Bạn đang ở đây

  • Kính thưa Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội;
  • Kính thưa Ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA);
  • Đại diện các Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
  • Đại diện chính quyền địa phương của Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh; 
  • Đại diện Hội Nông dân Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA);
  • Và các cơ quan truyền thông.

Thay mặt UNFPA Việt Nam, tôi xin được chào mừng tất cả các quý vị đến tham dự hội thảo ngày hôm nay để chia sẻ kinh nghiệm vận hành mô hình trung tâm dịch vụ một cửa, hay còn được gọi là Ngôi nhà Ánh Dương ở Việt Nam, và đồng thời thảo luận về các cơ chế để nhân rộng và duy trì mô hình này trên toàn quốc.

Tôi xin chân thành cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã đồng chủ trì buổi hội thảo này. Sự hiện diện của bà đã khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.

Đồng thời, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến KOICA đã đồng hành cùng UNFPA trong công cuộc chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam thông qua Dự án “Xây dựng mô hình ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2017-2021 tại Việt Nam”, tiếp nối sau đó là Dự án Giai đoạn Chuyển tiếp “Các hoạt động tiếp nối Dự án Xây dựng Mô hình Ứng phó với Bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em gái tại Việt Nam, giai đoạn tháng 7 năm 2022 đến tháng 6 năm 2023”.

 

Thưa toàn thể Quý vị, 

Trung tâm Dịch vụ Một cửa đầu tiên đã được thành lập tại Quảng Ninh vào tháng 4 năm 2020 thông qua Trung tâm Công tác Xã hội Quảng Ninh trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ UNFPA và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). 

Tháng 1 năm 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã khai trương Ngôi nhà Ánh Dương thứ hai tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thanh Hóa với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản. Sáu tháng sau, với nỗ lực đa dạng hóa phương thức hoạt động của Ngôi nhà Ánh Dương nhằm tiếp cận nhiều người bị BLG hơn nữa, UNFPA đã ký kết hợp đồng với Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) để thành lập Trung tâm Dịch vụ Một cửa tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Cả ba Ngôi nhà Ánh Dương đều đã được vận hành với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản và sau đó là Chính phủ Úc kể từ tháng 6 năm 2022.

Ngôi nhà Ánh Dương có mục đích phát hiện, ngăn chặn tình trạng bạo lực và hỗ trợ cho những người bị bạo lực. Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và tích hợp cho phụ nữ và trẻ em gái đang trải qua hoặc có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình. Các dịch vụ được cung cấp rất đa dạng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ xã hội, nơi tạm lánh khẩn cấp, bảo vệ của công an, các dịch vụ pháp lý và tư pháp cũng như các dịch vụ chuyển tuyến. Tất cả các dịch vụ được cung cấp tại Trung tâm Dịch vụ Một cửa đều dựa trên nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm, trong đó người bị bạo lực được tôn trọng và nhân phẩm được bảo vệ, đồng thời được đảm bảo về quyền riêng tư và bảo mật. 

Tính đến nay, bốn Ngôi nhà Ánh Dương đã trực tiếp hỗ trợ hơn 60 người bị BLG ngay tại Ngôi Nhà Ánh Dương  và gần 1.100 người bị BLG trong cộng đồng. Ngoài ra đường dây nóng của các Ngôi nhà Ánh Dương đã tiếp nhận, tư vấn và hỗ trợ cho hơn 20.000 người bị bạo lực.

 

Thưa toàn thể Quý vị,

Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ do chồng/bạn tình gây ra vẫn đang là một vấn đề đáng báo động. Theo Điều tra quốc gia năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ, cứ 3 phụ nữ từ 15-64 tuổi thì có gần 2 người từng chịu ít nhất một hình thức của bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần và/hoặc kinh tế trong đời. Vấn nạn này vẫn còn len lỏi, ẩn giấu trong xã hội Việt Nam, thể hiện ở việc hơn 90% phụ nữ từng bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công, và một nửa trong số đó chưa từng chia sẻ sự việc với ai. BLG đã gây ra thiệt hại đáng kể cho Việt Nam trong năm 2018, ước tính chi phí chiếm 1.81% GDP. 

Hoạt động hiệu quả của bốn Ngôi nhà Ánh Dương không thể đáp ứng nhu cầu cao của người bị BLG, bao gồm cả người khuyết tật trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Do đó, UNFPA kêu gọi nhân rộng mô hình cơ sở hỗ trợ an toàn và đáng tin cậy này đến các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. 

Điều này hoàn toàn phù hợp với Chương trình quốc gia phòng chống bạo lực giới giai đoạn 2021-2025 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11 năm 2022. Các văn bản pháp luật và chính sách này nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập các mô hình và cơ sở hiệu quả để ngăn chặn bạo lực gia đình và hỗ trợ người bị BLG cũng như xây dựng các chính sách và hướng dẫn về tiêu chuẩn của mô hình Trung tâm Dịch vụ Một cửa để đảm bảo chất lượng của các dịch vụ hỗ trợ được cung cấp. Các chính sách và hướng dẫn này cũng nhằm tạo thuận lợi cho việc đầu tư cả về tài trợ và nhân lực từ các tổ chức, cá nhân và khu vực tư nhân.

Chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại với phụ nữ và trẻ em gái là một trong ba chương trình nghị sự mang tính chuyển đổi trong Kế hoạch Chiến lược của UNFPA. Tại Việt Nam, UNFPA đã và đang đồng hành với Chính phủ trên hành trình chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hướng tới mục tiêu này, chúng tôi cũng mong muốn hợp tác với nhiều tổ chức và cơ quan khác nhau, vì chúng tôi mong muốn có thể tiếp cận nhiều phụ nữ và trẻ em gái nhất có thể. Tôi mong rằng chúng ta sẽ có cuộc thảo luận sâu sắc về các giải pháp để nhân rộng mô hình Ngôi nhà Ánh Dương.

Chúng tôi muốn đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, bao gồm cả những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, có quyền được sống một cuộc sống không có bạo lực và không bị tổn hại về nhân phẩm. Phụ nữ và trẻ em gái sẽ không bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030.

Cảm ơn quý vị đã chú ý lắng nghe.