Bạn đang ở đây

  • ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
  • Đại diện các Bộ, cơ quan Chính phủ và chính quyền địa phương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;
  • Đại diện từ các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội và cơ quan báo đài địa phương;

 

Tôi rất vinh dự được đồng chủ trì một hội thảo tham vấn quan trọng khác để thảo luận về dự thảo Nghị định quy định một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) năm 2022. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự thảo Nghị định này vào tháng 5 năm 2023.

 

Nhân dịp này, UNFPA một lần nữa chúc mừng Bộ VHTTDL đã không ngừng nỗ lực trong việc rà soát, sửa đổi Luật PCBLGĐ trước đây, đồng thời áp dụng nhất quán các cách tiếp cận dựa trên quyền con người và trên cơ sở giới, lấy người bị bạo lực giới làm trung tâm. Việc Quốc hội thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình vào tháng 11 năm 2022 thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề bạo lực gia đình ở Việt Nam.

 

Luật PCBLGĐ năm 2022 sẽ không được hoàn thiện và thông qua nếu không có những ý kiến đóng góp và khuyến nghị từ các quan chức cấp cao của các bộ ngành, cơ quan của Chính phủ, từ chính quyền các tỉnh, thành phố và các bên liên quan khác thông qua một loạt hội thảo tham vấn do Bộ VHTTDL tổ chức với sự hỗ trợ kỹ thuật từ UNFPA trong quá trình sửa đổi luật.

 

Hôm nay, UNFPA rất vui mừng được tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho Bộ VHTTDL trong quá trình soạn thảo Nghị định này.

 

Chúng tôi tin rằng sự tham gia của Quý vị tại Hội nghị góp ý này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Bộ hoàn thiện dự thảo Nghị định, một khung pháp lý quan trọng để đảm bảo việc thực thi Luật PCBLGĐ năm 2022 có hiệu quả.

 

Thưa các Quý vị đại biểu,

 

Luật PCBLGĐ năm 2022 gồm 6 chương, 56 điều với nhiều quy định mới cần được cụ thể hóa trong Nghị định. Luật bao gồm các điều khoản với định nghĩa bổ sung về các hành vi bạo lực gia đình, các biện pháp khác nhau để ngăn chặn bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ những bị bạo lực. Luật năm 2022 cũng tăng cường nghĩa vụ của Nhà nước trong việc phân bổ ngân sách hàng năm để phòng chống hiệu quả bạo lực gia đình, bao gồm cả việc phát triển các cơ sở hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.

 

Trong quá trình soạn thảo Nghị định, các cách tiếp cận dựa trên quyền và nhạy cảm giới cần được xem xét một cách nhất quán để bảo vệ quyền của những người bị bạo lực và đảm bảo trách nhiệm, nghĩa vụ của người gây bạo lực. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng các nhận xét và khuyến nghị của các Quý vị cũng sẽ dựa trên các cách tiếp cận này.

 

Thưa các Quý vị đại biểu,

 

UNFPA muốn nhân cơ hội này giới thiệu lại những mô hình đã được UNFPA giới thiệu tại Việt Nam trong vài năm qua, với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia nhằm bảo vệ và hỗ trợ những người bị bạo lực. Đó là tổng đài miễn phí hoạt động 24/7 do Hội Nông dân Việt Nam điều hành và bốn Trung tâm Dịch vụ Một cửa, còn được gọi là Ngôi nhà Ánh Dương được vận hành bởi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và tổ chức xã hội. Ngôi nhà Ánh Dương có chức năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái đang và/hoặc có nguy cơ bị bạo lực.

 

Tính đến nay, tổng đài đã tiếp nhận và tiếp cận hơn 11.300 cuộc gọi đề nghị tư vấn, hỗ trợ cho gần 1.400 phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực. Trong khi đó, bốn Ngôi nhà Ánh Dương đã hỗ trợ trực tiếp cho 43 người bị bạo lực tạm lánh tại Ngôi nhà cũng như hỗ trợ 133 người bị bạo lực tại cộng đồng. Tuy nhiên trên thực tế, nhu cầu người bị bạo lực cần được hỗ trợ trên khắp Việt Nam còn cao hơn rất nhiều.

 

Như Quý vị đã biết, Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ tại Việt Nam năm 2019 cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người (62,9%) đã từng bị chồng bạo lực thể chất, tình dục, tâm lý, kinh tế và các hành vi kiểm soát ít nhất một lần trong đời. Và một nửa số phụ nữ bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác và/tình dục đã không nói với bất kỳ ai về điều đó và 90,4% trong số họ không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ cơ quan chức năng. Do đó, việc phát triển và nhân rộng các mô hình Ngôi nhà Ánh Dương là rất cần thiết để có thể tiếp cận được càng nhiều phụ nữ và trẻ em gái càng tốt. Dự thảo Nghị định cần có các quy định để tạo điều kiện phát triển các cơ sở hỗ trợ và tổng đài quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

 

UNFPA cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trên con đường chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chúng tôi mong muốn đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương nhất, có quyền sống một cuộc sống không bị bạo lực và được tôn trọng, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của đất nước.

 

Với thông điệp này, kính chúc Quý vị có một buổi Hội nghị góp ý hiệu quả.

 

Xin chân thành cảm ơn.