Bạn đang ở đây

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế;

Đại diện Bộ Y tế, các phương tiện truyền thông, các đồng nghiệp tại Liên Hợp Quốc (UN) và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), cùng những đại biểu tham gia trực tuyến;

Kính thưa các quý vị đại biểu;

 

Xin kính chào toàn thể các vị khách quý đã đến tham gia sự kiện của chúng tôi vào chiều hôm nay.

 

Cách đây 8 tháng, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Bộ Y tế đã giới thiệu thử nghiệm ứng dụng di động “S-Health”. Kể từ buổi giới thiệu đó, ứng dụng di động “S-Health” đã được nâng cấp để cung cấp nền tảng truy cập miễn phí cho mọi người sử dụng tìm kiếm thông tin về sức khỏe nói chung và đặc biệt là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.  Ứng dụng di động “S-Health” này rất đáng tin cậy và thuận tiện cho người sử dụng. Ứng dụng đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe và đảm bảo sự hội nhập tiếp cận công nghệ số cho người cao tuổi.  

 

Tôi xin chân thành cảm ơn sự cộng tác chặt chẽ của Bộ Y tế và hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản trong việc phát triển và nâng cấp ứng dụng di động “S-Health” nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng cho người cao tuổi Việt Nam. Ứng dụng di động “S-Health” hiện nay có thể cung cấp nhiều thông tin và hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe rất đáng tin cậy, phù hợp với người cao tuổi. Ứng dụng này cũng có chức năng cho người cao tuổi theo dõi các chỉ số sức khỏe hàng ngày với việc bổ sung, nâng cấp một số chức năng của ứng dụng để quản lý, theo dõi lịch trình của cá nhân người cao tuổi như nhắc nhở thời gian uống thuốc hoặc lịch khám sức khỏe. S-Health cho phép các thành viên trong gia đình kết nối với nhau trên app và kết nối với mạng lưới bác sĩ gia đình và các viện dưỡng lão. Ứng dụng di động “S-health” cũng đã được thiết kế lại để trở nên thân thiện hơn với người cao tuổi về độ tương phản và màu sắc và đồng thời dễ sử dụng hơn.

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Năm 2019, trên thế giới ước tính đã có 703 triệu người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên. Dự báo con số này sẽ tăng gấp đôi trong ba thập kỷ tới, tăng hơn 1,5 tỷ người vào năm 2050. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Dự báo đến năm 2036, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia “dân số già”, số người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên là 21,3 triệu người, khoảng 1/5 tổng dân số.

Người cao tuổi là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp và ứng phó nhân đạo. Các nhu cầu đặc thù của NCT, nhất là về chăm sóc sức khỏe, phải được đáp ứng bằng các cơ chế an sinh xã hội tích hợp và toàn diện và vấn đề này càng trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến người cao tuổi, đồng thời dấy lên mối lo ngại về sức khỏe và phúc lợi của người cao tuổi trong xã hội. Tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi đều có thể bị lây nhiễm COVID-19, tuy nhiên người cao tuổi và những người có bệnh lý nền sẽ có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng và có tỷ lệ tử vong cao hơn. Rõ ràng, người cao tuổi có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn, và tỷ lệ này ở người trên 80 tuổi cao gấp 5 lần mức trung bình toàn cầu. Do đó, người cao tuổi phải là đối tượng ưu tiên trong nỗ lực của Việt Nam nhằm vượt qua đại dịch COVID-19 để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động ứng phó nhân đạo cũng như trong nỗ lực phát triển.

Già hóa dân số và công nghệ kỹ thuật số đồng thời là một phần của các Xu hướng Lớn-Mega Trends trên toàn thế giới mà tất cả chúng ta phải đáp ứng. Công nghệ kỹ thuật số đang tiếp tục định hình lại cách chúng ta tiếp cận thông tin chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ chăm sóc. Đại dịch COVID-19 chỉ làm cho xu hướng trở nên rõ ràng hơn: tiếp cận kỹ thuật số đã trở thành một yếu tố xã hội mới quyết định đến sức khỏe. Hơn bao giờ hết, khả năng sử dụng công nghệ kỹ thuật số của người cao tuổi có thể tác động đến tình trạng sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ.

 

Cho đến nay, có một ứng dụng di động chăm sóc sức khỏe là một giải pháp không thể thiếu cho việc chăm sóc sức khỏe từ xa bởi vì trên toàn cầu, việc sử dụng Internet của người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi sơ lão (60-69 tuổi) đã tăng lên đáng kể kể từ bùng phát đại dịch COVID-19 (theo Báo cáo của Ericsson năm 2021). Hơn 80% trong số những người cao tuổi từ 60-69 tuổi sử dụng Internet vào năm 2020 so với 62% vào năm 2015. Theo Điều tra quốc gia về người cao tuổi ở Việt Nam năm 2019, 93% NCT ở nông thôn và 97% ở thành thị có điện thoại di động; và khoảng 4/10 người cao tuổi sử dụng điện thoại thông minh.

 

Trong bối cảnh đó, việc phát triển và ra mắt ứng dụng di động “S-Health” hoàn toàn phù hợp để cung cấp thông tin sức khỏe và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, người chăm sóc và các thành viên trong gia đình, đồng thời giúp cho cho người cao tuổi kết nối với xã hội.

 

Hôm qua, tôi có vinh dự được gặp gỡ trực tuyến các em học sinh, sinh viên của 54 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc 32 tỉnh, thành phố là tác giả của 200 dự án khởi nghiệp sáng tạo, sử dụng công nghệ số hỗ trợ người cao tuổi và người khuyết tật. Đó là những bài dự thi trong cuộc thi Khởi nghiệp -Startup Kite với chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời đại 4.0 nhằm Hỗ trợ Người cao tuổi và Người khuyết tật”. Với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản, UNFPA rất vui mừng được hỗ trợ kỹ thuật cho cuộc thi nhằm tìm kiếm, phát hiện các tiềm năng của thế hệ trẻ và để hướng tới hỗ trợ hơn nữa cho những người cao tuổi trong thời đại kỹ thuật số.

 

Chúng tôi tin tưởng rằng cùng với ứng dụng di động S-Health, sẽ có nhiều phát minh mới ứng dụng công nghệ kỹ thuật số sẽ được phát triển, đem lại hy vọng lớn cho việc thúc đẩy tiến trình đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững ở Việt Nam. UNFPA cam kết tiếp tục hỗ trợ phát triển và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để bảo vệ các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất, bao gồm phụ nữ và trẻ em gái, thanh niên và người cao tuổi.

 

Xin cảm ơn tất cả các quý vị.