Bạn đang ở đây

Xin chào các Quý vị đi biểu,

 

Thay mặt cho Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, tôi rất vui mừng được chào đón tất cả các quý vị đã đến tham dự hội thảo tham vấn kết quả nghiên cứu cuối kỳ về Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.

 

Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) đã thực hiện nghiên cứu cuối kỳ này, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐTBXH)Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ công tác thực địa, và các đối tác địa phương tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Hòa Bình và Bình Phước đã hỗ trợ và tham gia nghiên cứu. Và tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến những người tham gia phỏng vấn đã chia sẻ các câu chuyện và trải nghiệm của mình trong nghiên cứu này.

 

Thưa các gửi Quý vị đại biểu,

 

Trong những thập kỷ qua, UNFPA đã có đóng góp đáng kể vào công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam. Tuy nhiên, lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới vẫn là một thực hành có hại dai dẳng đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam. Cùng với tâm lý “ưa thích con trai” lâu đời, chính những hệ thống định kiến giới đã làm cho nam giới và trẻ em trai có vị trí xã hội cao hơn và được ưu tiên hơn so với trẻ em gái.

 

"Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS)" là chỉ số trực tiếp thể hiện lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và chênh lệch TSGTKS ở Việt Nam. Đã có nhiều bé trai được sinh ra hơn số bé gái và TSGTKS là 111,5 bé trai trên 100 bé gái (2019), so với TSGTKS “bình thường” về mặt sinh học là 105-106 bé trai trên 100 bé gái. Số liệu từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cũng ước tính mỗi năm tại Việt Nam, 45.900 trẻ em gái không được sinh ra. Vấn đề dư thừa nam giới trong độ tuổi 15-49 sẽ tăng lên đến 1.500.000 nam giới vào năm 2034 và có thể lên đến 2.500.000 nếu tỷ số giới tính khi sinh không thể giảm xuống.

 

Thưa các Quý vị đại biểu,

 

Dự án “Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại ở châu Á” nhằm mục đích xây dựng và củng cố các chính sách và dự án quốc gia dựa trên bằng chứng để giải quyết vấn đề ưa thích con trai, đánh giá thấp trẻ em gái và bất bình đẳng giới dẫn đến lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới ở các nước châu Á. Dự án mong muốn đóng góp một cách tích cực vào tiến trình thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt liên quan đến Mục tiêu 5.3 về loại bỏ các thực hành có hại. Dự án được triển khai từ tháng 01/2020 đến tháng 12/2022 tại 03 quốc gia trọng tâm là Bangladesh, Nepal và Việt Nam.

 

Tại Việt Nam, dưới sự hợp tác chặt chẽ giữa UNFPA với Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam và CSAGA, dự án được triển khai tại tỉnh Bắc Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu. Nghiên cứu cuối kỳ này được thực hiện tại hai tỉnh dự án và hai tỉnh đối chứng khác là Hòa Bình và Bình Phước, nhằm đánh giá độc lập mức độ phù hợp, hiệu suất, hiệu quả, tính bền vững và tác động ban đầu của dự án, đặc biệt là đánh giá mức độ thay đổi về kiến thức, thái độ, thực hành (KAP) của người dân. Ngoài ra, nghiên cứu cuối kỳ còn đưa ra những khuyến nghị dựa trên bằng chứng nhằm cải thiện thiết kế dự án hướng đến giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và tâm lý ưa thích con trai.

 

Các mục tiêu cụ thể của nghiên cứu:

  • Đánh giá kiến thức và hiểu biết của chính quyền địa phương, các tổ chức quần chúng, phương tiện truyền thông, đơn vị cung cấp dịch vụ, lãnh đạo cộng đồng và lãnh đạo tôn giáo về các chính sách và thực hành liên quan đến lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới;
  • Đo lường mức độ thay đổi KAP của phụ nữ và nam giới trong cộng đồng, người đã kết hôn và chưa kết hôn, và các thành viên trong gia đình họ về lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới;
  • Rút ra những bài học kinh nghiệm và kiến nghị để mở rộng dự án trên quy mô cấp tỉnh và toàn quốc; và
  • Đưa ra các đề xuất rõ ràng, mang tính chiến lược, khả thi và lâu dài cho chu kỳ xây dựng dự án tiếp theo.

 

Kết quả từ nghiên cứu cuối kỳ này đã cho thấy nhận thức của người dân về bình đẳng giới đã được cải thiện, chẳng hạn như có nhiều nam giới sẵn sàng làm việc nhà hơn, đặc biệt là chăm sóc con cái và người già. Nhất là, tỷ lệ người dân có quan điểm “mỗi hộ gia đình phải có ít nhất một con trai nối dõi tông đường” đã giảm so với nghiên cứu đầu kỳ. Bên cạnh đó, người dân đã có nhận thức tốt hơn về hậu quả của việc thừa con trai và các kiến thức về chính sách, pháp luật liên quan đến kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các chuẩn mực giới và tâm lý ưa thích con trai vẫn còn tồn tại, do đó, chúng ta cần tiếp tục kiên trì hành động để có thể giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới.

 

Thưa các Quý vị đại biểu,

 

Trong số 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững thuộc Chương trình nghị sự 2030, Mục tiêu số 5 "Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong các tình huống khủng hoảng và nhân đạo. Và tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, việc thực hiện mục tiêu này đang chững lại. Chương trình nghị sự 2030 đã cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau. Điều này có nghĩa rằng, trong các nỗ lực phát triển của chúng ta, trẻ em gái phải là một trong những ưu tiên. Thế giới, trong đó có Việt Nam, cần đảm bảo rằng tất cả trẻ em gái có được cơ hội bình đẳng. Văn hóa “ưa thích con trai” phải được thay đổi, trong đó việc đánh giá bình đẳng giá trị của trẻ em gái là điều mà chúng ta phải thấm nhuần trong mọi bối cảnh.

 

Với thông điệp này, xin kính chúc các Quý đại biểu có một buổi hội thảo trao đổi hiệu quả để đảm bảo báo cáo phản ánh đầy đủ tác động của dự án, giúp cung cấp các bằng chứng có giá trị và bài học kinh nghiệm quan trọng cho chu kỳ xây dựng dự án tiếp theo.

 

Xin chân thành cảm ơn các Quý vị đã tham gia và đóng góp cho hội thảo của chúng tôi!