Bạn đang ở đây

  • Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê
  • Các đại biểu tham gia tập huấn.

Tôi rất vui mừng được có mặt tại thành phố Hạ Long ngày hôm nay để tham dự buổi khai mạc khóa tập huấn về các mô hình thống kê nâng cao trong phân tích nhân khẩu học. Đây là một phần trong sáng kiến nhằm nâng cao năng lực của Tổng cục Thống kê trong việc phân tích và phổ biến dữ liệu về dân số và sức khỏe sinh sản.
Hội nghị này là hoạt động đầu tiên nối tiếp sau thành công của lễ khởi động dự án mới của Tổng cục Thống kê, thuộc Chương trình Quốc gia lần thứ 10 của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), hỗ trợ cho Việt Nam, giai đoạn 2022 - 2026. Xây dựng và sử dụng dữ liệu có chất lượng về dân số và phát triển với các phương pháp và công cụ mới nhất đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đồng thời để theo dõi tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030. 

 

Thay mặt UNFPA, tôi xin cảm ơn Tổng cục Thống kê và các đối tác đã rất nỗ lực trong quá trình xây dựng dự án và được Chính phủ phê duyệt, cũng như phối hợp chặt chẽ với UNFPA để nhanh chóng thực hiện kế hoạch hoạt động  năm 2022. Chúng tôi đánh giá cao những thành tựu mà Tổng cục Thống kê đã đạt được, và khẳng định một mục tiêu chung, đó là “Dữ liệu tốt hơn, Cuộc sống tốt hơn”. 

 

Kính thưa các đại biểu,

 

Dữ liệu và bằng chứng là những điều kiện tiên quyết cho việc ra quyết định và xây dựng chính sách bền vững. Chúng ta cần đảm bảo các nhà thống kê và nhà nhân khẩu học đều có năng lực vượt trội không chỉ trong công tác thu thập dữ liệu, mà còn trong việc phân tích và phổ biến dữ liệu. Chúng ta có dữ liệu từ các cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở, cũng như các cuộc điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình hàng năm do Tổng cục Thống kê tiến hành. Tuy nhiên, những dữ liệu đó chỉ trở nên hữu ích sau khi được chúng ta phân tích, đặc biệt là đối với các vấn đề dân số mới nổi. Nếu không, dữ liệu sẽ chỉ mãi mãi nằm trên giá sách. Chúng ta cần phải đưa dữ liệu vào cuộc sống.

 

Báo cáo của Mạng lưới các nhà kinh tế Liên Hợp Quốc được phát hành vào tháng 9 năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc đã đưa ra năm Xu hướng lớn toàn cầu đang định hình thế giới, và một trong số đó là Biến động dân số và điều này thậm chí còn đặc biệt quan trọng khi chúng ta tiến hành phân tích tác động của Covid-19 tới tử vong, mức sinh và di cư. Đối với Việt Nam, điều này thực sự quan trọng khi đất nước lực lượng dân số trẻ lớn nhất trong lịch sử, và thời kỳ cơ hội dân số vàng có một không hai này vẫn còn có thể được tận dụng để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, cũng như đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Đồng thời, già hóa dân số tại Việt Nam đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Những dữ liệu dân số này cho thấy chúng ta đang ở một vị trí đặc biệt trong xu hướng nhân khẩu học của thế giới và của Việt Nam. 

 

Do đó, chúng ta phải tự hỏi chính mình. Với COVID-19, chúng ta có cần điều chỉnh tỷ lệ tử vong của Việt Nam không? Chúng ta có thấy bất kỳ sự thay đổi nào về tỷ lệ sinh - mọi người có đang mang thai và sinh con như chúng ta dự báo không? Chúng ta có cần điều chỉnh dự báo mức sinh không?  Người di cư nhiều hơn hay ít hơn trong giai đoạn hậu COVID-19? Người Việt Nam vẫn thích con trai hơn con gái,vẫn lựa chọn giới tính trước sinh đúng không? Tốc độ già hóa dân số hiện nay là bao nhiêu và nhóm dân số nào nên được chú ý nhiều hơn khi chúng ta phân tích quá trình già hóa?

 

Kính thưa các đại biểu,

Khi tôi học Nhân khẩu học cách đây 27 năm tại Học viện Kinh tế London, tôi đã học cách tính tuổi thọ thủ công bằng cách tự lập một bảng sống từ xác suất chết ở một độ tuổi cụ thể, mà việc lập bảng này lại yêu cầu tôi phải tính toán thủ công từ số người tử vong theo từng nhóm tuổi. Tôi đã thực hiện điều đó bằng một chiếc máy tính.  Phần mềm SPSS vừa được cho ra mắt, tôi đã tự lập trình từ những dữ liệu thô của các cuộc điều tra sức khỏe và nhân khẩu học và hiểu được các yếu tố tác động tới sự sống sót của trẻ em tại Zambia, một quốc gia châu Phi. Kể từ đó, các phương pháp và công cụ nhân khẩu học mới đã phát triển nhanh chóng, cũng với sự hỗ trợ từ công nghệ thông tin và kỹ thuật số. Ngày nay, các bạn may mắn được tiếp xúc với các phương pháp thống kê và nhân khẩu học mới nhất mà không cần phải sử dụng máy tính cầm tay.

 

Vậy nên, tôi rất vui được giới thiệu một chuyên gia quốc tế tham gia hội nghị của chúng ta trong tuần này - Tiến sĩ Ralph Hakkert. Ông là nhà nhân khẩu học, nhà thống kê, nhà nghiên cứu cao cấp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dân số và phát triển. Ông từng là Cố vấn kỹ thuật cấp cao về Dữ liệu và Nghiên cứu tại Vụ Dân số và Phát triển,  thuộc trụ sở  UNFPA. Ông cũng là tác giả của nhiều bài báo, tài liệu nghiên cứu và hướng dẫn về phân tích và dự báo dân số. Ông là một chuyên gia đào tạo giàu kinh nghiệm. Ông đã tiến hành các buổi tập huấn về phân tích nhân khẩu học và nghiên cứu dân số cho một số quốc gia ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và khu vực Caribe.

 

Tôi mong quý vị có thể thu được thật nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm từ Tiến sĩ Hakkert trong tuần này. Điều này không chỉ giúp ích cho các bạn với tư cách là một nhà thống kê hay một nhà nhân khẩu học, mà còn là vì sự phát triển của Việt Nam. Điều đó là dành cho đất nước của các bạn.

 

Chúc các bạn có một buổi tập huấn thật thành công!