Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện, tại tọa đàm về vai trò của các tổ chức xã hội trong việc chấm dứt bạo lực gia đình.

Bài phát biểu của bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện, tại tọa đàm về vai trò của các tổ chức xã hội trong việc chấm dứt bạo lực gia đình.

Tuyên bố

Bài phát biểu của bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện, tại tọa đàm về vai trò của các tổ chức xã hội trong việc chấm dứt bạo lực gia đình.

calendar_today 12 September 2022

Bà Naomi Kitahara
Bà Naomi Kitahara

Kính thưa Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề Xã Hội của Quốc Hội;
Thưa các quý vị Đại biểu Quốc Hội;
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch;
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA;
Đại diện Mạng lưới GBV net
Các bạn phóng viên;

 

Tôi rất vinh dự tham gia đồng chủ tọa hội nghị tham vấn, góp ý cho dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, một văn bản pháp luật quan trọng đảm bảo quyền con người và để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam. Tôi xin được cảm ơn UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội và tổ chức CSAGA đã tổ chức hội nghị tham vấn ngày hôm nay. Việc tổ chức Hội nghị lần này là rất phù hợp khi dự thảo Luật sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 của Quốc Hội XV vào tháng 10 tới đây.

 

Thưa các quý vị đại biểu,

 

Kể từ tháng 10 năm 2021, khi bản dự thảo đầu tiên của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến của mọi người dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo tham vấn để thảo luận nội dung, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, và thảo luận những giải pháp tối ưu cho dự thảo Luật này tại Việt Nam. UNFPA rất vinh dự được đồng hành cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong suốt quá trình sửa đổi Luật, hỗ trợ kỹ thuật đưa các kiến nghị từ nhiều nghiên cứu khác nhau và đảm bảo Luật sửa đổi phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và những cam kết của Chính phủ đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

 

Và chúng tôi rất phấn khởi khi thấy Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi đã được xây dựng dựa trên cách tiếp cận quyền con người, có đúc kết những bài học kinh nghiệm và mô hình tốt của các nước. Chúng tôi kiến nghị cần tăng cường hơn nữa vai trò của các bộ, ngành và cơ quan liên quan đồng thời thúc đẩy xã hội hóa tạo điều kiện để các tổ chức xã hội và các tổ chức phi chính phủ tham gia đóng góp cho quá trình thực hiện những chính sách và chương trình nhằm chấm dứt bạo lực gia đình tại Việt Nam.

 

Hướng tiếp cận lấy người bị bạo lực làm trung tâm đã được áp dụng nhằm đảm bảo quyền, nhu cầu và tiếng nói của họ được thực sự quan tâm và lắng nghe. Điều này lại càng trở nên vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam khi bạo lực đối với phụ nữ hầu hết vẫn bị che dấu. Dự thảo Luật sửa đổi cũng đã tập trung vào việc cung cấp các dịch cụ cơ bản và toàn diện cho người bị bạo lực. Dự thảo Luật sửa đổi cũng kêu gọi các bên có liên quan quan tâm hơn nữa đến vấn đề bạo lực gia đình và đóng góp nguồn lực tài chính và kỹ thuật cho các nỗ lực chấm dứt bạo lực gia đình.

 

Sau khi dự thảo Luật sửa đổi được xem xét tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa 15 vào tháng 6 vừa qua, tôi được biết là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UB các vấn đề xã hội của Quốc Hội đã xem xét những ý kiến góp ý của Đại biểu Quốc hội và đã hoàn tất bản dự thảo mới nhất với 56 điều khoản.

 

Ở đây, tôi xin phép được nhấn mạnh rằng kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới như Australia, Hàn Quốc, Canada và Thụy Điển cho thấy các tổ chức xã hội đã cùng đồng hành với Chính phủ trong nỗ lực chấm dứt bạo lực gia đình. Các tổ chức xã hội luôn gần gũi với cộng đồng và hoạt động hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người bị bạo lực và họ được chính phủ hỗ trợ về tài chính. Tôi mong muốn Việt Nam cũng có thể tham khảo thêm giải pháp này để các bên có liên quan đều có thể cùng chung tay chấm dứt bạo lực gia đình tại Việt Nam.

 

Tôi chúc các quý vị đại biểu sẽ có buổi thảo luận thành công.

 

Cám ơn các quý vị đã lắng nghe!