Bạn đang ở đây

  • Kính thưa, Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê Việt Nam;
  • Các chuyên gia quốc tế đến từ Australia, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Mông Cổ, và Thổ Nhĩ Kỳ;
  • Các đồng nghiệp của tôi từ Văn phòng UNFPA khu vực Châu Á Thái Bình Dương và UNFPA Việt Nam.

 

Hôm nay, tôi rất vinh dự có mặt tại đây để đồng chủ trì hội thảo quan trọng này với Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK). Nhân dịp này, tôi xin chúc mừng TCTK, và đặc biệt là bà Hương, vì cam kết mạnh mẽ trong việc hiện đại hóa hệ thống thống kê Việt Nam nhằm thu thập thông tin, phân tích số liệu và phổ biến kết quả, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và theo thông lệ tốt nhất, phục vụ cho quá trình ra quyết định và hoạch định chính sách của đất nước. Đây là mục tiêu cuối cùng của “Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cách đây một năm.

 

 

Kính thưa các Quý vị đại biểu,

 

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nhanh chóng để phát triển kinh tế-xã hội. Đất nước đã và đang thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

 

Ngày nay, không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của số liệu và thống kê đáng tin cậy đối với sự phát triển của đất nước. Sự sẵn có của số liệu thống kê chất lượng ảnh hưởng to lớn đến cách thức chính phủ xác định các thách thức và đưa ra những giải pháp, đặc biệt liên quan đến hỗ trợ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất, bao gồm phụ nữ, thanh niên và vị thành niên, người già, dân tộc thiểu số, lao động nhập cư và người khuyết tật.

 

Đối với hầu hết các quốc gia, tổng điều tra dân số và nhà ở (TĐT) là đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống thống kê quốc gia. TĐT cung cấp thông tin cơ bản để xây dựng, triển khai và đánh giá các chính sách, chiến lược và chương trình của quốc gia, cũng như cho phép so sánh quốc tế. Do cần phải kiểm đếm thông tin toàn bộ dân số, nên TĐT sử dụng phương pháp truyền thống có chi phí rất cao và cần rất nhiều thời gian để thu thập dữ liệu và công bố kết quả.

 

Trong những thập kỷ gần đây, để hiện đại hóa TĐT, một số quốc gia đã sử dụng dữ liệu hành chính để phục vụ cho công tác điều tra dân số. TĐT dựa trên dữ liệu hành chính khai thác thông tin hành chính từ nhiều hệ thống đăng ký khác nhau (chẳng hạn: hệ thống đăng ký dân số, hệ thống quản lý nhà ở/đăng ký địa chỉ, hệ thống an sinh xã hội, v.v.) được đối sánh thông qua việc áp dụng mã số định danh cá nhân. TĐT theo phương phướng kết hợp cho phép một phần dữ liệu được khai thác từ các nguồn số liệu hành chính hiện có, trong khi những dữ liệu còn lại được thu thập từ điều tra thực địa (có thể từ điều tra toàn bộ hoặc điều tra chọn mẫu). Xu hướng tiến hành TĐT theo các phương pháp này trở nên phổ biến ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tỷ lệ các quốc gia sử dụng TĐT dựa trên dữ liệu hành chính/phương pháp kết hợp đã tăng từ 6% ở chu kỳ 2010 lên 22% ở chu kỳ 2020 .

 

Kính thưa các Qúy vị đại biểu,

 

Bốn năm sau khi thống nhất đất nước, TĐT đầu tiên của Việt Nam được thực hiện vào năm 1979, quá trình kiểm đếm dân số Việt Nam diễn ra trong bối cảnh đất nước không còn bị chia cắt hai miền Nam Bắc. Cuộc TĐT gần đây nhất là vào năm 2019, đánh dấu với lần đầu tiên công nghệ thông tin tiên tiến được sử dụng trong tất cả các giai đoạn Tổng điều tra, đặc biệt là trong công tác thực địa. Điều này đã giúp cải thiện đáng kể chất lượng và tính minh bạch của dữ liệu được thu thập, rút ngắn thời gian xử lý, giảm sai sót của con người và phổ biến kết quả điều tra trong thời gian ngắn kỷ lục, 7 tháng. UNFPA tự hào đã hỗ trợ Việt Nam trong cả 05 cuộc TĐT này, đặc biệt là cuộc TĐT năm 2019.

 

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam, việc ứng dụng rộng rãi công nghệ số cũng như sử dụng các nguồn dữ liệu khác nhau như dữ liệu hành chính hay dữ liệu lớn cho các TĐT và điều tra khác đã trở thành ưu tiên chiến lược mới cho ngành Thống kê. Điều này càng trở nên ý nghĩa hơn khi TCTK đang chuẩn bị cho Điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ 2024 và các cuộc điều tra khác tới đây.

 

Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư do Bộ Công an quản lý; cơ sở dữ liệu theo ngành, bao gồm hệ thống đăng ký hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý; và các nguồn dữ liệu hành chính khác của các Bộ ngành. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy quốc gia nào có các hệ thống đăng ký và nguồn dữ liệu hành chính đáng tin cậy, nhất quán, đầy đủ và chất lượng cao, thì có thể thực hiện TĐT dựa trên dữ liệu hành chính. Mặt khác,TĐT dân số theo phương pháp kết hợp có thể được coi là một quá trình chuyển đổi từ phương pháp truyền thống sang dựa vào dữ liệu hành chính.

 

Với mức độ đa dạng của các nguồn dữ liệu hành chính, cũng như quy mô dân số và đặc điểm tăng trưởng kinh tế-xã hội đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam, điểm then chốt là Tổng cục Thống kê phải nắm được những kinh nghiệm và các bài học từ các quốc gia khác về sử dụng dữ liệu hành chính cho TĐT và các điều tra dân số. Điều này cũng giúp Việt Nam chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi từ TĐT theo phương pháp truyền thống sang áp dụng phương pháp kết hợp hoặc dựa trên dữ liệu hành chính với các chủ đề dựa trên sự sẵn có của số liệu, cho đến khả năng công nghệ. UNFPA vinh dự được đồng hành và hỗ trợ cho tiến trình này vì chúng ta có mục tiêu chung là “Dữ liệu tốt hơn, Cuộc sống tươi đẹp hơn”.

 

Chúc tất cả các Bạn có một cuộc hội thảo thành công tốt đẹp.

 

Cám ơn vì các Bạn đã lắng nghe.