Chị Hiền ngồi đó trong một quán cafe nhỏ tại quận Hoàn Kiếm, chị kể chị chọn quán cafe này, phần vì gần nhà, phần vì quán nhỏ có lối đi vỉa hè rộng rãi đủ để chị thư thả tự di chuyển dù chân chị đã yếu đi nhiều qua thời gian, và cũng vì ‘Bạn chủ quán ở đây thân thiện lắm, rất yêu thương và hỗ trợ người khuyết tật.”
Kể lại về câu chuyện cuộc đời mình, tất cả bắt đầu từ một cơn sốt tai quái: “Chị sinh ra khỏe mạnh nhưng sau cơn sốt bại liệt năm 1 tuổi, chị bị liệt nửa người. Gia đình cũng cố gắng chạy chữa nhưng vẫn để lại di chứng, chị bị liệt hoàn toàn một bên.”
Những rào cản về khoảng cách cũng từng làm chị Hiền chùn bước, nhưng chị vẫn tiến lên bằng sức bật của ý chí. Điểm tựa và sự hỗ trợ từ gia đình cũng là đòn bẩy để chị chinh phục từ những lớp học mặt đất, cho tới cả những lớp học với cầu thang gỗ ở tầng 4, điều tưởng chừng không thể.
“Thực ra lúc nhỏ chị cũng không thấy nhiều vấn đề vì luôn có gia đình giúp đỡ. Nhưng chị chỉ thực sự nhận ra sự khác biệt khi bắt đầu đi học, lúc đó là những năm 70, trong giai đoạn chiến tranh còn rất nhiều khó khăn. Ngày đầu tiên tới lớp, mọi người trêu, rồi cứ đi sát đẩy chị ngã. Đến lúc đó chị mới nghĩ, chắc là mình khác mọi người…” - chị nói, giọng nghẹn lại, đôi mắt hơi rưng rưng ngấn lệ.
Những tổn thương, phân biệt đối xử với người khuyết tật đã khiến chị Hiền, khi đó là một cô bé 7 tuổi với nhiều ước mơ, nhiều hoài bão trở nên sợ hãi, khép mình, đôi khi là hình thành cả những suy nghĩ tiêu cực, khiến chị nhiều lần đề xuất với bố mẹ rằng bản thân muốn thôi học.
Chị Hiền lo âu là vậy, nhưng lại chẳng dễ bỏ cuộc nhờ sự động viên của bố mẹ, dù không ít lần bị ‘gõ đầu’, bị trêu chọc, xô ngã bởi các bạn. chị nói chỉ có gia đình, bố mẹ là niềm an ủi để chị tiếp tục theo đuổi con chữ:
“Bố mình là một người rất nhẹ nhàng, không bao giờ nói to hay quát mắng, chỉ khuyên bảo mình. Lúc đó mình 7 tuổi, mình nhớ mãi bố khuyên mình cố gắng học, khi mình học giỏi các bạn sẽ không bắt nạt mình nữa. Mình cứ tin vào điều đó và quyết tâm, chăm chú vào việc học.
Khi mình lên tới cấp 2, rồi vào cấp 3 mình đã bắt đầu thích may vá. Bố mẹ cũng khuyên mình học hết cấp 3. Hết cấp 3 mình cũng cố gắng khi vào đại học và may mắn đỗ. Nhưng mọi người cũng khuyên vì sức khỏe yếu nên mình chuyển sang con đường học nghề và bố mẹ cũng ủng hộ. Mình học nghề và làm nghề từ đó tới nay, từ những năm 80, 82.”
“Hay là là bỏ” cho tới hành trình tự mình leo tới ước mơ
Thời điểm bắt đầu học may, những thách thức lại lần nữa như muốn khiến chị gục ngã, đó là những thách thức về thể lực chị chỉ có thể tự mình vượt qua. Dù chân mềm nhưng ý chí chị Hiền vững, chị vẫn tự mình theo đuổi điều mình đam mê.
“Hồi đó chị rất thích học ở nhà may đó, vì họ may đẹp nổi tiếng ở Hà Nội. Nhưng nhà thầy chị học may lại ở trên tận tầng 4. Ngày đầu tiên, nơi học ở tầng 4 lại phải leo cầu thang gỗ, mình đã nghĩ hay thôi học chỗ khác, vì chẳng có cách nào leo lên nổi. Hôm sau mình nghĩ cứ thử, mình leo từng bậc thang, từng tầng, mỗi tầng lại dừng nghỉ rồi cũng lên tới nơi. Trong đầu mình lúc đó cũng nghĩ nếu mình cố gắng thì điều may mắn sẽ tới. Và rồi mình cứ leo mỗi ngày.”
Chị Hiền của bây giờ là một thợ may lành nghề, có lượng khách ổn định, tự lo cho bản thân và gia đình của mình. Tuy nhiên, chị chưa hoàn toàn gỡ bỏ được tự ti trong mình, cho tới khi chị tham gia vào các hoạt động của người khuyết tật, vì người khuyết tật.
“Bản thân mình là một đứa trẻ may mắn, được bố mẹ tạo mọi điều kiện để đi học. Mình làm nghề may, trộm vía cũng may mắn đông khách và nhiều người học nghề, kể cả các bạn khuyết tật. Ấy thế mà dù có công việc ổn định, có giao tiếp xã hội nhưng cũng chưa tự tin đâu.
Từ năm 2009 mình tham gia Hội Người khuyết tật, mình cũng có tự tin hơn khi gặp nhiều hơn những người giống mình, những người đồng cảm với hoàn cảnh của mình. Mình ra đường nhiều hơn và được động viên tham gia nhiều cuộc thi hơn”.
Cuộc thi “Lăng kính sẻ chia” của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cũng là một trong những cuộc thi chị Hiền tham gia. Chị Hiền gửi tới UNFPA ba bức ảnh, mỗi bức ảnh lại là một câu chuyện về những người khuyết tật xung quanh chị, trong những không gian tương tác xã hội với cha mẹ, con cái và cộng đồng của mình.
“Bức ảnh đầu tiên chị gửi là một lớp học dành cho cả người khuyết tật và người không khuyết tật. Trong không gian của nhà may, cô giáo đang hướng dẫn bọn chị làm hoa tái chế, sáng tạo từ những mảnh vải vụn. Thực ra để người khuyết tật làm ra được những bông hoa như thế rất khó.Dự án: “Hoa vải tái chế tạo sinh kế cho phụ nữ khuyết tật”của người khuyết tật cũng là đề xuất dự án chị mang dự thi ở cuộc thi “Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo - Chuyển đổi xanh” năm 2024. Dự án vượt qua 127 đề xuất vào top 15 và đạt giải khuyến khích. Bức ảnh này là trong quá trình học tập, làm việc mọi người chụp cho nhau, ai cũng đều háo hức.
Như những mảnh vải không lành được làm thành những bông hoa rực rỡ, người khuyết tật khi được ở trong chính cộng đồng của mình, được đóng góp, làm việc, họ đều rực rỡ theo những cách rất riêng.
“Ngay cả tới bây giờ, cơ hội cho người khuyết tật cũng không có nhiều. Dù chính sách đã có những ưu tiên cho người khuyết tật, vẫn có những bất lợi, đặc biệt là tiếp cận với NKT. Như giao thông, các vỉa hè hay lối lên xe bus đều khá khó khăn cho người khuyết tật, đặc biệt là NKT vận động. Với những người khiếm thính, cần có những biển chỉ dẫn hay các làn đường riêng cho người khiếm thị.
Với những người khuyết tật trí tuệ thì khó có khả năng tự chủ và luôn cần người hỗ trợ. Tuy nhiên với các dạng vận động khác như khiếm thị, khiếm thính, họ vẫn hoàn toàn có khả năng tự chủ và làm được những việc như người không khuyết tật. Chỉ khi gặp rào cản, họ mới trở thành người khuyết tật.”
Người khuyết tật đã là khó khăn, phụ nữ khuyết tật còn gặp rào cản, khó khăn gấp đôi - Là một người phụ nữ khuyết tật, làm việc với người khuyết tật, chị Hiền vẫn giữ trong lòng nhiều trăn trở, vì những câu chuyện của cộng đồng:
“Người khuyết tật mang thai, sinh nở và nuôi dưỡng một đứa trẻ là chuyện khó vô cùng. Năm 2022, chi hội người khuyết tật Quận Hoàn Kiếm cũng thực hiện một dự án “ Quyền và Sức khoẻ sinh sản của người khuyết tật ’’ do Quỹ Abilis Phần Lan tài trợ năm 2022 với các hoạt động tập huấn: Tiếp cận thông tin về quyền sức khoẻ sinh sản - Thực hành kỹ năng về quyền sức khoẻ sinh sản; Tiếp cận luật pháp cùng các quy định về phòng chống quấy rối và xâm hại tình dục với NKT; Kỹ năng phòng tránh quấy rối và xâm hại tình dục đối với NKT; Tư vấn chăm sóc sức khoẻ sinh sản và hướng dẫn cách phòng tránh thai an toàn, phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục cho phụ nữ KT. Qua những hoạt động của dự án đó, mọi người cũng hiểu thêm nhiều thứ trước đó mọi người không biết. Qua đó mọi người mới biết thêm về các phương pháp tránh thai và bảo vệ sức khỏe của mình. Nhiều NKT trong môi trường khép kín và thiếu tiếp cận về thông tin nên họ sinh 2,3 con mà không có khả năng nuôi dưỡng. Thậm chí có những trường hợp bố mẹ buộc phải mang con đi triệt sản vì không biết làm thế nào.”
Từ những trăn trở đó, chị Hiền mong mỏi có thêm những dự án chủ đề về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục để người khuyết tật bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bạo lực/xâm hại. Đặc biệt với người khuyết tật nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng với những kiến thức này cần chi tiết, cặn kẽ và dễ hiểu nhất.
“Với chị bây giờ cứ giúp được càng nhiều người càng tốt. Mình muốn tiếp tục dạy nghề để các bạn có việc làm và có thêm thu nhập. Bây giờ mình hạnh phúc nhất là các bạn có các sản phẩm kinh doanh được, có thêm thu nhập là mình thấy hạnh phúc nhất.”
Chị Hiền khi đã đi quá nửa đời người, chị tìm thấy niềm vui trong việc giúp đỡ cộng đồng của mình để mỗi cá nhân vươn lên, độc lập và hạnh phúc. Người khuyết tật vì người khuyết tật, để những mảnh đời dù có khuyết, vẫn sẽ trở thành những đóa hoa rực rỡ.
—
Bài viết nằm trong chuỗi bài viết “WeDecide” (tạm dịch: Chúng tôi lựa chọn) của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) nhân Ngày Người Khuyết Tật Việt Nam (18/04). UNFPA ủng hộ quyền tự quyết của mỗi người, bao gồm người khuyết tật và hướng tới một xã hội công bằng, bình đẳng, nơi không người khuyết tật hay nhóm yếu thế nào bị bỏ lại phía sau.
Về sứ mệnh của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc:
UNFPA - Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc là cơ quan Liên Hợp Quốc chuyên trách về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Sứ mệnh của UNFPA là “tạo ra một thế giới nơi việc mang thai được mong muốn, mọi ca sinh nở đều an toàn và tiềm năng của mỗi người trẻ tuổi đều được phát huy.”
Về Chương trình WeDecide của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc:
We Decide là một sáng kiến toàn cầu của UNFPA với sự hỗ trợ từ Chính phủ Tây Ban Nha, nhằm thúc đẩy quyền con người và sự hòa nhập xã hội của phụ nữ và thanh thiếu niên khuyết tật, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và quyền tình dục, cũng như phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Chương trình hướng đến xây dựng một mô hình can thiệp dựa trên quyền con người, phù hợp với các tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế, đồng thời bảo đảm sự tham gia trực tiếp của người khuyết tật trong quá trình thiết kế và triển khai.
Chương trình đặc biệt nhấn mạnh đến phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, những người thường phải đối mặt với nhiều rào cản về tiếp cận dịch vụ y tế, thông tin, giáo dục và sự bảo vệ khỏi bạo lực. Thông qua We Decide, UNFPA hướng đến việc bảo đảm mọi người đều có quyền ra quyết định về cơ thể và cuộc sống của chính mình, không bị phân biệt đối xử và bạo lực.