- Kính thưa Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp;
- Ông Romain Santon, Phó Giám đốc tổ chức Vital Strategies khu vực Châu Á - Thái Bình Dương;
- Đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Thống kê, và các Bộ, Ban, ngành của Chính phủ;
- Đại diện Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố;
- Các Đối tác Phát triển, các đồng nghiệp trong Liên Hợp Quốc, và đại diện các cơ quan truyền thông;
Kính thưa các vị khách quý,
Tôi rất vui mừng khi có mặt tại đây ngày hôm nay để tham dự Hội nghị Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia của Việt Nam về Đăng ký và Thống kê hộ tịch, giai đoạn 2017-2024. Tôi xin gửi lời chúc mừng đến Bộ Tư pháp đã có sự phối hợp và lãnh đạo hiệu quả trong việc triển khai Chương trình Hành động Quốc gia đầu tiên về Đăng ký và Thống kê hộ tịch trong 5 năm qua. Tôi cũng rất vui mừng khi không chỉ Bộ Tư pháp, mà các Bộ, ngành, ở trung ương và địa phương đã cam kết đẩy mạnh hoạt động của Chương trình Hành động để đạt được hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch hiện đại.
Hôm nay là một cơ hội đặc biệt đối với tất cả chúng ta để đánh giá những thành tựu đã đạt được sau 5 năm, và những gì chúng ta chưa đạt được. Chúng ta cũng sẽ thảo luận về những thách thức hiện nay và giải pháp khả thi để thúc đẩy việc thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia nhằm đạt những mục tiêu đặt ra đến năm 2024. UNFPA vô cùng vinh dự khi được tham gia quá trình này và đóng góp cho những nỗ lực của Chính phủ.
Thưa toàn thể quý vị,
Một tuần trước đây, Hội nghị Bộ trưởng Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai về Đăng ký và thống kê hộ tịch được Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Bangkok, đánh dấu mốc nửa chặng đường của Thập kỷ đăng ký và thống kê hộ tịch tại khu vực, giai đoạn 2015-2024. Hội nghị đã chia sẻ về bài học kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia trong khu vực, thảo luận về những thách thức còn tồn đọng, xác định các giải pháp, và đưa ra những cam kết của khu vực để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch cấp quốc gia, đảm bảo mỗi cá nhân đều được quan tâm và danh tính của mỗi người đều được pháp luật công nhận một cách chính thức thông qua việc đăng ký khai sinh.
Báo cáo của Hội nghị đã chỉ ra rằng, các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đã đạt được các kết quả to lớn hướng đến ba mục tiêu của Khung Hành động khu vực. Hầu hết các quốc gia đang thực hiện để đạt được mục tiêu đăng ký khai sinh toàn dân đến năm 2030. Đây là một thành tựu to lớn và cột mốc quan trọng để thực hiện quyền con người và sự bình đẳng. Số trẻ em dưới 5 tuổi trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chưa bao giờ được đăng ký khai sinh đã giảm từ 135 triệu trong năm 2012 còn 64 triệu vào năm 2019. Việt Nam đã đạt được rất gần mục tiêu đăng ký khai sinh toàn dân với 98.8% số trẻ em dưới 5 tuổi đã được đăng ký khai sinh.
Tuy nhiên, Hội nghị cũng đã khẳng định sự cần thiết trong việc đẩy mạnh việc đăng ký khai tử, cũng như đăng ký hộ tịch khác và tăng cường sử dụng thông tin đăng ký hộ tịch cho công tác thống kê hộ tịch, phục vụ cho việc hoạch định và giám sát chính sách, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Thưa toàn thể Quý vị,
Một hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch hiệu quả sẽ đảm bảo mọi người đều được hưởng các lợi ích xã hội, bao gồm chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Một cơ chế đăng ký tinh gọn xuyên suốt cuộc đời đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ, tạo nên một khuôn khổ nhằm giải quyết bất bình đẳng giới.
Hơn nữa, số liệu thống kê hộ tịch chính xác và đầy đủ - trích từ hồ sơ đăng ký hộ tịch - đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng các chính sách quốc gia và địa phương, cũng như trong việc đo lường các kết quả phát triển, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Ví dụ, số liệu thống kê kịp thời được phân tổ theo nguyên nhân tử vong và các đặc điểm nhân khẩu học khác là những thông tin quan trọng trong việc thiết kế, thực hiện và giám sát các chính sách y tế công cộng, cũng như để nhận biết các vấn đề sức khỏe mới nổi, chẳng hạn như COVID-19.
Chúng ta chỉ còn chín năm để hoàn thành Các mục tiêu phát triển bền vững, và hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch đóng vai trò quan trọng trong quá trình đó. Chúng ta cần nhớ rằng các chỉ số của 15 trên 17 mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi có dữ liệu đăng ký và thống kê hộ tịch có chất lượng. Như vậy, công tác đăng ký và thống kê hộ tịch có thể được coi như một công cụ thúc đẩy để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, tôi muốn nhấn mạnh ba điểm đối với Việt Nam:
Thứ nhất, Ban Chỉ đạo Quốc gia đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai Chương trình Hành động Quốc gia về Đăng ký và Thống kê hộ tịch. Ban chỉ đạo đóng vai trò kết nối giữa các Bộ, Ban, ngành, hướng dẫn, giám sát và vận động đầu tư bền vững vào công tác đăng ký và thống kê hộ tịch. Do đó, điều quan trọng là cần củng cố vai trò và trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Quốc gia.
Thứ hai, một hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch hoạt động tốt chỉ có thể đạt được thông qua sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các Bộ, Ban, ngành và các cơ quan ở các cấp dưới sự điều phối của Ban Chỉ đạo Quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp các bộ ngành chia sẻ thông tin hiệu quả hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tiến toàn bộ hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch.
Thứ ba, hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch hiện đại sẽ giúp Việt Nam thực hiện các cam kết của mình trong Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng lần thứ hai về “Xây dựng một tương lai có khả năng thích ứng tốt hơn với hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch tốt ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”. Điều đó đảm bảo quyền con người được pháp luật công nhận (đặc biệt là thông qua đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử và các sự kiện hộ tịch khác) và tăng sự tiếp cận của người dân tới các dịch vụ xã hội. Đại dịch COVID-19 đã chỉ ra rõ nhu cầu cấp bách là phải chú trọng đến việc thông báo chứng tử và đăng ký khai tử phù hợp với tiêu chuẩn của Bảng phân loại Bệnh tật Quốc tế. UNFPA sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh quá trình thay đổi, hướng tới một hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch hiện đại và tiến bộ, trong đó dữ liệu hộ tịch sẽ được chia sẻ và sử dụng cho mục đích xây dựng và thực hiện các chính sách và ra quyết định dựa trên bằng chứng.
Kết thúc bài phát biểu, tôi xin cảm ơn tổ chức Vital Strategies đã hợp tác với UNFPA thông qua Sáng kiến dữ liệu cho sức khỏe của Quỹ Bloomberg Philanthropies. Chúng tôi cam kết toàn tâm hỗ trợ để Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu xây dựng hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch hiện đại và tiến bộ, để “Tất cả mọi người Việt Nam được quan tâm”. Đây là điều cần thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc vào năm 2030.
Xin cảm ơn và chúc quý vị có một buổi hội nghị thành công tốt đẹp!