Kính thưa Bà Trần Tuyết Anh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Các đồng nghiệp từ LHQ và thành viên ban soạn thảo;
Hôm nay, tôi rất hân hạn được cùng bà Trần Tuyết Anh chủ trì cuộc họp tham vấn, thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là cơ hội đặc biệt để các cơ quan LHQ cùng chia sẻ quan điểm trong việc giải quyết vấn đề bạo lực gia đình - bạo lực phụ nữ và trẻ em - và đảm bảo rằng các cơ quan hữu quan của Chính phủ được lắng nghe tiếng nói của LHQ trong quá trình hoàn thiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) mới.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng sự tham gia của LHQ trong cuộc họp này thể hiện cam kết toàn diện và sự hưởng ứng tích cực của LHQ đối với Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới của Việt Nam cũng như 16 ngày hành động chống bạo lực giới của LHQ. Chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực để đảm bảo “Tất cả phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam, bao gồm những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, được sống một cuộc sống không bạo lực”
Thưa quý vị,
Nhân cơ hội này, tôi muốn nhắc lại sự kiện Việt Nam thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 cho thấy cam kết mạnh mẽ và những nỗ lực vượt bậc của đất nước trong việc giải quyết bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái. Luật đã tạo hành lang pháp lý vững chắc để xây dựng, triển khai thực hiện nhiều chính sách và chương trình can thiệp trong hai thập kỷ qua.
Năm 2016, với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đánh giá chặng đường 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tập trung vào 03 lĩnh vực: (i) việc thực thi pháp luật và sự tham gia của các bên hữu quan; (ii) tính nhất quán của Luật so với các điều ước quốc tế; và (iii) tính nhất quán của Luật so với các luật, chính sách khác có liên quan tại Việt Nam. Sau khi đánh giá, Bộ đã đưa ra kiến nghị sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 với 04 lý do chính. Đầu tiên, Luật cần có nền tảng vững chắc hơn về quyền con người và phù hợp với nguyên tắc tiếp cận lấy người bị bạo lực làm trung tâm. Thứ hai, cần xem xét các hình thức bạo lực khác đối với phụ nữ và trẻ em gái xảy ra ngoài môi trường gia đình để có thể giải quyết vấn đề này vượt ra khỏi phạm trù gia đình và riêng tư. Thứ ba, cần cung cấp đầy đủ dịch vụ thiết yếu đảm bảo chất lượng, không chỉ bao gồm nơi trú ẩn mà còn cả các dịch vụ y tế, tư vấn, bảo đảm an ninh và tư pháp. Và cuối cùng, các chương trình can thiệp nhằm ngăn chặn bạo lực gia đình cần tập trung vào thay đổi hành vi và ứng phó cấp cơ sở, đồng thời các hoạt động truyền thông không nên chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức và phát động các chiến dịch.
Kết quả Nghiên cứu quốc gia về bạo lực phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do UNFPA hỗ trợ cho thấy tỷ lệ bạo lực ít thay đổi so với nghiên cứu đầu tiên được thực hiện vào năm 2010. Kết quả này rất đáng thất vọng. Theo Nghiên cứu năm 2019, 62,9% phụ nữ ở Việt Nam từng trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần và kinh tế và bị chồng kiểm soát hành vi trong suốt cuộc đời. Bạo lực là vấn đề còn ẩn khuất trong xã hội Việt Nam khi có tới 90,4% người bị bạo lực giới không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính quyền và một nửa trong số đó chưa từng kể với ai về tình trạng bị bạo lực của mình. Bên cạnh đó, bạo lực phụ nữ đang gây tổn thất 1,81% GDP cho đất nước. Và đây là một vấn đề đáng báo động. Các khuyến nghị được đưa ra từ kết quả Nghiên cứu quốc gia về bạo lực phụ nữ năm 2019 cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách và luật pháp hiện hành có liên quan, trong đó có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, sao cho phù hợp với các cam kết và chuẩn mực quốc tế.
Vì lý do đó, UNFPA đã hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát lại Luật, có tính đến tất cả các khuyến nghị được đưa ra từ nhiều nghiên cứu khác nhau. Việc sửa đổi còn nhằm đảm bảo phản ánh các tiêu chuẩn và cam kết quốc tế về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em gái trong các luật và chính sách liên quan của Việt Nam. UNFPA còn hỗ trợ Bộ xây dựng hồ sơ đề xuất sửa đổi Luật để chính thức trình Quốc hội. Hồ sơ bao gồm 03 bản báo cáo đánh giá là Rà soát Đánh giá về giới, Đánh giá Kinh nghiệm quốc tế về Luật Phòng chống bạo lực gia đình và bài học kinh nghiệm dành cho Việt Nam, và Đánh giá hệ thống luật, chính sách hiện hành của Việt Nam liên quan đến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong bối cảnh này, những ý kiến đóng góp của quý vị đối với Luật sửa đổi hôm nay sẽ có giá trị rất lớn, giúp ban soạn thảo hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua vào năm sau. Chúng ta không được bỏ bất kỳ ai lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của Việt Nam, bao gồm cả những người bị bạo lực cũng như phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực.
Xin cảm ơn sự quan tâm và tham gia của quý vị!