Go Back Go Back
Go Back Go Back

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Lễ tổng kết Chương trình Quốc gia lần thứ 9 và Khởi động Chương trình Quốc gia lần thứ 10 tại Việt Nam

Bài phát biểu của  Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Lễ tổng kết Chương trình Quốc gia lần thứ 9 và Khởi động Chương trình Quốc gia lần thứ 10 tại Việt Nam

Tuyên bố

Bài phát biểu của Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, tại Lễ tổng kết Chương trình Quốc gia lần thứ 9 và Khởi động Chương trình Quốc gia lần thứ 10 tại Việt Nam

calendar_today 10 March 2022

Kính thưa:

Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Các đồng nghiệp UNFPA;

Thưa các quý vị đại biểu tham dự trực tuyến và đại diện các cơ quan truyền thông.

 

Thay mặt Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), tôi rất vinh dự khi được có mặt tại Lễ tổng kết Chương trình Quốc gia lần thứ 9 (2017-2021) và Khởi động Chương trình Quốc gia lần thứ 10 (2022-2026) ngày hôm nay. Xin cảm ơn tất cả các tổ chức, cá nhân đã đóng góp cho việc thực hiện những chương trình do UNFPA hỗ trợ tại Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia lần thứ 9, cụ thể là các cơ quan Bộ, ban ngành của Chính phủ với sự điều phối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quốc hội, các Ủy ban Quốc gia, các đoàn thể và tổ chức xã hội, các đối tác phát triển như Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Na Uy, Nhật Bản, các đơn vị trong khu vực tư nhân như MSD, Bloomberg và Vital Strategies, các cơ quan truyền thông và các cơ quan Liên Hợp Quốc.   

UNFPA đã có mặt tại Việt Nam được 45 năm, và Việt Nam là một trong những quốc gia mà UNFPA có lịch sử hoạt động lâu đời nhất trên thế giới. Xuyên suốt Chương trình Quốc gia lần thứ 9, nhiều thành tựu đã được gặt hái, và ít phút nữa, chúng ta sẽ cùng nhìn lại những thành tựu này trong một đoạn clip ngắn. Tôi xin chia sẻ một số kết quả đột phá chính mà UNFPA đã thu được trong thời gian thực hiện chương trình Quốc gia lần thứ 9 như sau:

  • Quan hệ đối tác chiến lược và huy động nguồn lực. Chương trình Quốc gia lần thứ 9 đã giúp UNFPA Việt Nam mở rộng phạm vi quan hệ đối tác, bên cạnh những nhà tài trợ lâu đời và truyền thống như DFAT, KOICA, Na Uy và Nhật Bản, là những đối tác hoàn toàn mới, bao gồm các cơ quan trong khối tư nhân như MSD, Bloomberg và Vital Strategies. Chính vì thế, ngân sách hàng năm của chúng tôi đã tăng gần 3 lần vào thời điểm cuối của Chương trình Quốc gia lần thứ 9. Trong quá trình thực hiện chương trình, UNFPA là cơ quan Liên Hợp Quốc duy nhất có các đối tác là tổ chức xã hội được Chính phủ chấp thuận để tiếp cận các nhóm dân số cần giúp đỡ.
  • Đổi mới sáng tạo. Chương trình Quốc gia lần thứ 9, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đã thúc đẩy chúng tôi đổi mới sáng tạo và thử nghiệm nhiều cách thức khác nhau để tiếp cận các nhóm dễ bị tổn thương. Lần đầu tiên, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản từ xa đã được thí điểm tại Việt Nam, đặc biệt là tại các vùng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, ứng dụng chăm sóc người cao tuổi đầu tiên trên điện thoại di động cũng đã được ra mắt. Lần đầu tiên, nội dung giáo dục giới tính toàn diện cho thanh thiếu niên được cung cấp trực tuyến, đồng thời công nghệ kỹ thuật số mang tính đổi mới sáng tạo đã được sử dụng rộng rãi nhằm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cũng như Điều tra Quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 đã đặc biệt thành công trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới nhất để đẩy nhanh quá trình thu thập, phân tích dữ liệu và giảm thiểu sai sót chủ quan.
  • Ứng phó nhân đạo. Nhận thức được tác động của biến đổi khí hậu, và đặc biệt là nhằm ứng phó với trận mưa lũ lịch sử năm 2020 ở miền Trung, hoạt động tiếp cận lưu động đã được triển khai để bảo vệ cuộc sống của những người phụ nữ đang mang thai và các cặp vợ chồng đang có kế hoạch sinh con. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nguy cơ về bạo lực trên cơ sở giới trong tình huống khẩn cấp được đưa ra, và chúng tôi đảm bảo rằng các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhận thức rõ những nguy cơ này thông qua các công nghệ kỹ thuật số và việc cung cấp bộ đồ dùng thiết yếu lần đầu tiên tại Việt Nam.

Trong Chương trình Quốc gia lần thứ 10, chúng tôi sẽ đẩy nhanh và củng cố các can thiệp đã được khởi động trong Chương trình Quốc gia lần thứ 9, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta chỉ còn 8 năm nữa để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) vào năm 2030.  

Dựa trên thành công của Chương trình Quốc gia lần thứ 9, mục tiêu của Chương trình Quốc gia lần thứ 10 là đạt được những kết quả trong Kế hoạch Chiến lược của UNFPA toàn cầu, hướng tới một Việt Nam không còn tử vong mẹ do các nguyên nhân có thể ngăn ngừa, không còn các nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình nào mà chưa được đáp ứng, không còn bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác. Chương trình Quốc gia lần thứ 10 hoàn toàn phù hợp với Khung Hợp tác Phát triển Bền vững mới của Liên Hợp Quốc để Việt Nam thực hiện cam kết mang tính chuyển đổi “Không để ai bị bỏ lại phía sau” thông qua việc đóng góp trực tiếp vào 2 lĩnh vực ưu tiên: Thứ nhất là Phát triển xã hội bao trùm, và thứ hai là Quản trị và tiếp cận công lý, qua đó giảm thiểu bất bình đẳng và tính dễ bị tổn thương.

 

Chương trình Quốc gia lần thứ 10 hướng tới đạt được các kết quả trong những danh mục sau của chương trình:

  • Vị thành niên và thanh niên;
  • Già hóa dân số và bảo trợ xã hội; 
  • Tiếp cận công bằng với các quyền, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục; 
  • Số liệu và bằng chứng cho công tác xây dựng chính sách và chương trình;
  • Phòng ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại;
  • Ứng phó đa ngành với bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại.

Do Việt Nam dễ bị tổn thương bởi các tác động của biến đổi khí hậu, UNFPA sẽ cung cấp hỗ trợ nhân đạo trong tất cả các lĩnh vực chương trình, đặc biệt tập trung vào việc cung cấp dịch vụ tích hợp về chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cũng như hỗ trợ các nhóm dân số cao tuổi. Các quyền và lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái, thanh niên và người cao tuổi bị ảnh hưởng bởi những cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ được ưu tiên, để không ai bị bỏ lại phía sau.

 

Để đạt được mục tiêu chung và những mục tiêu cụ thể của Chương trình Quốc gia lần thứ 10, UNFPA sẽ hợp tác với Chính phủ, các tổ chức quốc gia và tổ chức xã hội (CSO) phù hợp tuyệt đối với những nguyên tắc về vai trò chủ động của quốc gia và trách nhiệm giải trình chung. Thông qua cơ quan điều phối của Chính phủ là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNFPA và Chính phủ Việt Nam sẽ cùng chịu trách nhiệm giải trình cho công tác quản lý chương trình, lên kế hoạch, giám sát và đánh giá việc thực hiện chương trình thông qua phương pháp tiếp cận quản lý dựa trên kết quả.

 

            Tôi tin tưởng rằng quan hệ đối tác giữa UNFPA và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, và tôi vui mừng tái khẳng định cam kết không ngừng của chúng tôi đối với Việt Nam trong việc “xây dựng một thế giới nơi việc mang thai luôn được mong đợi, mỗi ca sinh nở đều được an toàn và tiềm năng của mỗi người trẻ tuổi đều được phát huy”. Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn sự cống hiến và làm việc tận tụy của tất cả quý vị để tạo nên thành công xuất sắc của Chương trình Quốc gia lần thứ 9 và sẵn sàng đón nhận nhiều kết quả hơn nữa từ Chương trình Quốc gia lần thứ 10. 

 

Xin cảm ơn!