Phòng chống và Ứng phó với Bạo lực Giới 2021–2025 của Việt Nam và Luật Phòng chống Bạo lực Gia đình sửa đổi, được Quốc hội thông qua vào tháng 11 năm 2022. Các văn bản pháp luật và chính sách này nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng các mô hình và cơ sở hiệu quả để ngăn chặn bạo lực gia đình và hỗ trợ người bị bạo lực.
Xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới và những thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong ba kết quả chuyển đổi của UNFPA toàn cầu. Tại Việt Nam, chúng tôi cam kết hỗ trợ chính phủ tạo dựng một không gian an toàn, nơi người bị bạo lực có thể tự tin xây dựng lại cuộc sống.
Để đạt được điều này, UNFPA cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và tất cả các đối tác để đảm bảo tác động lâu dài của mô hình Trung tâm Dịch vụ Một cửa và nhân rộng mô hình này trên toàn quốc nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về các dịch vụ lấy người bị bạo lực là trung tâm.
UNFPA cũng kêu gọi sự cam kết từ tất cả các bên liên quan nhằm tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành ở cả cấp trung ương và địa phương, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Điều này sẽ giúp giải quyết bạo lực trên cơ sở giới một cách toàn diện và đồng bộ trên toàn Việt Nam, đảm bảo rằng người bị bạo lực đều có thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ kịp thời và chất lượng, bất kể họ ở đâu hay trong hoàn cảnh nào.
Mọi phụ nữ, trẻ em gái và mỗi người dân tại Việt Nam đều xứng đáng được hưởng một cuộc sống không có bạo lực, với phẩm giá được tôn trọng và có cơ hội để phát triển.
Xin cảm ơn sự cam kết của các Quí vị đối với sứ mệnh quan trọng này.
Xin cảm ơn!