Bạn đang ở đây

Kính thưa ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội (PCSA);

Kính thưa bà Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội (PCSA);

Các đại biểu của Ủy ban Xã hội Quốc hội và Thường trực Hội đồng dân tộc;

Đại diện Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thống kê/ Bộ KH&ĐT, Đại diện đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân một số tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc;

 

Kính thưa các vị đại biểu.

 

Tôi rất vui mừng được khai mạc hội thảo này cùng với Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Quốc hội (PCSA). Trước tiên, tôi xin chân thành cảm ơn Ủy ban xã hội Quốc hội đã tổ chức buổi hội thảo này để chia sẻ và thảo luận với các đại biểu dân cử của Quốc hội về những vấn đề chính liên quan đến dân số và xu hướng nhân khẩu học trong sự phát triển bền vững.

 

Đây là hội thảo lần thứ 2 được tổ chức sau hội đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 27/6 mà chúng tôi đã có những phần thảo luận rất hữu ích với các đại biểu dân cử khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn các đại biểu dân cử của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân đã có mặt tại đây ngày hôm nay. Những đóng góp và vai trò của quý vị trong việc tăng cường xây dựng và triển khai các chính sách và chương trình quốc gia là điều vô cùng quan trọng trong nhiệm kỳ 5 năm đến năm 2026, để bảo vệ quyền của tất cả mọi người trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Kính thưa quý vị,

 

Chỉ 3 ngày trước đây vào ngày 11/7 thế giới đã kỷ niệm ngày Dân số thế giới với chủ đề “Một thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người cần khai thác cơ hội và đảm bảo quyền và lựa chọn cho tất cả mọi người.” Vì dân số thế giới sẽ chạm mốc 8 tỷ người trong vài tháng tới, Giám đốc điều hành UNFPA toàn cầu đã nhấn mạnh rằng khái niệm “quá nhiều người” trên thế giới là một sai lầm. Bà nhấn mạnh rằng nếu chỉ tập trung vào qui mô  dân số và tỷ lệ gia tăng dân số thường dẫn đến các biện pháp cưỡng chế và phản tác dụng gây ảnh hưởng tới quyền con người, chẳng hạn như phụ nữ bị gây áp lực phải có con hoặc bị ngăn cản không được sinh con. Thế giới hiện nay có thể có nhiều người hơn, nhưng điều quan trọng không kém đó là sự đa dạng nhân khẩu học chưa từng có mà chúng ta thấy trong dân số toàn cầu. Giám đốc điều hành của chúng tôi nói với các quốc gia trên thế giới rằng con người là giải pháp, chứ không phải là vấn đề. Khi mọi người có quyền đưa ra những lựa chọn sáng suốt về việc có  hay không có con và thời điểm sinh con, khi  họ có thể thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình thì khi đó họ có thể vượt qua các rủi ro, thách thức và trở thành nền tảng của những xã hội hòa nhập, dễ thích ứng và bền vững hơn. 

Tôi xin nêu một số vấn đề quan trọng rất cần được Quốc hội quan tâm trong những năm tới.

 

Chủ đề mức sinh ở Việt Nam hiện đang rất được quan tâm. Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 và các cuộc điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình hàng năm do Tổng cục Thống kê thực hiện xác nhận mức sinh hiện nay của Việt Nam xoay quanh mức thay thế. Ước tính tổng tỷ suất sinh, phản ánh số con mà một phụ nữ có trong đời, là 2,11 vào năm 2021. Điều này khẳng định việc quan tâm hiện nay và vẫn tiếp tục của Chính phủ chuyển hướng công tác dân số từ dân số - kế hoạch hóa gia đình trước đây sang một cách tiếp cận toàn diện hơn về dân số và phát triển cho chương trình nghị sự về các Mục tiêu Phát triển Bền vững tới năm 2030. Với tư cách là UNFPA, chúng tôi tiếp tục tư vấn cho Việt Nam đưa ra các biện pháp pháp lý và chính sách hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) mà Việt Nam đã tham gia. Đó là các cá nhân và cặp vợ chồng có thể tự quyết định và có trách nhiệm về số con, thời gian sinh con, và khoảng cách giữa các lần sinh.

Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ chưa từng có: số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 12,8% tổng dân số, tương đương 12,6 triệu người vào năm 2021. Ở đây, chúng ta nên hiểu rằng dân số già đi không chỉ vì tỉ lệ tử vong giảm và con người sống thọ hơn, mà còn vì mức sinh sụt giảm. Chúng ta cũng cần phải lưu ý là xã hội già hóa cũng có thể đưa tới những cơ hội mới, nhất là trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Người cao tuổi có thể tiếp tục đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, việc này còn đưa tới cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi.

Báo cáo của Mạng lưới các nhà kinh tế Liên Hợp Quốc được phát hành vào tháng 9 năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc đã đưa ra năm Xu hướng lớn toàn cầu đang định hình thế giới, và một trong số đó là Biến động dân số, và điều này thậm chí còn đặc biệt quan trọng khi chúng ta tiến hành phân tích tác động của Covid-19 tới tử vong, mức sinh và di cư. Đối với Việt Nam, điều này thực sự quan trọng khi đất nước có lực lượng dân số trẻ lớn nhất trong lịch sử, và thời kỳ cơ hội dân số vàng có một không hai này vẫn còn có thể được tận dụng để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, cũng như đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Đồng thời, như đã đề cập ở trên, già hóa dân số tại Việt Nam đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Những dữ liệu dân số này cho thấy chúng ta đang ở một vị trí đặc biệt trong xu hướng nhân khẩu học của thế giới và của Việt Nam.

 

Kính thưa các vị khách quý,

Chúng ta có một vấn đề nghiêm trọng chưa được giải quyết trong nhiều năm, đó là tình trạng lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Năm 2019, ước tính có khoảng 45.900 trẻ em gái bị thiếu hụt do việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và lựa chọn giới tính trước sinh. Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái so với mức sinh học bình thường là 105 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái, cao thứ ba châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Lựa chọn giới tính trước khi sinh là kết quả của ba yếu tố. Thứ nhất, tâm lý ưa thích có con trai đã ăn sâu vào văn hóa truyền thống của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, khi các cặp vợ chồng biết tin mang thai con gái, họ có xu hướng bỏ cái thai đó đi vì muốn có con trai hơn. Yếu tố thứ hai là giảm sinh và hạn chế mức sinh. Ở Việt Nam, mỗi gia đình thường chỉ được sinh hai con. Nếu bé đầu là con gái, và bé thứ hai – được coi là lần sinh cuối -  cũng được xác định là con gái, thì cặp vợ chồng có thể nghĩ tới việc phá thai. Và yếu tố cuối cùng là sự hiện diện ngày càng phổ biến của công nghệ sinh sản ở Việt Nam, dù ở thành thị hay nông thôn.

 

Việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới phải được chấm dứt không chỉ trên góc độ nhân quyền và bình đẳng giới, mà còn vì nó mang tới nhiều hệ lụy, nhất là hệ lụy mà các nhà nhân khẩu học gọi là “sức ép hôn nhân” do thiếu hụt nữ giới. Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh hiện tại không thay đổi thì đến năm 2034 sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này vào năm 2059 sẽ tăng lên thành 2,5 triệu. Dư thừa nam giới tức là sẽ ngày càng có nhiều nam giới khó kiếm được vợ, từ đó làm gia tăng nạn buôn người và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

 

Các kết quả Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do UNFPA hỗ trợ cho thấy tỷ lệ bạo lực hầu như không thay đổi so với nghiên cứu đầu tiên được thực hiện vào năm 2010. Đây là một kết quả đáng thất vọng. Theo Nghiên cứu năm 2019, 62,9% phụ nữ Việt Nam đã trải qua một hoặc nhiều dạng bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần, kinh tế, hay các hành vi kiểm soát của người chồng, trong cuộc đời mình Bạo lực là vấn đề còn ẩn khuất trong xã hội Việt Nam khi 90,4% nạn nhân của bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính quyền và một nửa trong số đó chưa từng kể với ai về việc mình đã bị bạo lực. Ngoài ra, tổng thiệt do bạo lực đối với phụ nữ tương đương gần 1,81% GDP của cả nước. Đây là một vấn đề đáng báo động.

 

Kính thưa các vị khách quý,

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục trong 20 năm qua. Tuy nhiên, sự chênh lệch và bất bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục hiện vẫn còn tồn tại giữa các nhóm dân số khác nhau, bao gồm dân tộc thiểu số, lao động di cư, giới trẻ và những người sống ở vùng sâu, vùng xa.

 

Điều tra các Mục tiêu Phát triển Bền vững do Tổng cục Thống kê Việt Nam phối hợp với UNFPA và UNICEF thực hiện vào năm 2021 cho thấy chỉ có 72,2% phụ nữ đã kết hôn hài lòng với các biện pháp tránh thai hiện đại, tỷ lệ này ở phụ nữ chưa kết hôn thậm chí giảm xuống chỉ còn 50,3%. Đây dường như cũng là vấn đề lớn với người trẻ tuổi khi nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng ở nhóm này cao gấp 4 lần so với phụ nữ đã lập gia đình. Điều đó kêu gọi cần tăng cường đầu tư để đáp ứng nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình và các biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt là của thanh niên Việt Nam. Do đó, cần đặc biệt chú trọng đến chất lượng của các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh niên, giúp họ dễ dàng tiếp cận để từ đó có thể đưa ra các quyết định sang suốt có đủ thông tin.

 

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Trong Chương trình Quốc gia lần thứ 10 trong 5 năm tới, UNFPA tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để đạt mục tiêu:

  • Không có chết mẹ từ những nguyên nhân có thể ngăn ngừa được;
  • Không một nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình nào không được đáp ứng; và
  • Không có hành vi bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Đã đến lúc chúng ta thực hiện cam kết để không bỏ ai lại phía sau. Với tư cách là đại biểu Quốc hội và đại biểu dân cử, quý vị có quyền lực đặc biệt đại diện cho người dân Việt Nam và đưa tiếng nói của nhân dân vào quá trình xây dựng chính sách và đưa ra quyết định cho đất nước. Do đó, tất cả quý vị đều có vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, đây không chỉ là việc đúng đắn mà còn là việc sáng suốt cần làm.

Cảm ơn quý vị và tôi mong rằng ngày hôm nay, chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận thật hiệu quả.