Bạn đang ở đây

Kính thưa Tiến sỹ Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà Mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế);

Đại diện Bộ Y tế, các cơ quan truyền thông, các Tổ chức Xã hội Dân sự, các đồng nghiệp tại UNFPA và các quý vị đại biểu tham gia trực tuyến;

 

Xin chào quý vị.

Tôi rất vui mừng khi hôm nay có cơ hội tham dự Lễ ra mắt và bàn giao ứng dụng di động “MCH247” được phát triển dưới sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của UNFPA và Chính phủ Nhật Bản nhằm đảm bảo cung cấp thông tin và dịch vụ về sức tình dục và sinh sản (SKTD&SS) liên tục trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại Việt Nam. Tôi xin chân thành cảm ơn sự chỉ đạo của Bộ Y Tế, đặc biệt của Tiến sĩ Phan Lê Thu Hằng, Bác sỹ quá cố Nguyễn Đức Vinh, Bác sỹ Đinh Anh Tuấn và Tiến sỹ Trần Đăng Khoa cũng như Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), về việc xây dựng ứng dụng di động tuyệt vời này nhằm cung cấp thông tin và dịch vụ về SKTD&SS, đặc biệt trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài.

 

Hôm nay, chúng ta tổ chức sự kiện này để đảm bảo rằng các dịch vụ thiết yếu cho bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em được cung cấp liên tục, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương nhất như lao động nhập cư và người dân tộc thiểu số. Nghiên cứu mô phỏng mà chúng tôi thực hiện vào năm 2020 về các tác động của COVID-19 tới tỷ lệ tử vong mẹ đã cho thấy những kết quả đáng báo động. Theo ước tính, tỷ lệ tử vong mẹ có khả năng sẽ tăng 44-65% do tác động tiêu cực của COVID-19. Điều này đồng nghĩa các thành quả giảm tử vong mẹ mà Việt Nam đã đạt được trong những thập kỷ qua có nguy cơ bị đảo ngược, đe dọa việc đạt được các chỉ tiêu của Mục tiêu Phát triển Bền vững SDG3. Phụ nữ tử vong khi sinh con là điều không nên xảy ra, ngay cả trong bối cảnh COVID-19.

Trong bối cảnh COVID-19, hệ thống y tế quá tải, và nhiều phụ nữ thường trì hoãn hoặc hủy các buổi khám thai định kỳ và các buổi thăm khám liên quan do lo sợ lây nhiễm tại các cơ sở y tế. Khi tình huống này xảy ra, không thể phát hiện kịp thời rủi ro và biến chứng thai kỳ, cũng như cung cấp và đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc cần thiết cho bà mẹ. Điều này có thể dẫn đến tử vong mẹ, và chúng ta phải ngăn chặn điều này xảy ra.

 

Một trong những giải pháp cho vấn đề này chính là đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKTD&SS có chất lượng một cách an toàn, không bị gián đoạn để bà mẹ mang thai có thể yên tâm đi khám.

 

Để có thể thực hiện mục tiêu này, UNFPA rất tự hào khi có thể phối hợp cùng với Bộ Y tế và CCIHP phát triển ứng dụng điện thoại MCH247. Ứng dụng này là một phần trong sáng kiến chăm sóc sức khỏe từ xa mà chúng tôi đang triển khai, tuy nhiên tập trung hướng tới chăm sóc SKTD&SS cho nhóm dân tộc thiểu số và lao động nhập cư. Ứng dụng cung cấp thông tin về bạo lực trên cơ sở giới cho cả nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng nhằm nâng cao nhận thức và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ. Theo Điều tra Quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có 2 người bị bạo lực trong cuộc đời.  

Thưa các Quý vị,

Ngày hôm nay, cùng với Chính phủ Nhật Bản, tôi rất tự hào khi chúng tôi có thể bàn giao toàn bộ hệ thống thiết bị hội nghị, tập huấn trực tuyến cho Vụ Sức khỏe Bà Mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), một cấu phần vô cùng quan trọng của sáng kiến chăm sóc sức khỏe từ xa. Trong tình huống bình thường, không có đại dịch COVID-19, chúng tôi sẽ hỗ trợ khám lâm sàng, giám sát và hỗ trợ chuyên môn, tập huấn và phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến tỉnh. Tuy nhiên, trước yêu cầu giãn cách xã hội và hạn chế đi lại, chúng tôi cho rằng trang thiết bị hỗ trợ làm việc từ xa này là một phương án lý tưởng để Bộ Y tế có thể đưa ra những chỉ đạo phù hợp tới tuyến tỉnh trong việc đảm bảo chăm sóc SKTD&SS cho phụ nữ có thai.

UNFPA hiện đang phối hợp rất chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái với mục tiêu: đến năm 2030, không có ca tử vong mẹ khi có thể phòng ngừa được, không còn nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình nào không được đáp ứng, và không còn bạo lực trên cơ sở giới và không có bất cứ thực hành nào có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái, từ đó đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong công tác cứu trợ nhân đạo và phát triển. SKTD&SS là quyền con người, và việc mang thai hay sinh con sẽ không vì tình hình đại dịch mà dừng lại. Chúng ta hãy cùng nhau đẩy lùi COVID-19 và những tác động tiêu cực của dịch bệnh tại Việt Nam.

Xin cảm ơn.