Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam

Bài phát biểu  của Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam

Tuyên bố

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam

calendar_today 22 June 2021

Ngày:              09:00 giờ sáng, Thứ Ba, ngày 22 tháng 6 năm 2021

Sự kiện:         Lễ bàn giao Bộ đồ dùng thiết yếu dành cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch COVID-19

Địa điểm:        Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, số 9 Tôn Thất Thuyết, Hà Nội

 

Kính thưa,

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam;

Đại diện đến từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam;

Ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam

Đồng nghiệp đến từ các cơ quan thông tấn báo chí;

Kính chào các quý vị,

 

Thay mặt UNFPA, hôm nay tôi rất vinh dự được tham dự buổi Lễ bàn giao giữa UNFPA và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao Bộ đồ dùng thiết yếu dành cho phụ nữ tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, và thành phố Hồ Chí Minh; đây là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4.

 

UNFPA Việt Nam đánh giá cao quan hệ đối tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Chính phủ Ô-xtrây-li-a, Chính phủ Nhật Bản, cũng như cam kết của lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chung tay cùng chúng tôi khẩn trương hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực giới do hậu quả của đại dịch COVID-19.

 

Thưa quý vị,

Hàng ngày, chúng tôi theo dõi báo cáo của Bộ Y tế về các ca mắc COVID-19 mới trên khắp Việt Nam và các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Chúng tôi biết rằng ngày càng có nhiều ca mắc COVID-19 mới được báo cáo tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, và thành phố Hồ Chí Minh; và phần lớn dân số bị ảnh hưởng là những người lao động nữ. Chúng tôi tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng tại các địa phương sớm kiểm soát thành công đợt bùng phát lần thứ 4 này, như Chính phủ đã làm trước đây.

 

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đại dịch cũng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện đang diễn ra và gây ảnh hưởng đáng kể tới nhóm dân số dễ bị tổn thương. Áp lực xã hội và gia đình do hệ quả các các biện pháp ngăn chặn COVID-19, mất việc làm, tình trạng bất ổn, và thu nhập hộ gia đình giảm khiến cho phụ nữ càng dễ bị tổn thương trước vấn đề bạo lực gia đình. Trong hai tháng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 1 tháng 4 tới ngày 31 tháng 5 năm 2020, số lượng các cuộc gọi yêu cầu trợ giúp tới các đường dây nóng và đường dây trợ giúp do UNFPA hỗ trợ đã tăng gấp đôi so với giai đoạn cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh rõ tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái liên quan tới bạo lực gia đình do hệ quả tiêu cực của đại dịch COVID-19.

 

Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam do UNFPA hỗ trợ thực hiện vào năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát cho thấy 62,9% phụ nữ đã kết hôn bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục và/hoặc tinh thần do chồng/ bạn tình gây ra trong đời, và 90,4% những người phụ nữ này không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. Bạo lực do chồng gây ra đặc biệt phổ biến tại Việt Nam, và điều quan trọng cần nhấn mạnh đó là bạo lực đối với phụ nữ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người phụ nữ và gia đình họ, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Theo Điều tra quốc gia, tổn thất năng suất lao động tổng thể do bạo lực gây ra đối với phụ nữ ước tính chiếm 1,8% GDP vào năm 2018. Do đó, điều quan trọng là phải coi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một vấn đề về phát triển.

 

Thưa các vị khách quý,

Bộ đồ dùng thiết yếu là nét đặc trưng trong gói hỗ trợ nhân đạo toàn diện của UNFPA nhằm bảo vệ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cũng như quyền của phụ nữ và trẻ em gái, ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới, đồng thời bảo vệ nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng tiêu cực do khủng hoảng. Gìn giữ nhân phẩm là cơ sở thiết yếu giúp duy trì cảm giác tự trọng và tự tin - hai yếu tố cần thiết để ứng phó với các tình huống căng thẳng hay thậm chí là khủng hoảng nhân đạo.

 

Hôm nay, khoảng 5.100 bộ đồ dùng thiết yếu được bàn giao cho Hội Nông dân Việt Nam để trao cho phụ nữ và trẻ em gái tại tỉnh Bắc Giang (2.397 bộ), Bắc Ninh (1.438 bộ), và thành phố Hồ Chí Minh (1.259 bộ). Bộ đồ dùng thiết yếu bao gồm những vật dụng cơ bản mà phụ nữ và trẻ em gái cần dùng để bảo vệ bản thân và giữ gìn vệ sinh cá nhân, lòng tự trọng và nhân phẩm trong bối cảnh khủng hoảng.

Ngoài những vật dụng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu đặc biệt của phụ nữ trong bối cảnh nhân đạo, bộ đồ dùng thiết yếu còn bao gồm thông tin về bạo lực giới, chẳng hạn như bạo lực giới là gì, cách thức đối phó với bạo lực giới, và các hướng dẫn giúp phụ nữ kết nối tới các dịch vụ hỗ trợ hiện có. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã hợp tác với UNFPA trong những năm qua để thiết lập mô hình cung cấp dịch vụ như vậy tại tỉnh Quảng Ninh, cũng như các dịch vụ đường dây nóng trên toàn quốc.

Chúng ta phải đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam, bao gồm những người dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đều được sống một cuộc sống không có bạo lực, và việc hỗ trợ họ cần được ưu tiên thực hiện trong công tác ứng phó với đại dịch COVID-19. Bạo lực giới là một vấn đề phát triển, việc ngăn ngừa và ứng phó hiệu quả với bạo lực giới nhằm đảm bảo mọi người dân đều là một phần trong quá trình phát triển biền vững của đất nước, và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn tổ chức KOICA, Chính phủ Ô-xtrây-li-a, và Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ để trợ giúp phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, và Hội Nông dân Việt Nam với cam kết mạnh mẽ để trao bộ đồ dùng thiết yếu tới các cộng đồng.

Xin cảm ơn.